Lan tỏa tình yêu biển, đảo quê hương cho học sinh

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, lý tưởng cách mạng và khát vọng cống hiến cho học sinh, ngành Giáo dục huyện Cẩm Khê luôn chủ động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về tình yêu quê hương, chủ quyền lãnh thổ đất nước, chủ quyền biển đảo trong trường học. Qua đó, giúp nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển đảo và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho học sinh.

Giáo viên Trường THCS Phượng Vĩ tuyên truyền cho học sinh về chủ quyền biển, đảo

Đã thành thông lệ, những ngày cuối tháng 12, học sinh Trường THCS Phượng Vĩ lại háo hức chuẩn bị tham gia thi vẽ tranh, viết thư gửi cán bộ, chiến sĩ đang công tác tại các vùng biển, đảo của Tổ quốc... Đây là hoạt động nhằm góp phần lan tỏa tình yêu của thế hệ trẻ đối với biển, đảo quê hương nói chung, đồng thời truyền tải thông điệp, tình cảm sâu đậm của học sinh nhà trường nói riêng với các cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi đảo xa.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Tuyến- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Tham gia dự thi, mỗi lá thư, bức tranh của các em đều có cảm nhận, góc nhìn riêng. Mặc dù vậy, tất cả đều có điểm chung là tình cảm yêu thương, niềm tin, tự hào về những chiến sĩ giữa mênh mông sóng gió. Hàng trăm bức thư hay, tác phẩm đẹp, ý nghĩa đã vượt sóng ra Trường Sa và các điểm đảo với các chiến sĩ”.

Để truyền cảm hứng cho học sinh, nhà trường đã giáo dục tình yêu quê hương, chủ quyền lãnh thổ đất nước, biển đảo thông qua các tiết học Ngữ văn, Giáo dục công dân, Địa lý và các tiết hướng nghiệp ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ và qua hệ thống truyền thanh của trường. Đặc biệt, từ công tác xã hội hóa, nhà trường đã xây dựng được mô hình cột mốc Trường Sa. Đây là biểu tượng của ý chí, quyết tâm trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Mô hình là điểm đến học tập, trải nghiệm của học sinh nhà trường và học sinh của các nhà trường trên địa bàn xã. Đồng thời trở thành một hình thức giáo dục, tuyên truyền hiệu quả, nhằm giúp học sinh có cái nhìn trực quan hơn về vị trí địa lý, lãnh thổ đất liền, cũng như biên giới, biển, đảo Việt Nam. Từ đó, góp phần giáo dục cho học sinh có ý thức, trách nhiệm với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc...

Trường Tiểu học Phượng Vĩ cũng có những cách tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo phù hợp với lứa tuổi học sinh. Thầy giáo Nguyễn Văn Lợi- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các em được cung cấp kiến thức về biển, đảo thông qua những hình ảnh đẹp, giới thiệu trực quan về phong cảnh, tài nguyên biển, đảo, kèm theo những câu chuyện về cha ông, chiến sĩ đã tham gia bảo vệ biển, đảo, biên giới... Qua đó, nhà trường muốn giáo dục các em hãy luôn tự hào, giữ gìn bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng cách học tập tốt, lao động tốt, trở thành những công dân có ích, góp sức xây dựng cho đất nước ngày càng giàu mạnh.

Những năm học gần đây, Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê đã yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn linh hoạt, lồng ghép nội dung tuyên truyền về biển, đảo quê hương phù hợp với từng cấp học. Các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục biển đảo lồng ghép trong kế hoạch năm học, cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng thông qua hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động dạy học tích hợp ở một số bộ môn, dạy học lịch sử địa phương. Hằng năm, Phòng GD&ĐT chủ trì phối hợp với Huyện Đoàn thanh niên và Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam lựa chọn các nội dung phù hợp, thời gian, địa điểm phù hợp xây dựng chương trình tuyên truyền trên quy mô rộng.

Giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển đảo Việt Nam cho học sinh Trường Tiểu học Phượng Vĩ.

Đồng chí Đặng Thị Hồng Tâm- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cẩm Khê cho biết: Qua công tác phối hợp, hằng năm chúng tôi đã phát động hưởng ứng phong trào thi đua và ủng hộ Chương trình “Xuân biên giới - Tết hải đảo” đến các trường học trên địa bàn; tổ chức triển lãm tranh, tặng sách cho học sinh, đội viên, đoàn viên... Nhờ đó, đã huy động ủng hộ bằng tiền mặt và nhiều món quà mang đậm tình yêu thương và hương vị đặc sản quê hương như chè Đá Hen - Đồng Lương, mì Cát Trù - Hùng Việt, nón lá làng nghề Sai Nga, hạt rau... gửi tới nơi đảo xa. Hiện nay, 100% các cơ sở giáo dục trong toàn huyện đã tổ chức hoạt động tuyên truyền về chủ quyền biển đảo tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh với nhiều hình thức phong phú: Tổ chức ngoại khóa, vẽ tranh về hải đảo, viết thư cho chiến sỹ hải quân, tích hợp giáo dục chủ quyền biển đảo vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp...

Để nâng cao hiệu quả giáo dục về chủ quyền biển đảo Trường Sa, Phòng GD&ĐT và Huyện đoàn đã chỉ đạo Đoàn các xã, thị trấn phối hợp với các trường học xây dựng mô hình cột mốc Trường Sa tại các trường học, chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 43 mô hình cột mốc quần đảo Trường Sa, riêng trong năm 2023 đã khánh thành 12 cột mốc.

Ánh Dương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/giao-duc/lan-toa-tinh-yeu-bien-dao-que-huong-cho-hoc-sinh/204224.htm