Lan tỏa phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa' tại Ninh Thuận

Với mục tiêu đảm bảo cho người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, những năm qua, phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa' luôn được tỉnh Ninh Thuận đặc biệt quan tâm thực hiện.

Hội thầy thuốc trẻ tỉnh Ninh Thuận khám bệnh miễn phí cho người có công ở huyện Ninh Sơn.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, hiện trên địa bàn tỉnh có 7.529 đối tượng người có công. Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, những năm qua, công tác chăm lo cuộc sống người có công ở Ninh Thuận đã phát triển rộng khắp. Toàn tỉnh đã thực hiện nhiều hoạt động như: Tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa; xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống; chăm sóc thân nhân liệt sỹ, đỡ đầu con thương binh, con liệt sỹ…

Tỉnh Ninh Thuận luôn tạo điều kiện để người có công được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, học nghề, tạo việc làm… Nhiều hộ người có công được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương, bệnh binh; tạo điều kiện cho con, em gia đình chính sách, người có công có việc làm, thu nhập để ổn định cuộc sống.

Từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân, năm 2017, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh đã phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp hỗ trợ kinh phí sửa chữa 4 công trình ghi công cấp huyện; hỗ trợ xây 2 nhà tình nghĩa cho thân nhân chiến sỹ Hải quân có hoàn cảnh khó khăn; tặng 4 sổ tiết kiệm cho thân nhân liệt sỹ với số tiền hơn 300 triệu đồng... Từ các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã tập trung xây dựng công trình ghi công liệt sỹ; sửa chữa 1.100 vỏ mộ bia liệt sỹ với kinh phí 800 triệu đồng; quy tập 1.131 mộ liệt sỹ về Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh; cơ bản đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng cũng như mong mỏi của thân nhân liệt sỹ, người có công.

Các cấp chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở Ninh Thuận luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự chung tay đóng góp của cộng đồng xã hội ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.

Ông Phan Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cho biết: Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở Ninh Thuận đang có sự lan tỏa rộng khắp, phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, từng bước được xã hội hóa, thu hút cả cộng đồng xã hội cùng tham gia. Năm 2017, hơn 2,7 tỷ đồng đã được ủng hộ thông qua Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.

Được sự hỗ trợ của địa phương và Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận đã phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương tiến hành xây mới 1.473 căn nhà với kinh phí hơn 35 tỷ đồng; sửa chữa hơn 3.000 căn nhà tình nghĩa cho gia đình có công, với kinh phí hơn 30 tỷ đồng, giúp người có công an cư lạc nghiệp.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ kịp thời của địa phương, các thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công ở Ninh Thuận tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, hăng say lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, góp phần cùng với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể ở địa phương giải quyết khó khăn cho những đồng đội khác, tạo việc làm cho con em gia đình liệt sỹ, chung tay tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa ở địa phương.

Nhiều thương bệnh binh là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo, là những công dân kiểu mẫu, gia đình cách mạng gương mẫu trong thời bình, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ.

Điển hình như ông Đỗ Văn Bảy (sinh 1960, bệnh binh 61%), ở thôn Lương Cang 2, xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, dù bệnh tật nhưng ông luôn tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế. Ông Katơr Dú (sinh năm 1957, bệnh binh 61%), ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn. Hiện nay, về với đời thường, dù sức khỏe hạn chế nhưng ông luôn tích cực cùng gia đình sản xuất nông nghiệp để có thêm thu nhập. Ông còn tích cực đi quyên góp ủng hộ đồng bào bão lụt, ủng hộ quỹ vì người nghèo ở địa phương.

Ông Pinăng Chấp (sinh năm 1954, bệnh binh 61%), ở xã Phước Tiến, huyện Bác Ái, rồi ông Pinăng Xuất (sinh năm 1957, bệnh binh 61%), ở xã Phước Tân, huyện Bác Ái, đều là những trường hợp có sức khỏe hạn chế, nhưng với bản chất người lính bộ đội Cụ Hồ, luôn phát huy truyền thống cách mạng, vượt khó vươn lên trong cuộc sống, làm giàu chính đáng trên vùng đất Bác Ái anh hùng. Hai ông cũng tích cực tham gia các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; luôn chia sẻ những khó khăn với đồng đội...

Ông Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, Trưởng ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cho biết, UBND tỉnh Ninh Thuận luôn dành những tình cảm đặc biệt, sát cánh, tạo điều kiện thuận lợi để tiếp thêm sức mạnh cho các thương bệnh binh, người có công tiếp tục vươn lên trong học tập và lao động sản xuất, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ, mãi mãi là “Người công dân kiểu mẫu”, “Thương binh tàn nhưng không phế”.

Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” theo hướng từng bước xã hội hóa; xây dựng các mô hình, điển hình trong công tác xã hội hóa chăm sóc người có công, ưu tiên đào tạo nghề để tạo việc làm và tăng thu nhập cho con em gia đình chính sách, người có công. Tỉnh cũng tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đảm bảo chính sách đối với người có công được thực thi công bằng, chính xác. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ theo kế hoạch của Ban chỉ đạo 1237 của tỉnh.

Ngoài ra, Ban Quản lý Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Ninh Thuận tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng chung tay đóng góp, ủng hộ quỹ để có thêm kinh phí tiếp tục hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công còn khó khăn.

Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/thoi-su/lan-toa-phong-trao-den-on-dap-nghia-tai-ninh-thuan-20180725100417100.htm