Làng bánh chưng vào Tết

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Những ngày này, người dân làng nghề bánh chưng, bánh giầy xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì gần như không có phút nghỉ ngơi, người người, nhà nhà tất bật làm bánh để phục vụ cho nhu cầu tăng cao của khách hàng trong dịp Tết.

Từ rằm tháng Chạp đến tháng Giêng Âm lịch, người dân xã Hùng Lô tất bật, hối hả gói bánh để phục vụ thực khách khắp trong và ngoài tỉnh.

Xã Hùng Lô vốn nổi tiếng là nơi có nhiều làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển cho tới tận ngày nay như: Làng nghề mì gạo, làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy... nhưng được biết tới nhiều hơn cả vẫn là nghề gói bánh chưng.

Phong tục gói bánh chưng ngày Tết là một nét văn hóa gắn liền với mỗi người dân đất Việt. Xuất phát từ truyền thuyết vào đời Vua Hùng thứ sáu, khi chuẩn bị lễ vật dâng cúng Tiên Vương, hoàng tử Lang Liêu đã làm bánh chưng, bánh giầy thể hiện “trời tròn đất vuông”, bao hàm vạn vật, ngụ ý cảm tạ công ơn dưỡng dục của cha mẹ nên được vua cha rất hài lòng, quyết định truyền ngôi cho chàng. Từ đó về sau, hàng năm cứ mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và dịp Tết, người dân lại làm bánh chưng, bánh giầy để tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước và bày tỏ lòng thành với Tổ tiên.

Dịp Tết, gia đình chị Nguyễn Mai Hương - khu 2 có thể làm đến 5 tấn gạo, tương đương khoảng 15 nghìn cái bánh.

Sản phẩm bánh chưng sau khi gói.

Có truyền thống từ lâu đời như vậy, tuy nhiên, để làm được bánh ngon nổi tiếng, phát triển thành làng nghề thì không phải nơi nào cũng làm được. Ông Nguyễn Văn Vang - khu 2, người đã có hơn 30 năm làm bánh chưng ở xã Hùng Lô cho biết: Người dân làng tôi vốn có truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó. Nằm bên hữu sông Lô, được thiên nhiên ưu đãi cho phù sa màu mỡ, giao thông thuận lợi, trên bến dưới thuyền nên ngoài phát triển nông nghiệp bà con còn làm thêm các nghề phụ như mì, bún và các loại bánh. Đặc biệt là từ khoảng từ những năm 1979 - 1981, nghề làm bánh chưng truyền thống ở Hùng Lô cũng dần hình thành và phát triển.

Bánh chưng Hùng Lô từ khi mới được đưa ra bày bán tại các chợ truyền thống đã có tiếng là ngon vì được chăm chút kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu đến cách gói và luộc. Theo ông Nguyễn Văn Vang, để bánh ngon thì nên gói bằng gạo nếp nhung, hạt to vừa, khi làm xong bánh dẻo, dền, chắc bánh, không nát. Nhân bánh là thịt lợn ba chỉ có cả nạc và mỡ, ướp với gia vị, hạt tiêu vừa ăn cùng đỗ xanh xát vỏ. Sau khi ngâm gạo, đỗ khoảng hai tiếng, thịt cũng đã ngấm đều gia vị thì mới bắt đầu gói. Trước đây khi gạo ngâm xong được vớt ra, các cụ thường để cho gạo thật khô mới gói, lúc gói thì nhồi chặt khiến bánh cứng, không rền. Giờ gia đình tôi đã có nhiều cải biến, không để gạo quá khô, không nhồi quá chặt để giúp bánh dẻo, dền và ngon hơn.

Ngoài việc chọn nguyên liệu và gói bánh, công đoạn luộc bánh cũng đóng vai trò rất quan trọng quyết định độ ngon của bánh. Theo đó, bánh phải luộc ít nhất từ 6 - 8 tiếng tùy kích cỡ to hay nhỏ, loại bánh vuông hay dài. Trong khi luộc cần lưu ý mỗi một giờ lại cho thêm nước một lần và nên cho bằng nước lã để đảm bảo bánh lúc nào cũng ngập nước.

Bánh sau khi chín thì vớt ra để nguội, có thể chèn nén thêm cho vuông vắn, đẹp mắt, hút chân không, dán tem nhãn là có thể đưa ra thị trường...

Ở Hùng Lô, nghề làm bánh đã trở thành nghề truyền thống, truyền từ đời này sang đời khác.

Cẩn trọng trong từng công đoạn - chính sự tận tâm, trách nhiệm của những người làm nghề, sản phẩm bánh chưng ở xã Hùng Lô ngày càng được khách hàng ưa chuộng và trở nên nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi ngày, một gia đình trong làng làm từ 30 - 50kg gạo, ngày rằm, mùng một âm lịch hàng tháng, ngày Tết thì gói nhiều hơn. Anh Nguyễn Văn Tư - Phó trưởng làng nghề bánh chưng bánh giầy Hùng Lô cho biết: Làng nghề hiện có 30 hộ làm bánh thường xuyên. Vào dịp Tết, mỗi ngày làng nghề làm khoảng 2 tấn gạo... tập trung chủ yếu vào tháng 12 âm lịch. Trong đó nhiều hộ có lượng khách quen, thường làm bánh với số lượng lớn như các chị: Nguyễn Hồng Thuyết - khu 5, Nguyễn Thị Mai Hương, Nguyễn Kim Oanh - khu 2; Nguyễn Thị Lệ Hằng - khu 1. Nhờ làm bánh, thu nhập của người dân ở mức khá cao, trung bình khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Nhiều gia đình đã mua được thêm đất, xây cất được những ngôi nhà mới khang trang, hiện đại...

Những ngày giáp Tết, dạo một vòng ở làng nghề bánh chưng, bánh giầy xã Hùng Lô thấy không khí tấp nập, khẩn trương của người dân nơi đây. Không chỉ làm bánh chưng mà bà con còn làm bánh giầy, bánh gai, bánh mật, bánh rợm... Từ người già đến trẻ nhỏ, phối hợp nhịp nhàng, hối hả hoàn thành các công đoạn để sớm có bánh đến tay khách hàng. Và trong tiếng cười đùa của con trẻ, tiếng trò chuyện rôm rả của người lớn như thấy hương bánh thơm nồng từ những căn bếp đang tỏa khắp nơi nơi, báo hiệu Tết đã đến thật gần...

Vĩnh Hà

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/xa-hoi/lang-banh-chung-vao-tet/206677.htm