Làng bánh chưng lớn nhất Hà Nội ảm đạm ngày giáp Tết

(ĐSPL) – Không khí Tết đã tràn về trên khắp các con phố ở Thủ đô, thế nhưng tại làng làm bánh chưng lớn nhất Hà Nội, không khí vắng lặng và ảm đạm vẫn đang bao trùm…

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 10km, làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội từ lâu vốn đã nổi tiếng bởi nghề gói bánh chưng. Thông thường, vào những ngày đặc biệt như rằm, mùng một hay lễ tết thì lượng bánh chưng đặt rất lớn, có khi mỗi ngày một hộ gói tới cả hàng nghìn chiếc bánh, còn không thì trung bình, mỗi ngày một nhà chỉ gói khoảng vài ba chục chiếc để giao cho các đại lý hay siêu thị bán lẻ.

Nếu như mọi năm vào khoảng thời gian này, các hộ gói bánh chưng đã rầm rộ chuẩn bị cho đợt Tết Nguyên đán thì năm nay, không khí ảm đạm vẫn bao trùm bởi lượng khách đặt hàng vẫn rất ít.

Phóng to

Cô Thắng gói bánh chưng bằng tay nhưng nhanh thoăn thoắt và rất vuông vắn.

Phóng to

Chỉ sau vài phút là cho ra những chiếc bánh đẹp mắt.

Trao đổi với phóng viên báo Đời sống & Pháp luật , cô Thắng – một người đã có thâm niên làm nghề gói bánh chưng hơn 30 năm tâm sự: “Năm nay kinh tế khó khăn nên lượng khách đặt hàng cũng giảm đi đáng kể. Mọi năm tầm này là nhà chúng tôi đã nhận được đơn hàng gói mấy nghìn chiếc bánh rồi, vậy mà năm nay vẫn chưa thấy gì. Như Tết năm ngoái, trong vài ngày Tết nhà chúng tôi bán được khoảng 8.000 chiếc bánh, nhưng dự đoán năm nay giỏi lắm chỉ được tầm 3.000-4.000 chiếc thôi”.

Phóng to

Phóng to

Nhân bánh bao gồm đỗ xanh đồ nhuyễn và thịt lợn ngon ướp hạt tiêu.

Theo kinh nghiệm lâu năm của cô Thắng, để có được chiếc bánh chưng ngon thì trước hết phải chọn được gạo ngon, nhân gồm thịt và đỗ cũng phải ngon. Gạo được chọn để gói bánh thường là gạo nếp cái hoa vàng hoặc gạo nếp nhung, có hạt trắng, to và tròn đều, thơm mùi nếp. Bánh sau khi luộc chín phải có màu xanh đẹp mắt, dẻo, rền, thơm và đậm đà hương vị. Điều đặc biệt nữa là tại đây, ai ai cũng đều gói bánh bằng tay nhanh thoăn thoắt, chiếc bánh nào cũng vương vức, chắc chắn và đều đặn mà không cần dùng đến khuôn.

Phóng to

Dù gói bằng tay nhưng chiếc bánh nào cũng vuông vắn và đều tăm tắp.

Dường như đã trở thành một làng nghề có thương hiệu , nên mỗi dịp Tết đến, cả làng Tranh Khúc đều rộn ràng chuẩn bị cho một mùa làm ăn. Nhưng năm nay có vẻ không như mong muốn của các hộ dân trong làng nghề, bởi đã quá rằm tháng chạp mà lượng người đến đặt bánh vẫn đếm trên đầu ngón tay.

Nhà cô Thắng được chọn là một trong những đầu mối cung cấp bánh chưng cho hệ thống siêu thị Metro ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng nên mỗi ngày cũng “túc tắc” được khoảng hơn trăm chiếc bánh.

Giá thường dao động từ 30-50 nghìn đồng/chiếc, nhưng cũng tùy vào nhu cầu của khách. Có những khách cần đặt bánh to, ngon thì giá lên tới 100 nghìn đồng/chiếc. Với mỗi chiếc bánh, người dân nơi đây được lãi từ 2-3 nghìn đồng, trong đó chưa kể các chi phí như thuê người làm mỗi dịp đông khách, rồi tiền điện tiêu tốn khi luộc bánh. Bây giờ, rất ít người dân luộc bánh bằng phương pháp thủ công, mà hầu như đều luộc bằng điện. Mỗi lần luộc khoảng 7 tiếng kể từ khi bánh sôi thì mới đảm bảo bánh chín đều và dẻo.

Phóng to

Mỗi chiếc nồi bằng điện thế này thường luộc được khoảng hơn 200 chiếc bánh.

Chị Kim Thị Liên đã theo nghề gói bánh của bố mẹ được hơn 10 năm cho biết: “Vào mỗi dịp Tết, nếu đông khách có khi phải thuê cả chục người làm. Với những người làm các công việc phụ như rửa lá, nặn nhân, buộc lạt, luộc bánh thì tiền công là 300 nghìn đồng/ngày, còn với người nào gói bánh chính thì công phải trả cho họ là 500 nghìn đồng/ngày. Cộng với tiền gạo hiện nay đã dao động từ 27-28 nghìn đồng/kg, đỗ xanh 45 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ 80 nghìn đồng/kg, tính ra mỗi chiếc bánh lãi không đáng là bao, nhưng những người làng nghề như chúng tôi đều lấy công làm lãi nên cứ duy trì làng nghề như một nét đẹp truyền thống”.

Phóng to

Chị Liên và bố chuẩn bị cho bánh vào nồi luộc.

Phóng to

Bánh được xếp đều vào trong nồi.

Phóng to

Vào những mùa Tết đắt khách, nhà nào làm lớn có thể nhận đặt hàng tới hơn một vạn chiếc bánh, nhà nào ít cũng 5.000-6.000 chiếc. Thế nhưng trái ngược với các năm trước, năm nay không ít người dân làng nghề thấp thỏm bởi Tết đã đến rất gần, nguyên liệu làm bánh cũng đã nhập đầy đủ nhưng khách đến đặt hàng vẵn vắng teo.

Hoài Thu

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/lang-banh-chung-lon-nhat-ha-noi-am-dam-ngay-giap-tet-a18283.html