Lan tỏa phong trào phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhân dân, trong đó, doanh nghiệp là nòng cốt, nông dân là chủ thể và tổ chức liên kết sản xuất mang tính bền vững. Đó là định hướng đúng để tỉnh Lâm Đồng phát huy tiềm năng và thế mạnh. Từ những mô hình nhỏ lẻ ban đầu, giờ đây, phong trào phát triển NNCNC đã lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền đất nam Tây Nguyên.

Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng “Búa liềm vàng”

Sản xuất hoa tại Công ty DaLat Hasfarm.

Sản xuất hoa tại Công ty DaLat Hasfarm.

Trong ngôi nhà khang trang bên cung đường trung tâm huyện Lạc Dương, anh Păng Ting Sin (dân tộc Cơ Ho), dành riêng không gian lớn để tập kết hoa hồng. Anh chia sẻ: “Cách đây 10 năm, phong trào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được chính quyền các cấp đẩy mạnh. Thời điểm đó, được hướng dẫn kỹ thuật, tôi quyết tâm chuyển hướng sản xuất. Ban đầu lo lắm, giờ thì… anh thấy đó”. Anh Sin bỏ lửng câu nói, dẫn chúng tôi đến không gian khác, nơi anh đặt hệ thống điều khiển, quan sát vườn từ xa qua in-tơ-nét và say sưa câu chuyện NNCNC.

Trong khu vườn gần nhà, nhiều lao động đang thu hoạch những đóa hồng để kịp chuyển theo đơn đặt hàng, anh Păng Ting Sin kể: “Đây là mảnh vườn hơn 5.000 m2 trước đây trồng lúa nước của cha mẹ để lại, giờ tôi mua thêm, mở rộng lên 1,5 ha. Tất cả đều làm nhà kính, quy trình sản xuất hoa khép kín, có hệ thống tưới nước và tưới phân tự động. Doanh thu đạt hơn 600 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 60%”. Không những là nông dân sản xuất giỏi, Păng Ting Sin còn được tín nhiệm làm Bí thư Chi bộ tổ dân phố Bon Đơng 1, thị trấn Lạc Dương, đã bốn nhiệm kỳ. “Trong hội thi tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của thị trấn vừa qua, Chi bộ Tổ dân phố Bon Đơng 1 làm tiểu phẩm chủ đề “Người dân tộc thiểu số nói không với cái nghèo”. Đó chính là hình ảnh mô hình sản xuất của Bí thư Chi bộ Păng Ting Sin”, Bí thư Đảng ủy thị trấn Lạc Dương Bùi Văn Thụy cho biết. Qua những mô hình “điểm” như thế, giờ đây, tư duy làm NNCNC đã lan tỏa mạnh mẽ đến những vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, với các nhà nông công nghệ cao như Krajan Théo, Cil Nôm, Cil Mup Noa, Ha Hang…

Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Phạm Triều cho biết: “Để tạo sự phát triển bền vững, năm 2016, huyện ban hành đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn huyện đến năm 2020”. Theo đề án, các địa phương trong huyện với lợi thế khác nhau, đã được xác định những hướng đi cụ thể”. Trên địa bàn huyện Lạc Dương đã được phê duyệt quy hoạch năm khu sản xuất NNCNC. Cùng với nhà nông, địa phương thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển NNCNC, như VinEco, Floram, Kbil Vina, SamGong, Anhdao Co-op… “Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương, thu hút đầu tư của doanh nghiệp và tinh thần hưởng ứng tích cực của nhân dân, đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho vùng đất Lạc Dương hôm nay”, Bí thư Phạm Triều nói.

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và những “cú huých” từ chính sách của tỉnh, Lâm Đồng đã và đang hình thành thế hệ nông dân kiểu mới, với đầy đủ thành phần, trình độ học vấn, chọn nghề nông lập nghiệp. Nắng khỏa tràn bên sườn đồi phố núi, Thạc sĩ Nguyễn Đức Huy, Giám đốc Hợp tác xã Thủy canh Việt (phường 9, TP Đà Lạt), đưa chúng tôi thăm trang trại của gia đình bên cung đường Mimosa, TP Đà Lạt. Trong khu nhà kính hiện đại, những luống cà chua đang thời kỳ trưởng thành, trĩu quả. Lâu lâu, lại thấy những công nhân quét dọn, lau chùi trên những lối đi trong vườn. Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên, anh Huy chỉ vào màn hình điện thoại và những thiết bị cảm biến, truyền tín hiệu trong vườn và cho biết: “Đây là những công nhân nông nghiệp của tôi. Giờ con người chỉ còn việc nhặt lá, chăm sóc cây, máy đưa ra cảnh báo thì mình dùng thuốc sinh học phù hợp và khâu thu hoạch, thậm chí lau vườn…”. Năm 2013, Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1984), tốt nghiệp thạc sĩ sinh học thực vật, Trường đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh và quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Huy bảo, đó là ngã rẽ đúng đắn.

Đang là chuyên gia phần mềm vi tính ở Pháp, năm 2010, trong lần đầu tiên đến Đà Lạt, ông Nghiêm Văn Minh (63 tuổi, quê Khánh Hòa) đã bị miền đất này mê hoặc và ông quyết định trở về làm nông dân phố núi, trồng dâu tây công nghệ cao. Ông nhận định: Khí hậu Đà Lạt tương tự ở Pháp, có thể trồng dâu quanh năm đạt hiệu quả cao. Sau thời gian chọn lọc được giống dâu phù hợp, ông đã thuê 3 ha đất và thành lập Công ty Sinh học sạch Bio Fresh. Cùng với trồng dâu tây, hiện nay trang trại của vợ chồng ông Minh canh tác nhiều giống cây cao cấp, như phúc bồn tử, dưa lưới, cây dược liệu, hoa hồng Pháp… và sản xuất các loại si-rô, mứt. Sản phẩm Bio Fresh đã có mặt tại nhiều siêu thị, hệ thống khách sạn, nhà hàng lớn trong nước và xuất khẩu.

Từ năm 2004 đến nay, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, đưa ra các giải pháp để phát huy tiềm năng, thế mạnh về nền nông nghiệp địa phương. “Kết quả trong thời gian qua, khẳng định phát triển NNCNC là chủ trương đúng đắn về lý luận và thực tiễn. Có thể nói, nghị quyết chuyên đề về phát triển NNCNC là “nghị quyết xanh”, tạo sự đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn Lâm Đồng”, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến khẳng định.

Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng khóa 7 - năm 2003, Tỉnh ủy Lâm Đồng xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong sáu chương trình đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương và giai đoạn khởi đầu là từ năm 2004 đến 2010. “Cách tiếp cận giai đoạn này là xây dựng các mô hình điểm, thông qua hỗ trợ ngân sách nhà nước để định hướng, nâng cao nhận thức nông dân và doanh nghiệp. Qua đó, cho thấy hiệu quả rõ rệt và tạo sự lan tỏa trong nhân dân”, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến cho biết. Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm của giai đoạn đầu, Tỉnh ủy Lâm Đồng tiếp tục ban hành nghị quyết về đẩy mạnh phát triển NNCNC giai đoạn 2011-2015. Trước yêu cầu hội nhập quốc tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, Nghị quyết 05 về “Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, giai đoạn 2016-2020; định hướng đến năm 2025” ra đời. Lâm Đồng hiện có hơn 54,4 nghìn ha diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chiếm 19,5% diện tích đất canh tác, doanh thu bình quân đạt 169 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, rau công nghệ cao đạt từ 400 đến 500 triệu đồng, hoa đạt từ 800 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng, chè chất lượng cao khoảng 250 triệu đồng… “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vấn đề cốt lõi để bước vào nông nghiệp thông minh 4.0, mà Lâm Đồng rất có lợi thế”, Tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phân tích.

Qua ba giai đoạn triển khai chương trình NNCNC, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực và tư duy đổi mới của nhân dân, nông thôn Lâm Đồng có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo thay đổi rõ nét, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Chương trình NNCNC tỉnh Lâm Ðồng góp phần tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo nhanh, bền vững và chủ động hội nhập quốc tế.

Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/41291502-lan-toa-phong-trao-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao.html