Lan tỏa tình yêu sách và văn hóa đọc

Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II, năm 2023 được tổ chức với chủ đề 'Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo'; 'Sách cho tôi, cho bạn' nhằm khẳng định tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao tri thức; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. Đây là dịp để tôn vinh giá trị sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Các em học sinh đọc và chia sẻ cùng nhau những câu chuyện hay tại Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 tổ chức tại huyện Yên Thủy.

Tại Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 của tỉnh được tổ chức ở huyện Yên Thủy, ngay từ sáng sớm đã có rất đông học sinh tiểu học, THCS, THPT đến tham gia. Trong khuôn khổ Ngày Sách và văn hóa đọc đã diễn ra nhiều hoạt động như có các gian trưng bày – xếp sách nghệ thuật; diễn giả nói chuyện chuyên đề; học sinh trải nghiệm đọc sách, giới thiệu quyển sách yêu thích…

Cầm trên tay quyển sách "Hạt giống tâm hồn” vừa đọc, em Trần Tú Hà Anh, học sinh lớp 5A3 trường tiểu học Yên Lạc chia sẻ: Em rất thích quyển sách này vì hay và ý nghĩa. Quyển sách tập hợp những câu chuyện ngắn mang ý nghĩa cuộc sống. Những bài học mà tác phẩm đem lại đều là những giá trị quý giá. Mỗi câu chuyện là những trải nghiệm đem đến nhiều lời khuyên, giúp người đọc có thêm quyết tâm, sức mạnh để đương đầu với những khó khăn, thử thách.

Với phương châm "hướng mạnh về cơ sở”, tạo điều kiện để người dân vùng nông thôn, vùng khó khăn, nhất là học sinh, đoàn viên thanh niên, hội viên… được tiếp cận nguồn sách hay, chất lượng, góp phần phát triển văn hóa đọc và tri thức xã hội. Hưởng ứng Ngày Sách và văn hóa đọc năm nay, nhiều địa phương, trường học trong tỉnh đã tổ chức hoạt động phong phú, đa dạng như đưa xe thư viện lưu động; trưng bày giới thiệu sách; trò chuyện, trao đổi với diễn giả; trao tặng sách, quà cho học sinh...

Với em Bùi Thị Hồng Ngọc, học sinh lớp 9A, trường THCS Lạc Lương được tham gia ngày sách và tìm đọc nhiều quyển sách hay là trải nghiệm thú vị. Ngọc chia sẻ: Đến đây tham dự Ngày Sách và văn hóa đọc, em và các bạn có cơ hội được tìm đọc nhiều quyển sách hay, ý nghĩa, nhất là trong thời đại 4.0, việc đọc sách ít được các bạn quan tâm. Em mong rằng, hoạt động này được tổ chức thường xuyên hơn để chúng em có cơ hội đọc nhiều hơn những quyển sách hay phục vụ cho học tập và cuộc sống.

Với thông điệp "Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo”; "Sách cho tôi, cho bạn”, Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ II diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 1/5. Đặc biệt, trong hệ thống ngành Giáo dục, việc tuyên truyền, hướng dẫn được triển khai với nhiều hình thức phong phú nhằm phát huy giá trị của sách, văn hóa đọc trong cộng đồng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, phát huy những giá trị đạo đức, truyền thống hiếu học của dân tộc, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Tại Thư viện tỉnh hiện có trên 42.000 đầu sách với trên 98.000 bản sách. Trung bình mỗi năm, từ nhiều nguồn khác nhau, Thư viện được bổ sung trên 1.000 bản sách. Bên cạnh phục vụ bạn đọc đến thư viện mượn đọc tại chỗ và mượn sách mang về, Thư viện tỉnh còn triển khai những chuyến xe thư viện lưu động và luân chuyển sách, báo đến các trường học và thư viện trong tỉnh để đưa sách đến gần hơn với độc giả. Cùng với đó, Thư viện tỉnh phối hợp với một số đơn vị tổ chức nhiều hoạt động thiết thực trong thời gian diễn ra Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam tại một số địa phương trong tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Trưng, Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Hiện tại, Thư viện tỉnh có phòng đọc tại chỗ và phục vụ bạn đọc mượn sách mang về nghiên cứu. Ngoài ra, Thư viện còn bố trí việc đọc bên ngoài, trong đó bố trí phục vụ xe thư viện lưu động đến các trường và các địa phương trong tỉnh; có kế hoạch bổ sung lượng sách mới thường xuyên để phục vụ bạn đọc kịp thời tiếp cận. Đặc biệt, mỗi chuyến xe thư viện lưu động khi đến với các địa phương, trường học đều được sự đón nhận của đông đảo học sinh. Nhìn các em cầm trên tay quyển sách, quyển truyện chăm chú đọc và háo hức chia sẻ cho nhau nghe những mẩu chuyện hay, đó là điều hạnh phúc của những người làm thư viện. Hạnh phúc vì đã mang đến niềm vui cho học sinh và góp phần lan tỏa, đưa phong trào đọc sách phát triển trong cộng đồng.

Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam được tổ chức là sự kiện văn hóa hết sức ý nghĩa, nét đẹp được lan tỏa trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn. Không chỉ tôn vinh sách, giá trị của tri thức, Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam cùng các hoạt động liên quan đến sách còn mang một ý nghĩa nhân văn, đó là thúc đẩy hơn nữa sự đóng góp, hỗ trợ sách cho địa phương, nhất là vùng nông thôn, những nơi đang thiếu sách, khao khát thông tin, tri thức, đồng thời tuyên truyền, biểu dương và nhân rộng các điển hình có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa đọc của cộng đồng.

Đỗ Hà

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/177402/lan-toatinh-yeu-sach-va-van-hoa-doc.htm