Lan tỏa ngọn lửa đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương

Phó Thủ tướng kỳ vọng các đại biểu dự Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Cà Mau sẽ lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết, truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc của tỉnh, đồng lòng chung sức xây dựng tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Quang cảnh Đại hội. Ảnh VGP/Mạnh Hùng

Quang cảnh Đại hội. Ảnh VGP/Mạnh Hùng

Chiều 18/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tới dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Cà Mau lần thứ III, năm 2019.

Tỉnh Cà Mau có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 13 dân tộc thiểu số với khoảng 53.000 người, phân bố trên địa bàn của 65 xã, phường và thị trấn.

Giai đoạn 2014 - 2019, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh có nhiều đổi mới. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào đạt gần 36 triệu đồng, bằng 81% so với mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh.

Trong 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, vùng dân tộc thiểu số trong tỉnh có 52 xã thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và đến nay đã có 16 xã đạt chuẩn, 26 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí và 10 xã đạt 7 đến 9 tiêu chí nông thôn mới. Kết quả trên từng bước làm thay đổi diện mạo địa bàn nông thôn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số theo chiều hướng tích cực.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, hiện cả nước có khoảng 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 15% dân số, sinh sống ở 51 tỉnh, thành phố. Đồng bào các dân tộc thiểu số luôn đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội. Ảnh VGP/Mạnh Hùng

Với Cà Mau, theo Phó Thủ tướng, qua Báo cáo chính trị trình tại Đại hội, ông rất vui mừng khi biết 5 năm vừa qua, các cấp, các ngành của tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt, đầu tư phát triển toàn diện địa bàn dân tộc thiểu số, miền núi.

Cụ thể, mặc dù Tỉnh ủy Cà Mau không ban hành Nghị quyết riêng về công tác dân tộc, nhưng trong phương hướng, nhiệm vụ của Tỉnh ủy và trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh giai đoạn 5 năm và hằng năm đều đề cập đậm nét về công tác dân tộc tại địa phương.

Tỉnh đã kịp thời phân bổ nguồn lực để thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ đối với đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trong đó, nổi bật như hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; sắp xếp ổn định dân cư; vay vốn tín dụng ưu đãi...

Nhờ vậy, kết quả giảm nghèo toàn tỉnh đáng ghi nhận, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm từ 3% đến 4%; đến cuối năm 2018, hộ nghèo dân tộc thiểu số chỉ còn 1.874 hộ, chiếm 15,58% trong tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số còn 693 hộ, chiếm 8,66% trong tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.

Phó Thủ tướng tặng học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cà Mau 50 triệu đồng. Ảnh VGP/Mạnh Hùng

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng chia sẻ những khó khăn, hạn chế của tỉnh hiện nay, đồng thời gợi ý một số nội dung và đề nghị các đại biểu dự Đại hội cần tập trung bàn bạc, tìm phương hướng, giải pháp cho thời gian tới.

Theo đó, trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, cần phát huy lợi thế là tỉnh có 3 mặt tiếp giáp với biển, tranh thủ thu hút, huy động các nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế đồng bộ; tập trung khai thác tiềm năng lợi thế để tạo sinh kế mới.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, khuyến khích khởi nghiệp.

Trong nông nghiệp, chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến thủy sản gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu; xây dựng sản phẩm có thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với thị trường tiêu thụ...

Đặc biệt, cần tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, dạy chữ Kh’mer, dạy nghề để nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng dân tộc thiểu số. Các cấp, ngành và đoàn thể cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, trí thức, người có uy tín là dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân. Ảnh VGP/Mạnh Hùng

Và cùng với nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, cần phải quan tâm bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú của mỗi dân tộc và của nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc trong tỉnh như Kh’mer, Hoa… để phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự; có giải pháp mạnh ngăn chặn tình trạng ngư dân đánh bắt cá vi phạm vùng biển các nước.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở thật sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống giảm nhẹ thiên tai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng kỳ vọng 252 đại biểu dự Đại hội, những người ưu tú đại diện cho gần 54.000 người thuộc 13 dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Cà Mau sẽ ghi lòng tạc dạ công ơn đối với Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu; lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết, truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc của tỉnh, đồng lòng chung sức xây dựng tỉnh Cà Mau ngày càng phát triển, mọi người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhân dịp về dự đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao tặng học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Cà Mau 50 triệu đồng.

Mạnh Hùng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/lan-toa-ngon-lua-doan-ket-chung-suc-dong-long-xay-dung-que-huong/380339.vgp