Lan tỏa tình yêu thơ

Không chỉ có nhà thơ mới sáng tác thơ mà thơ đã đi vào trong cuộc sống của mỗi người một cách rất tự nhiên.

Cô Huỳnh Thị Mỹ Trang, giáo viên Trường THPT Long Khánh (bìa phải, ngụ TX.Long Khánh) giới thiệu thơ do mình sáng tác cùng những người bạn

Cô Huỳnh Thị Mỹ Trang, giáo viên Trường THPT Long Khánh (bìa phải, ngụ TX.Long Khánh) giới thiệu thơ do mình sáng tác cùng những người bạn

Đó có thể là những nông dân chỉ quanh năm gắn bó với ruộng đồng hay những giáo viên quen với bục giảng cùng học trò, thậm chí là người khuyết tật… cũng có thể làm thơ từ tình yêu với thi ca.

* Thơ đến thật tự nhiên

Lãnh đạo tỉnh gặp gỡ văn nghệ sĩ đầu năm mới

Chiều 19-2, tại Hội quán Trấn Biên, sẽ diễn ra cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với văn nghệ sĩ Đồng Nai mừng Xuân Kỷ Hợi năm 2019. Trong chương trình sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: lãnh đạo tỉnh lắng nghe ý kiến của các văn nghệ sĩ về hoạt động văn học - nghệ thuật trong năm qua cũng như thời gian tới; báo cáo công tác chuẩn bị Đại hội Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai lần thứ VI (2019-2024); lãnh đạo tỉnh tặng quà mừng Xuân cho văn nghệ sĩ…

Văn Truyên

Là giáo viên dạy Văn nên cô Huỳnh Thị Mỹ Trang (giáo viên Trường THTP Long Khánh, TX.Long Khánh) có điều kiện tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học. Cô có tình yêu đặc biệt với thơ ca, song lại không có chủ đích sáng tác thơ. Một lần tình cờ, cảm xúc dâng trào khi gặp cô giáo cũ và những người bạn chung lớp thuở xưa, cô Trang đã viết 1 bài thơ tặng bạn, tặng cô những dòng thơ với câu từ mộc mạc, nhưng chứa đựng rất nhiều tình cảm chân thành:

Lần đầu đi học ngỡ ngàng

Cầm tay cô viết từng hàng chữ xinh

Lớp xưa là một ngôi đình

Cô gieo hạnh phúc ân tình thương yêu. (Nhớ cô)

Sau bài thơ này, cô Mỹ Trang cảm hứng sáng tác nhiều hơn. “Tôi rất vui vì những bài thơ mình làm ra được bạn bè yêu thích, trân trọng đọc, sử dụng để cùng ra sách” - cô Mỹ Trang cho hay.

Cũng không chủ đích trở thành nhà thơ là chị Đinh Thị Hoàng Loan (ngụ phường Quanh Vinh, TP.Biên Hòa). Chị Loan sinh ra với thân thể không được may mắn lành lặn như bao người do bị ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam/dioxin từ cha mình - một cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến cứu nước. Nhưng chính trong nghịch cảnh đó mà việc Đinh Thị Hoàng Loan biết làm thơ và ra mắt một số tập thơ được nhiều người chú ý.

Theo Hoàng Loan, có lần chị viết 2-3 bài thơ một lúc khi trong đầu có cảm xúc. Đó là những gì chị cảm nhận được từ tình thương của cha mẹ dành cho mình, từ cảm xúc khi nghe một bài hát hay từ những chuyến dạo chơi cùng mẹ …

Em nằm đó như chiến tranh còn đó

Với niềm đau mang tên sắc da cam. (Nỗi đau còn đó)

Dù biết làm thơ nhưng chị Hoàng Loan chưa bao giờ được cắp sách đến trường. Chị biết đến con chữ khi đã 18 tuổi từ sự chỉ dạy của em gái nên trong mong mỏi của mình, chị luôn ước ao được một lần đến trường như bao bè bạn khác.

Bàn chân cong cong ngón chân bé nhỏ

Ước một lần được cắp sách tới trường. (Bàn chân của tôi)

Toàn tỉnh hiện có 10 câu lạc bộ thơ, trong đó tập trung nhiều nhất là tại TP.Biên Hòa. Những câu lạc bộ thơ này đã tập hợp những người yêu thơ, khơi gợi, khuyến khích sáng tác thơ. Cũng từ những câu lạc bộ thơ này, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai đã phát hiện được nhiều người có năng khiếu về thơ để kết nạp vào Hội.

Với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, cá nhân, chị Hoàng Loan đã có trong tay gia tài kha khá về thơ, gồm: Cảm ơn cuộc đời (năm 2011), Xe lăn khát vọng (năm 2013), Trái tim hồng (in chung năm 2013) và Giấc mơ về nơi ấy (in chung năm 2016). Đặc biệt, năm 2016 cũng là thời điểm mà chị chính thức được Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai kết nạp thành hội viên và sinh hoạt tại Ban Văn học.

Sau khi trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Hoàng Thị Liên (phường Phú Bình, TX.Long Khánh) lại tất bật với tay cày, tay cuốc để chăm lo cho gia đình. Yêu thơ nên bà Hoàng Thị Liên rất thích làm thơ. Thơ của bà diễn tả cuộc sống xung quanh với vườn cây, ao cá… Bà Hoàng Thị Liên cho hay, tuy thơ bà còn thiếu sự trau chuốt nhưng đó là những gì mà người nông dân như bà “đọc phát hiểu ngay” không lòng vòng.

Từng đàn bò, nghé đẹp, đông

Gà, ngan, ngỗng, vịt, chuồng trong chuồng ngoài

Trên bờ cam, quýt xen xoài

Dưới ao đàn cá quậy hoài nước trong. (Về thăm quê)

* Góp sức cho thơ lan tỏa

Không chỉ yêu thơ, thích làm thơ mà nhiều người nông dân, cán bộ hưu trí, công chức, viên chức còn đứng ra thành lập, tổ chức sinh hoạt cho người yêu thơ thông qua các câu lạc bộ thơ ca. Trong đó, Câu lạc bộ thơ Trấn Biên được biết đến là sân chơi thơ có tuổi đời khá lâu với 16 năm hoạt động. Người góp công đầu trong việc duy trì hoạt động của câu lạc bộ là bà Phạm Thị Minh Hệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ Trấn Biên.

Họa sĩ Nguyễn Quốc Trọng viết thư pháp chuẩn bị cho triển lãm trưng bày thư pháp thơ trong chương trình Ngày Thơ Việt Nam 2019 tại Đồng Nai

Theo bà Minh Hệ, phần đông trong số 58 hội viên câu lạc bộ là cán bộ hưu trí. Có người biết làm thơ từ lâu nhưng cũng có người chưa từng làm thơ bao giờ nhưng tất cả đều có chung niềm đam mê với thơ. Từ đó, bà Minh Hệ cùng các thành viên duy trì sinh hoạt đều đặn và tập hợp những bài thơ hay của hội viên để in thành 9 tập thơ.

Còn với Câu lạc bộ văn nghệ Người cao tuổi TX.Long Khánh, chính sinh hoạt thơ ca đã gắn kết những người có chung niềm yêu thơ đến gần với nhau hơn. Năm 2019 là thời điểm câu lạc bộ tròn 20 năm tuổi. Hiện câu lạc bộ có gần 100 hội viên là những người yêu thơ ở nhiều độ tuổi, nghề nghiệp.

Hằng ngày, ông Nguyễn Văn Hưng (73 tuổi, phường Xuân Hòa, TX.Long Khánh), Chủ nhiệm Câu lạc bộ văn nghệ người cao tuổi Long Khánh vẫn cần mẫn tiếp nhận những sáng tác do các hội viên gửi về để chỉnh sửa. “Mỗi năm hầu như hội viên nào cũng ra sách thơ. Những lần chuẩn bị ra sách, anh em hội viên đem bài thơ đến nhà để cùng tôi phân tích hay dở, thiếu sót cần bổ sung, chỉnh sửa trước khi in. Mọi người tự bỏ tiền in không phải để chứng tỏ bản thân biết làm thơ, yêu thơ mà là mong muốn tìm được niềm vui trong cuộc sống, khuyến khích con cháu yêu thơ” - ông Hưng nói.

Ngoài ra, còn phải kể đến Câu lạc bộ thơ Bình Đa (phường Bình Đa), Câu lạc bộ thơ Long Bình (phường Long Bình), Câu lạc bộ thơ 19-5 (xã Phước Tân) ở TP.Biên Hòa, Câu lạc bộ thơ ca Việt - Lào (thuộc Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đồng Nai) cũng được duy trì hoạt động thường xuyên và hay cho ra mắt những ấn phẩm thơ.

Theo Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Khánh Hòa, hoạt động của những câu lạc bộ thơ là minh chứng rõ nét nhất cho việc thơ vẫn được nhiều người yêu mến. Điều này đã góp phần lan tỏa tình yêu thơ, xây dựng được môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.

Ngày Văn nghệ sĩ Đồng Nai và đêm thơ Nguyên Tiêu

Tối 19-2 (nhằm 15 tháng Giêng) tại Hội quán Trấn Biên, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai chủ trì phối hợp cùng Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Trung tâm Văn miếu Trấn Biên tổ chức Ngày Thơ Việt Nam 2019 tại Đồng Nai với chủ đề: Hướng về biên cương Tổ quốc và Ngày Văn nghệ sĩ Đồng Nai lần thứ V. Trong đó, chương trình đêm thơ gồm có 3 phần là đất nước, giai điệu và tri ân giới thiệu 13 sáng tác thơ, nhạc của văn nghệ sĩ trong tỉnh.

Ngày Văn nghệ sĩ còn có các hoạt động như: triển lãm các tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh tiêu biểu của văn nghệ sĩ, triển lãm thư pháp thơ…

Sông Thao

Võ Tuyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/201902/nhan-ngay-tho-viet-nam-va-ngay-van-nghe-si-dong-nai-lan-thu-v-tai-dong-nai-lan-toa-tinh-yeu-tho-2933564/