Lan tỏa tình cảm, trách nhiệm và quyết tâm noi theo gương Bác

Tối 13-5, tại Thủ đô Hà Nội, nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2020), Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá (STQB) tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí (VHNTBC) về chủ đề 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh' giai đoạn 2018-2020.

Chương trình được phát sóng trực tiếp trên Kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam và Hệ thời sự Chính trị tổng hợp VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ca khúc "Dâng Người ngàn hoa chiến công" tác giả Chẩm Hồng Giang được trao giải A. Ảnh: ĐINH TRỌNG HẢI.

Ca khúc "Dâng Người ngàn hoa chiến công" tác giả Chẩm Hồng Giang được trao giải A. Ảnh: ĐINH TRỌNG HẢI.

Dự chương trình có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Cùng dự có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; bà Lianys Torres Rivera, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cuba tại Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam... cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương và các văn nghệ sĩ, nhà báo đạt giải.

Ý nghĩa to lớn, lan tỏa sâu rộng

Tháng Năm, tiết trời Thủ đô dịu mát hơn thường lệ, như một sự ưu ái đặc biệt với những người con trên khắp mọi miền Tổ quốc, quy tụ về Thủ đô Hà Nội-trái tim của cả nước trong những ngày gần kề sinh nhật Bác. Như thêm một dịp được báo công với Bác bằng những sản phẩm lao động, cống hiến của chính mình, nên từ những người làm công tác tổ chức đến các tác giả có tác phẩm được trao giải, nét mặt ai cũng tươi vui, phấn khởi.

Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải đặc biệt tặng tập thể và cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sáng tác, quảng bá tác phẩm. Ảnh: ĐINH TRỌNG HẢI

Tiếp nối thành công từ những năm trước, giải thưởng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình bằng tâm huyết và tài năng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, nhất là các nhà báo và văn nghệ sĩ-những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Theo đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo giải thưởng, những tác phẩm trong đợt trao thưởng lần này không chỉ sáng tác về Bác, mà còn tập trung ca ngợi, tôn vinh những tấm gương học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Các văn nghệ sĩ, nhà báo, cơ quan báo chí... đã góp phần rất lớn vào thành công của giải thưởng; đồng thời tuyên truyền, giáo dục làm cho toàn xã hội thêm nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Sau hai năm triển khai, có gần 6.000 tác phẩm, hồ sơ thành tích quảng bá của tác giả, nhóm tác giả, tập thể, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, tác giả là người nước ngoài gửi tham gia giải thưởng. Hơn 20 cơ quan, địa phương tham gia trên 100 tác phẩm, trong đó nhiều nhất là TP Hà Nội có gần 700 tác phẩm; Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam gần 600 tác phẩm… Chuyên ngành báo chí có số lượng tác phẩm gửi tham gia nhiều nhất, với hơn 500 tác phẩm.

Trong đợt trao thưởng lần này, Ban chỉ đạo giải thưởng quyết định trao 228 giải tặng các tác phẩm sáng tác và quảng bá, trong đó có: 2 giải đặc biệt, 11 giải A, 42 giải B, 74 giải C, 99 giải khuyến khích về sáng tác và tặng thưởng 42 tập thể, 6 cá nhân có thành tích xuất sắc về quảng bá. Trong đó, một giải đặc biệt trong lĩnh vực sáng tác được truy tặng nhà thơ Cuba Felix Pita Rodriguez với hai tác phẩm thơ: "Hồ Chí Minh-tên Người là cả một niềm thơ” và “Thủ đô Hà Nội nhớ Bác Hồ”.

Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ban tổ chức đã trao giải tặng các tập thể, cá nhân có tác phẩm xuất sắc nhất, thuộc các chuyên ngành: Nhiếp ảnh, sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật, văn học, văn nghệ dân gian, múa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, báo chí, xuất bản và hoạt động quảng bá văn học nghệ thuật.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Võ Văn Thưởng ghi nhận: “Giải thưởng STQB tác phẩm VHNTBC về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã bước sang năm thứ 13 và ngày càng có sức lôi cuốn, hấp dẫn đặc biệt. Ban tổ chức giải thưởng vui mừng nhận được hàng trăm nghìn bài báo, hàng chục nghìn chương trình, chuyên mục phát thanh, truyền hình; tác phẩm văn học... đã được sáng tác và quảng bá rộng rãi bằng tất cả tài năng, nhiệt huyết, được công chúng đón nhận và hoan nghênh. Với kết quả 6 đợt trao giải, chúng ta có thể khẳng định rằng giải thưởng đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt văn hóa sâu rộng, bền bỉ, đã và đang lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của các văn nghệ sĩ, nhà báo và các tầng lớp nhân dân ta ở trong và ngoài nước”.

Nhân dịp này, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng phát động Giải thưởng STQB tác phẩm VHNTBC về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2020-2025.

Như những đóa hoa ngát hương dâng lên Bác kính yêu

Trước giờ bắt đầu lễ trao giải, tiền sảnh Nhà hát Lớn Hà Nội-nơi trưng bày, giới thiệu các tác phẩm nhiếp ảnh, hội họa về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” có rất đông người dành thời gian tham quan. Cảm nhận và đánh giá chung của người xem, đó là các tác phẩm được trao giải lần này rất giàu hơi thở cuộc sống, phản ánh sinh động, khách quan những tấm gương sáng, mô hình hay, cách làm sáng tạo trong học và làm theo Bác. Chăm chú thưởng thức từng tác phẩm được trưng bày, bà Hoàng Thị Lan, cán bộ hưu trí hiện sống ở phường Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) vui vẻ khen ngợi: “Để có những tác phẩm giàu sức sống, giàu trí tuệ, các tác giả đã dành tình cảm đặc biệt thiêng liêng với Bác, kết hợp với sức sáng tạo tuyệt vời. Mỗi tác phẩm đều mang trong mình một sứ mệnh là làm lan tỏa nữa, lan tỏa mãi những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ và những tấm gương học tập, làm theo Bác”.

Báo Quân đội nhân dân vinh dự là một trong 10 đơn vị có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm. Ảnh: ĐINH TRỌNG HẢI

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người mãi mãi là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ văn nghệ sĩ và báo chí, được thể hiện đậm nét thông qua chất lượng các tác phẩm đạt giải thưởng lần này. Nếu như trong thơ, hình tượng Bác Hồ được các nhà thơ khắc họa rất thành công thì với ca khúc cách mạng, các nhạc sĩ đã viết lên hàng nghìn lời ca, điệu nhạc dâng Bác.

Những ai có mặt trong khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội đều thực sự ấn tượng trước những giai điệu âm vang, hùng tráng của ca khúc “Chúng tôi Bộ đội Cụ Hồ”. Bài hát do Thượng tá, nhạc sĩ, NSƯT Trần Quốc Đạt, Phó giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) sáng tác (tác phẩm được trao giải B, chuyên ngành âm nhạc). Nhạc sĩ Trần Quốc Đạt, chia sẻ: "Tôi luôn tự hào vì QĐND Việt Nam được nhân dân vinh danh là Bộ đội Cụ Hồ. Trong tâm thức, suy nghĩ của mình luôn đau đáu, mong muốn được viết lên những ca khúc về cán bộ, chiến sĩ quân đội và viết cho người lính Cụ Hồ ở tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc".

Tác phẩm “Quê chung”, ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ được nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn phổ nhạc từ thơ của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ (tác phẩm được trao giải B, chuyên ngành âm nhạc), ngợi ca vẻ đẹp của quê hương xứ Nghệ-nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, với lời ca giản dị, sâu sắc và thấm đẫm hồn quê, giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng đậm chất dân gian. Đó là làng quê của những mái tranh tre, thoảng nồng đượm hương sen, một làng quê thuần hậu để mỗi người trở về đều cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản. Làng quê ấy-làng Sen là nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã trở thành quê chung của mỗi người con đất Việt: “Quê mẹ và quê cha/ Thành quê chung đất nước/ Nên dáng hình Tổ quốc/ Từ làng Chùa, làng Sen...”. Nét nhạc vút cao hòa quyện với ý thơ lắng đọng, tác phẩm tạo nên những xúc cảm thiêng liêng cho người nghe và cho mỗi người con đất Việt khi trở về miền quê chung.

Các tác phẩm tôn vinh, ngợi ca những tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được giới thiệu, biểu diễn tại lễ trao giải để lại nhiều lắng đọng, xúc cảm cho các khán giả. Đúng như đồng chí Võ Văn Thưởng đã khẳng định: Tất cả các tác phẩm tham dự giải thưởng đều có chung một ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ của cái đẹp, của tấm lòng nhân văn, của đạo đức cách mạng trong sáng, của trí tuệ và ý chí con người Việt Nam thể hiện qua hình tượng Hồ Chí Minh và qua những tập thể, cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo Bác.

Lễ trao giải khép lại, nhưng tin tưởng rằng, mỗi tác phẩm, mỗi tấm gương học và làm theo Bác cũng chính là những thanh âm trong trẻo vút cao trong bản hòa ca đầy màu sắc, mãi ngân vang, lan tỏa. Sức mạnh lan tỏa sẽ theo sóng truyền hình, cùng hiệu quả tuyên truyền của các cơ quan truyền thông, tiếp tục bay xa, lan rộng, đến với mọi miền Tổ quốc, chắp cánh cho quyết tâm: Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn xã hội.

29 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả thuộc các cơ quan, đơn vị trong quân đội được trao giải lần này (1 giải A, 7 giải B, 14 giải C và 7 giải khuyến khích). Trong đó, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) được tặng thưởng giải C cho các tác phẩm xuất sắc “Những tấm gương bình dị mà cao quý” (tập 14 và tập 15).

Báo QĐND là một trong 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm được khen thưởng (tổ chức và duy trì hiệu quả Cuộc thi viết "Những tấm gương bình dị mà cao quý"). Đại tá Phạm Văn Thủy, nguyên Trưởng phòng Biên tập Công tác Đảng, công tác chính trị, Báo QĐND được khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh/tin-tuc-su-kien/lan-toa-tinh-cam-trach-nhiem-va-quyet-tam-noi-theo-guong-bac-617803