Lan tỏa sức mạnh của thể thao đối với sự phát triển của trẻ

Ngày Trẻ em Thế giới năm 2022 với thông điệp 'Đồng đội, đồng lòng vì mọi trẻ em' nhằm lan tỏa sức mạnh của thể thao đối với sự phát triển của trẻ đã được UBND thành phố Đà Nẵng và UNICEF tổ chức.

Các trẻ khuyết tật biểu diễn âm nhạc tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Các trẻ khuyết tật biểu diễn âm nhạc tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 19/11, tại Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Trẻ em Thế giới năm 2022.

Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành; đại diện các cơ quan đoàn thể, các tổ chức quốc tế, các nghệ sỹ và 500 trẻ em tại Đà Nẵng.

Chương trình với thông điệp “Đồng đội, đồng lòng vì mọi trẻ em” nhằm lan tỏa sức mạnh của thể thao đối với sự phát triển của trẻ.

Ngày Trẻ em Thế giới (WCD) được tổ chức vào ngày 20/11 hàng năm để kỷ niệm Ngày thông qua Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (CRC) năm 1989 nhằm thúc đẩy quyền của mọi trẻ em.

Năm nay, Ngày Trẻ em Thế giới diễn ra cùng với thời điểm khai mạc Giải vô địch Thế giới bóng đá nam World Cup 2022. Nhân dịp này, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức chương trình nhằm nâng cao tầm quan trọng của thể thao trong việc thúc đẩy hòa nhập, xây dựng kỹ năng, năng lực, sự tự tin và hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến khẳng định Đà Nẵng luôn xác định trẻ em là thế hệ tương lai, đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho toàn xã hội, phát triển con người và đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thành phố.

Những năm qua, cùng với việc thực hiện các chính sách năng động về phát triển kinh tế-xã hội, thành phố luôn dành sự quan tâm, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; ưu tiên lồng ghép các mục tiêu vì trẻ em vào việc hoạch định các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển chung của thành phố.

Chương trình thành phố “5 không,” “3 có,” “4 an” với các mục tiêu không có học sinh bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn; không có trẻ em bị bạo hành, xâm hại, bạo lực trong trường học; không có hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt... đã trở thành "thương hiệu riêng" gắn liền với hình ảnh, tên tuổi của Đà Nẵng, giúp thành phố hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một thành phố an bình, văn minh, hiện đại; là tiền đề hướng đến xây dựng thành phố thân thiện, an toàn, phù hợp cho trẻ em.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trên các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện, đặc biệt hướng tới các đối tượng yếu thế, trong đó có trẻ em; trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội, nhất là trong các tình huống thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng như đại dịch COVID-19 suốt hai năm 2020-2021 và trận lũ lịch sử tháng 10 vừa qua.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến nhấn mạnh Ngày Trẻ em Thế giới (20/11) hằng năm là sáng kiến tuyệt vời nhằm nhắc nhở, kêu gọi toàn thế giới hướng về trẻ em, tiến hành các hoạt động vì trẻ em.

Thành phố cũng đã thắp sáng cầu Rồng với ánh sáng xanh từ tối 19/11 đến hết ngày 20/11 như một sự cam kết, hành động hưởng ứng, chào đón Ngày đặc biệt này với mong muốn mỗi người dân thành phố hướng về trẻ em, thắp sáng lên tình yêu, nhân rộng những hành động thiết thực và nhân văn dành cho trẻ em như thông điệp của Ngày Trẻ em thế giới năm nay “Đồng đội, đồng lòng vì mọi trẻ em.”

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, bà Rana Flowers chia sẻ: “Hôm nay, chúng ta tôn vinh sức mạnh của thể thao, ngoài những lợi ích về thể chất và tinh thần thì thể thao đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe tinh thần, mang lại niềm vui, hỗ trợ dinh dưỡng tốt, giúp trẻ em và thanh thiếu niên thực hành các kỹ năng cần thiết để thành công trong cuộc sống, chẳng hạn như giao tiếp, đàm phán, chiến lược, học cách đứng dậy sau thất bại, làm việc nhóm và lãnh đạo.”

Là quốc gia đầu tiên trong khu vực phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào năm 1990, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn đối với 27 triệu trẻ em trên toàn quốc, đảm bảo tất cả các em đều khỏe mạnh, an toàn, được giáo dục, được bảo vệ và được trao quyền đề phát huy hết tiềm năng của mình. Với những thành tựu đã đạt được, Việt Nam có thể lên tiếng mạnh mẽ và đưa ra các giải pháp cho những thách thức mà trẻ em đang phải đối mặt.

Theo bà Rana Flowers, với những kết quả đáng ghi nhận cũng như sự tích cực tham gia vào các lĩnh vực ưu tiên như thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số cho hệ thống giáo dục, Việt Nam đã chứng minh được khả năng của mình trong việc mang lại những thay đổi tích cực cho mọi trẻ em.

Bà Rane Flowers nhìn nhận, do tác động của đai địch COVID, thiên tai, biến đối khí hậu, rất nhiều trẻ em đang phải đối mặt với sự chênh lệch ngày càng sâu sắc và phải sống trong cảnh nghèo đa chiều. Chúng ta cần tập trung vào các vấn đề cụ thể, sắp xếp lại ưu tiên và nguồn lực để hỗ trợ trẻ em có nguy cơ cao nhất, trẻ thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, trẻ có cha mẹ đi làm xa nhà, trẻ khuyết tật và tất cả những trẻ đang phải đối mặt với hoàn cảnh khó khăn.

Tại chương trình diễn ra các hoạt động biểu diễn văn nghệ, trò chơi, giao hữu bóng đá giữa các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các đại biểu dự chương trình đã thể hiện cam kết chung tay hành động vì trẻ em bằng việc ký tên lên biểu tượng trái bóng./.

Trần Lê Lâm (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lan-toa-suc-manh-cua-the-thao-doi-voi-su-phat-trien-cua-tre/830121.vnp