Lan tỏa phong trào người kinh doanh mới

Phong trào 'Người kinh doanh mới', với những tiêu chuẩn cụ thể được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hồ Chí Minh phát động đến từng hội viên tiểu thương, từng khu vực chợ, đã từng bước thúc đẩy hoạt động thương nghiệp của thành phố theo định hướng hiện đại hóa ngành thương mại - dịch vụ, tạo sự chuyển biến tích cực để xây dựng khu vực chợ truyền thống thành chợ văn minh thương nghiệp.

Hạnh phúc trong vòng tay bạn bè, nhận bó hoa tươi thắm trong lễ tôn vinh phong trào người kinh doanh mới, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bến Thành, kiêm Tổ trưởng ngành hàng trái cây Lê Thị Thu Bích xúc động: “Thực ra công việc của tôi cũng bình thường thôi. Tôi luôn nghĩ bán hàng phải vui vẻ, niềm nở, không nói thách thì mới giữ khách đến với mình lâu dài. Có bí quyết hay, tôi luôn chia sẻ với các thương nhân trong tổ, phấn đấu xây dựng gian hàng kiểu mẫu, trưng bày đẹp mắt… Đồng thời vận động chị em tham gia các hoạt động xã hội như làm từ thiện, tham gia các hội thi, học lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức kinh doanh…”.

Mỗi năm, chị Thu Bích đều đóng góp 10 triệu đồng cho các hoạt động xã hội, đồng thời vận động tiểu thương, thương nhân tham gia các hoạt động từ thiện như đóng xây dựng Mái ấm tình thương, chăm lo người già, trẻ em, các hoạt động phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình thương hơn 50 triệu đồng/năm. Chị Bích còn rất năng nổ cùng ban quản lý chợ, hội phụ nữ vận động các chị em trong tổ thực hiện nội quy chợ, thực hiện tốt trách nhiệm của người kinh doanh trong việc xây dựng chợ đạt chuẩn văn minh thương nghiệp. Không chỉ là chợ có số lượng quầy sạp, hội viên phụ nữ nhiều nhất các chợ ở thành phố, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức còn đi đầu trong công tác xã hội. Hội viên tiểu thương chợ đã đóng góp hơn 1,8 tỷ đồng chăm lo học bổng cho học sinh, tặng quà cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm hỏi thương binh… Ngoài ra, nhóm từ thiện chợ còn tham gia một số hoạt động như chăm lo và tặng quà cho trẻ em dân tộc tỉnh Bình Phước, hiến máu nhân đạo, đóng góp hàng hóa cho chuyến đi thăm đảo và nhà giàn DK1 ở Trường Sa, hỗ trợ góc học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học giỏi.

Đây là những tập thể và cá nhân điển hình cho phong trào “Người kinh doanh mới”, giai đoạn 2012 - 2017 vừa được Hội LHPN thành phố tuyên dương. 5 năm qua, tất cả tiểu thương đăng ký tham gia, có hơn 80% tiểu thương được bình chọn là “Người kinh doanh mới”. Phong trào đã tạo ra luồng sinh khí mới cho bà con tiểu thương, nhất là hoạt động của hội phụ nữ tại các chợ, từng bước tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như phong cách kinh doanh của tiểu thương trên địa bàn thành phố. Để hỗ trợ, giúp sức cho tiểu thương duy trì kinh doanh, Hội Phụ nữ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền tiểu thương thay đổi phong cách bán hàng, phát động thực hiện mô hình “Gian hàng kiểu mẫu”, xây dựng “Tổ ngành hàng kiểu mẫu”, vận động các gian hàng tham gia bán hàng bình ổn thị trường. Phong trào lồng ghép với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đến nay các quận, huyện đã xây dựng được 331 gian hàng bình ổn thị trường tại các chợ truyền thống.

Cùng với các hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao kiến thức cho tiểu thương, Hội LHPN các cấp đã không ngừng duy trì chăm lo, bảo vệ quyền lợi, quan tâm đến đời sống, sức khỏe, tạo điều kiện về mọi mặt giúp họ an tâm kinh doanh, tích cực tham gia các phong trào phụ nữ và hoạt động hội như hỗ trợ vốn cho gần 25 nghìn lượt thương nhân, trong đó bảo lãnh tín chấp cho hơn 10 nghìn chị em vay vốn ở các tổ chức tín dụng và ngân hàng. TP Hồ Chí Minh hiện có 243 chợ (trong đó 50 chợ thuộc cấp quận, huyện quản lý), với 6.560 tiểu thương đang kinh doanh. Hội LHPN thành phố đã giới thiệu cho Đảng 215 hội viên ưu tú, đã có 57 chị được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng. Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Trần Thị Phương Hoa chia sẻ: Trong thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh việc vận động toàn bộ tiểu thương, thương nhân tham gia bảo vệ môi trường, nhất là hạn chế sử dụng túi ni-lông, thay vào đó là sử dụng các loại túi vải, giấy để bảo vệ môi trường. Hàng hóa kinh doanh phải được niêm yết bảng giá; không nói thách, bán đúng giá bảo đảm cân đúng, cân đủ; không mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đúng quy định về tem, nhãn, xuất xứ và bảo đảm về vệ sinh an toàn thực phẩm.

PHƯƠNG VY

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/34591002-lan-toa-phong-trao-nguoi-kinh-doanh-moi.html