Lan tỏa tinh thần ham đọc

Những năm qua, các cơ quan chức năng từ trung ương đến các địa phương luôn nỗ lực khơi dậy, lan tỏa tinh thần ham đọc sách trong toàn thể nhân dân với các hình thức khuyến đọc đa dạng, chú trọng nâng cao chất lượng đọc và cảm thụ sách.

Tạo sự gần gũi, sẻ chia

Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024 vừa qua là sự kiện hết sức thành công, mang ý nghĩa lớn trong việc lan tỏa văn hóa đọc. Hơn thế, ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước lại có nhiều cách tổ chức khác nhau nhằm đưa sách đến với công chúng, đặc biệt là lứa tuổi thanh, thiếu niên, giúp ngày càng nhiều người yêu quý và đọc sách. Điều đó cho thấy xã hội ngày càng quan tâm đến chuyện đọc.

Văn hóa đọc ngày càng lan tỏa trong giới học sinh, sinh viên.

Văn hóa đọc ngày càng lan tỏa trong giới học sinh, sinh viên.

Tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội), công chúng và bạn đọc có cơ hội giao lưu, trao đổi, gặp gỡ với các tác giả, dịch giả, nhà phê bình, nhà quản lý, những người yêu quý sách. Ở các tỉnh gần Hà Nội như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam... cũng diễn ra sôi nổi các hoạt động hưởng hứng Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, với vai trò diễn giả đã chia sẻ với các em học sinh tại Công viên Hồ điều hòa Văn Miếu (thành phố Bắc Ninh) rằng tâm hồn của các em sẽ ánh xạ, phản chiếu qua “thực đơn sách” mà các em lựa chọn đọc. Hãy nói cho chúng tôi biết bạn đọc sách gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào. Khi “thực đơn sách” được cá thể hóa đến từng cá nhân thì việc đọc sẽ hiệu quả, đi vào thực chất. Và nếu các em hấp thụ được cái hay, cái đẹp, cái thú vị từ sách thì khi ấy đọc sách chính là một phương thức hưởng thụ cuộc sống.

Tiến sĩ, nhà văn Đỗ Anh Vũ (Ủy viên Hội đồng Văn học Thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng, việc nâng tầm văn hóa đọc hiện nay có khá nhiều thuận lợi. Thuận lợi là bởi điều kiện khoa học công nghệ đã tiến xa hơn trước rất nhiều. Chúng ta có thể dễ dàng tìm thông tin về sách vở qua internet, đặt mua sách qua mạng, thậm chí có nhiều trang đọc sách online hoặc sách nói. “Các thầy cô và các bậc cha mẹ phải làm sao khơi gợi cho các em cảm hứng đọc sách, nhận thức được vẻ đẹp của nội dung và nghệ thuật có trong mỗi cuốn sách, phải làm sao cho việc đọc sách trở thành thói quen hằng ngày của các em. Trong gia đình, cha mẹ cũng cần là tấm gương của việc đọc sách. Nếu bản thân mỗi bậc cha mẹ không có tình yêu với sách thì khó lòng khiến con em mình có cảm xúc đối với sách” - Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ nhấn mạnh.

Chủ động mang sách đến gần... bạn đọc

Những năm qua, văn hóa đọc được duy trì và lan tỏa còn nhờ nỗ lực của không ít cá nhân đã lập tủ sách, thư viện tư nhân với mong muốn để nhiều người được tiếp xúc với sách. Thư viện Hồng Châu (đặt tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) và tủ sách Minh Đạo (đặt tại quận Hà Đông, Hà Nội) của nhà báo, nhà thơ Khúc Hồng Thiện (công tác tại báo Nhân Dân) là một trong số những thí dụ tiêu biểu. Anh Thiện chia sẻ: “Là người yêu sách, tôi muốn đem đến cho bạn đọc những nguồn tri thức có từ trong sách vở. Từ đó, tôi đã cùng các cộng sự thành lập nên thư viện Hồng Châu và hệ thống tủ sách Minh Đạo là hệ thống thư viện sách miễn phí. Tôi tin rằng khi đọc sách, mỗi người sẽ học được tinh thần nhân văn, tính thiện”.

Thư viện sách miễn phí 66 Chùa Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) từ lâu đã thu hút nhiều người đến đọc. Mỗi ngày thư viện mở cửa từ 9h đến 21h và thu hút 30 - 50 bạn đọc. Không chỉ đến để đọc sách, nhiều bạn đọc còn mang theo những cuốn sách của mình tặng cho thư viện với mong muốn sẻ chia kiến thức với mọi người. Thư viện Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được thành lập từ tháng 9-2013 với mục đích gìn giữ và nâng cao văn hóa đọc, đồng thời là một trung tâm văn hóa nhỏ kết nối và chia sẻ nguồn tri thức cho người dân tại xã Dương Liễu và các xã vùng lân cận. Đồng sáng lập, quản lý thư viện Dương Liễu, ông Phùng Bá Hưng chia sẻ: “Để “kéo” được các em nhỏ đến với không gian đọc, tôi phải tìm cách cho các em nhỏ được chơi đã. Vậy là có đủ trò bày ra, từ rubic, trò chơi xếp gỗ, cờ tướng, cờ vua... Rồi dần dần hướng tụi nhỏ đến việc đọc sách. Cùng với những hoạt động giao lưu chia sẻ, tặng sách, tôi kết nối với các bạn sinh viên để các bạn trẻ được học những kỹ năng sống cơ bản, học tiếng Anh giao tiếp do tình nguyện viên nước ngoài trực tiếp đứng lớp. Học sinh, sinh viên tỏ ra rất thích thú mô hình này vì nó khiến cho khả năng giao tiếp của các em cải thiện rõ rệt nhưng lại rất hấp dẫn”.

Chung tay phát triển văn hóa đọc, có rất nhiều cách làm hay. Trong đó, nhiều đơn vị, cơ quan, nhà trường đã tổ chức các cuộc thi viết, nhằm khơi dậy lòng ham thích đọc sách từ lứa tuổi học sinh. Đặc biệt phải kể đến cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” được Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức nhiều lần, trên quy mô toàn quốc. Ở nhiều tỉnh, thành phố, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cũng được tổ chức riêng cho mỗi địa phương, thu hút nhiều học sinh tham gia, phụ huynh học sinh và các thầy cô giáo hưởng ứng.

Lê Kim An Nhiên, một trong những thành viên sáng lập Đủng Đỉnh Đọc, thư viện sách miễn phí dành cho thiếu nhi ở thành phố Hồ Chí Minh tâm sự: “Việc khuyến khích, lan tỏa văn hóa đọc là trách nhiệm chung và ai cũng có thể làm. Nếu mỗi người lan tỏa tinh thần ham đọc đến vài người, vài người lại tiếp tục lan tỏa, chúng ta sẽ có cộng đồng chăm đọc sách”.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lan-toa-tinh-than-ham-doc-666050.html