Lan tỏa yêu thương

Lan tỏa yêu thương, kết nối những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng là những điều ý nghĩa mang lại từ cuộc vận động 'Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo' do các cấp Hội Chữ thập đỏ Thủ đô triển khai thời gian qua. Thông qua cuộc vận động, những mô hình có tính nhân văn sâu sắc, như 'Nhà chữ thập đỏ', 'Hiến máu tình nguyện' đã tiếp thêm động lực, niềm tin cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Các nhân viên y tế hiến máu tình nguyện trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương.

Ấm áp "Nhà chữ thập đỏ"

Những ngày Tết Tân Sửu vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Soạn ở thôn Phương Châu, xã Phú Phương (huyện Ba Vì) luôn ấm áp và ngập tràn niềm vui. Căn nhà mới mang tên “Nhà chữ thập đỏ” do Hội Chữ thập đỏ huyện Ba Vì hỗ trợ vừa khánh thành dịp trước Tết Tân Sửu, rộng 80m2 được xây dựng khang trang vẫn thoang thoảng mùi sơn mới. “Có căn nhà kiên cố để ở là ước mơ bấy lâu của mẹ con tôi, nay đã thành hiện thực. Từ nay chúng tôi không còn phải sống trong cảnh lo âu mỗi khi mưa to, gió lớn”, bà Soạn xúc động nói.

Chia sẻ về gia cảnh bà Nguyễn Thị Soạn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Ba Vì Nguyễn Thị Thúy Hồng nói: "Gia đình bà Soạn thuộc diện đặc biệt khó khăn do các thành viên đều mắc bệnh nặng, không có khả năng lao động. Ngoài việc giúp đỡ xây dựng nhà ở, đây là một trong những địa chỉ nhân đạo được quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ để gia đình vơi bớt khó khăn trong cuộc sống".

Trò chuyện với ông Chử Đắc Hiển, ở thôn 3, xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) về căn “Nhà chữ thập đỏ” - nơi gia đình ông đang sinh sống, chúng tôi cảm nhận trong ông vẫn vẹn nguyên cảm xúc về ngày đầu tiên được nhận ngôi nhà mới từ Hội Chữ thập đỏ huyện Thanh Trì cách đây đã gần hai năm. “Sống trong ngôi nhà mới, gia đình tôi yên tâm lao động sản xuất, nỗ lực vươn lên, nên đã thoát khỏi cảnh nghèo”, ông Chử Đắc Hiển chia sẻ.

Cùng chung niềm vui với bà Soạn, ông Hiển, giai đoạn 2010-2020, Hà Nội có hơn 1.000 gia đình được hỗ trợ xây dựng “Nhà chữ thập đỏ” với kinh phí tối thiểu 50 triệu đồng/nhà. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, việc huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng “Nhà chữ thập đỏ” vừa góp phần động viên, trợ giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống, vừa là giải pháp chung tay hỗ trợ giảm nghèo hiệu quả.

Không chỉ trợ giúp kịp thời về nhà ở cho người dân Thủ đô, phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, trung bình mỗi năm, mạng lưới Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn Thủ đô còn huy động nguồn lực để xây dựng nhà ở cho từ 100 đến 150 hộ nghèo ở các tỉnh, thành phố bạn. Đón nhận “Nhà chữ thập đỏ” vào dịp Tết Tân Sửu, bà Lý Thị Thi, ở thôn Nà Giảo, xã Yến Dương, huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) phấn khởi: “Nay có nhà to rồi, tôi vui lắm!”.

"Người bệnh cần, chúng tôi có mặt"

“Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” - tinh thần nhân văn ấy luôn được thể hiện trong các chiến dịch “Hiến máu tình nguyện” của các cấp Hội Chữ thập đỏ Thủ đô. Từ đây, tinh thần “Người bệnh cần, chúng tôi sẽ có mặt” đã trở thành lẽ sống của nhiều người dân Thủ đô.

Chúng tôi rất xúc động khi biết 5 thành viên trong gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Yên Viên, xã Yên Viên (huyện Gia Lâm) đã hiến máu hơn 40 lần, được tôn vinh là gia đình hiến máu tiêu biểu của Thủ đô. "Phần thưởng quý giá đối với gia đình tôi trên hành trình thiện nguyện là những giọt máu nghĩa tình giúp được nhiều người vượt qua cơn bạo bệnh. Chúng tôi luôn ý thức chăm sóc sức khỏe tốt, sẵn sàng đến địa chỉ cần trợ giúp để trao đi những giọt máu đào, giúp đỡ người bệnh hiểm nghèo", bà Nguyễn Thị Hoa bộc bạch.

Nhằm thu hút người dân tham gia hiến máu, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Oanh cùng đội ngũ cán bộ, hội viên chữ thập đỏ ở địa phương cố gắng trở thành tấm gương của phong trào. Những năm gần đây, bà Oanh đã chủ động hiến máu hơn 10 lần và tích cực vận động người khác cùng tham gia. Cứ thế, hoạt động hiến máu tình nguyện ở phường Nghĩa Đô được nhiều người dân biết đến và coi đó là điều cần làm, nên làm. “Chứng kiến nhiều người xung quanh làm việc nghĩa, vượt qua tâm lý e ngại, đầu tháng 2-2021, lần đầu tiên tôi đến hiến máu. Chắc chắn tôi sẽ hiến máu nhiều lần nữa”, anh Trần Thanh Tùng, tổ dân phố 31, phường Nghĩa Đô nói.

Đáng quý hơn là mô hình “Hiến máu tình nguyện” đã trở thành sợi dây kết nối những người trẻ có tấm lòng nhân ái trong cộng đồng. Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc Trần Sách Minh cho biết, trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, các thành viên của câu lạc bộ ở Hà Nội luôn giữ liên lạc với các bệnh viện, để bất cứ khi nào người bệnh cần tới dòng máu hiếm, họ sẽ trở thành ngân hàng máu lưu động, tiếp ứng kịp thời cho bệnh nhân.

Cũng trong kỳ nghỉ Tết, các thành viên Chi hội Thanh niên vận động hiến máu 7-4, Hội Chữ thập đỏ quận Thanh Xuân khoác lên mình màu áo đỏ biểu trưng đi khắp nẻo đường, ngõ phố để tuyên truyền về ý nghĩa của việc hiến máu. “Dịp Tết, nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội thông báo khan hiếm nguồn máu phục vụ công tác cấp cứu, điều trị. Với mong muốn góp phần nhỏ cứu giúp người bệnh, nhất là đối với bệnh nhân nghèo, chúng tôi tạm gác niềm vui riêng, tập trung vận động cộng đồng hiến máu nhân đạo”, thành viên Chi hội Thanh niên vận động hiến máu 7-4 Trịnh Thị Xuân trải lòng.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, “Hiến máu tình nguyện” là mô hình trợ giúp nhân đạo điển hình trên địa bàn Hà Nội, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Càng trong khó khăn, tình yêu thương càng lan tỏa. Kỳ nghỉ Tết vừa qua cũng là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng không vì thế mà người dân Thủ đô e ngại đi hiến máu. “Từ ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu, chúng tôi đón tiếp gần 1.000 người đến hiến máu và tiểu cầu. Số lượng máu thu về đạt gần 600 đơn vị, số lượng tiểu cầu thu về gần 400 đơn vị, cao nhất trong các kỳ nghỉ Tết Nguyên đán từ trước tới nay”, Tiến sĩ, bác sĩ Bạch Quốc Khánh nói.

Đón nhận những giọt máu nghĩa tình, bệnh nhân N.T.H, đến từ tỉnh Hà Tĩnh, điều trị xuyên Tết tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương xúc động: “Nguồn máu được cung ứng kịp thời như món quà đầu xuân mang nhiều ý nghĩa, giúp chúng tôi kéo dài sự sống”.

Để tinh thần "tương thân, tương ái" ngày càng lan tỏa, thấm sâu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội Đào Ngọc Triệu cho biết, năm 2021 và những năm tiếp theo, lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ Hà Nội tiếp tục kết nối, huy động nguồn lực từ các nhà hảo tâm để xây dựng thêm nhiều ngôi nhà chữ thập đỏ, phấn đấu vận động ít nhất 3% dân số ở Thủ đô tham gia hiến máu tình nguyện (hiện nay là 2,6%) để có thêm nguồn máu cứu người.

Minh Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phong-su-ky-su/991627/lan-toa-yeu-thuong