Lan tỏa nhiều mô hình CCHC hay, hiệu quả

Cùng với việc tinh giản bộ máy hành chính hiệu quả, Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước trong 10 năm qua còn mang lại những bước đột phá về ứng dụng CNTT trong xây dựng chính quyền điện tử và phát triển đô thị thông minh.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đây chính là nền tảng bền vững để nhân rộng và phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2030. Thông qua đó nhiều địa phương đã có những sáng kiến, mô hình hay về cải cách hành chính (CCHC).

Phát triển nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, TPHCM là một địa phương nổi bật trong cả nước về xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh của cả nước. Trong thời gian qua Thành phố đã và đang nỗ lực xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số xây dựng thành phố thông minh. Để tiếp tục giữu vững vai trò đầu tàu của cả nước trong việc thực hiện mô hình tăng trưởng mới đồng thời hỗ trợ thúc đẩy Thành phố phát triển nhanh và bền vững, TPHCM đã ban hành các văn bản mang tính chiến lược như đề án xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, chương trình chuyển đổi số…

Kết quả bước đầu cho thấy đây là nền tảng quan trọng để bảo đảm tích hợp hệ thống thông tin tại TPHCM. Đồng thời đưa kho dữ liệu của Thành phố đi vào hoạt động, tiến hành liên thông chia sẻ các cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị trên địa bàn. Đến thời điểm hiện tại kho dữ liệu đã tích hợp được các cơ sở dữ liệu, văn bản điện tử, một cửa điện tử; nội dung liên quan khiếu nại tố cáo, đường dây nóng, đăng ký doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài, dự án đầu tư công, địa chính, các cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề, các cơ sở giáo dục…

Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu Thành phố đóng vai trò quan trọng là công cụ kết nối tích hợp và chia sẻ dữ liệu, đồng thời mang tính chất quyết định của sự thành công trong việc phát triển chính phủ điện tử và xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. Do đó trong thời gian vừa qua TPHCM đã tiến hành đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị để hình thành hệ thống dữ liệu và cung cấp cho kho dữ liệu của Thành phố, ưu tiên tiến hành số hóa và các loại hồ sơ phục vụ tác nghiệp cho các đơn vị, phục vụ cho người dân và doanh nghiệp như các loại văn bản hành chính, hồ sơ thủ tục hành chính. Đặc biệt, TPHCM đang số hóa dữ liệu hộ tịch và sẽ tích hợp các cơ sở dữ liệu dân cư để hình thành kho dữ liệu đầy đủ.

TPHCM đã và đang tập trung chuyển đổi số trong một số lĩnh vực, ngành như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp…; hệ thống các trường học thông minh kết nối với nhau và với các cơ quan quản lý Nhà nước kết nối với học sinh, phụ huynh, thầy cô. Hình thành một hạ tầng giáo dục thông minh, y tế thông minh, tài chính ngân hàng thông minh, du lịch thông minh để cho diện mạo TPHCM dần được hình thành và ngày một rõ nét hơn.

Đặc biệt, TPHCM luôn xác định xây dựng chính quyền điện tử lấy người dân làm trung tâm phục vụ, vì vậy thời gian qua thành phố đã triển khai nhiều ứng dụng để cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến các địa phương các thông tin cho người dân và doanh nghiệp. Cổng Dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử quản lý hồ sơ đất đai, triển khai các nhiệm vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, việc xây dựng chính quyền điện tử tiến đến chính quyền số xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh là một quá trình cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Do đó, để đảm bảo công tác triển khai hiệu quả thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình chuyển đổi số. Tập trung chương trình chuyển đổi số của từng ngành. Hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng và triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp cung cấp sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số, sản xuất thông minh…

Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số

Tại Hội nghị trực tuyến về Chương trình tổng thể CCHC, lãnh đạo tỉnh Thừa-Thiên Huế cho biết, trong những năm qua tỉnh đã chủ động triển khai nhiều nhiệm vụ CCHC, đặc biệt là vấn đề phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 định hướng đến 2025, với quan điểm lấy người dân làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực, nhà nước kiến tạo. Thời gian qua Thừa Thiên-Huế đã triển khai nhiều giải pháp để xây dựng một chính quyền phục vụ đô thị thông minh và đến nay đã cho thấy hiệu quả rõ nét từ việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số vào hệ thống bộ máy quản lý CCHC, giảm thiều được nhiều thủ tục và xử lý vấn đề kịp thời, nhanh nhạy.

Chia sẻ về mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong giai đoạn 2011-2020, công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt lâu dài. Đi đôi với kiện toàn tinh gọn bộ máy hành chính, tỉnh Quảng Ninh sau thời gian thực hiện mô hình trung tâm phục vụ hành chính công đã cho thấy đây là bước đột phá đi đầu cả nước về CCHC, hiện đại hóa nền hành chính, đưa đến dịch vụ công tốt nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Kết quả này đã được Trung ương và các địa phương đánh giá cao. Mô hình đã lan tỏa đến các địa phương và tạo ra sự khác biệt và mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như quy trình thời gian giải quyết thủ tục hành chính được rút gọn tối đa, giúp tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại của người dân, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước; thủ tục hành chính được thực hiện “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm đinh, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả ngay tại Trung tâm)…

Thiện Tâm

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/lan-toa-nhieu-mo-hinh-cchc-hay-hieu-qua/426224.vgp