Làng bánh Vân Giang

'Khi nào lỡ chuyến đò ngang/Xuôi theo hương bánh mà sang bên này', câu hát bên kia sông mời gọi chúng tôi qua bến đò sang làng Vân Giang, xã Xuân Vân (Yên Sơn), nơi mà bất cứ ngày nào trong năm đi từ đầu làng đến cuối làng, thực khách được nếm nhiều loại bánh. Nào là, bánh giày gấc, bánh nếp, bánh rán, bánh chưng, bánh rợm, bánh gai... và còn nhiều điều thú vị ở ngôi làng ven sông Lô này.

Chiếc nồi hấp gia truyền và 3 đời làm bánh

Hàng ngày, vào khoảng 13 giờ chiều là bếp lò của bà Trịnh Thị Huệ bắt đầu đỏ lửa. Gia đình bà có 3 người phụ nhau làm, mỗi người một công đoạn. Người làm nhân đỗ, người đồ xôi gấc, người giã rồi cùng nhau nặn bánh.

Sau hơn 3 tiếng thực hiện, sản phẩm là những chiếc bánh đỏ au, mòng mọng lần lượt được đóng gói. Hương thơm thoang thoảng của gấc chín quyện với vị béo béo, ngòn ngọt của nhân đậu xanh khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng muốn được thưởng thức.

Bà Huệ vui vẻ nói, nhà bà có nhiều đời làm bánh. Tài sản bà quý nhất là chiếc nồi hấp gia truyền của gia đình. Chiếc nồi có kích cỡ to được làm bằng gang dày dặn, chắc chắn. Bà bảo, trông bề ngoài chiếc nồi có vẻ đơn giản nhưng đối với bà đó là tài sản quý bởi có biết bao điều gửi gắm, mong muốn của mẹ muốn trao gửi. Bà Huệ vốn là con gái út trong gia đình có 4 chị em. Bà là người duy nhất nối nghiệp 4 đời làm bánh giày của dòng họ Trịnh.

Công đoạn nặn bánh gấc.

Với kỹ thuật làm bánh gia truyền cộng thêm kinh nghiệm lâu năm nên sản phẩm bánh của bà làm ra khá đặc biệt. Bánh có màu đỏ đẹp mắt, biểu tượng màu đỏ là màu sắc của niềm vui, điều tốt lành. Bánh không chỉ ngon, hấp dẫn mà còn có ý nghĩa tâm linh tốt lành nên 365 ngày trong năm bà đều làm. Bà thường tự hào với công việc yêu thích, làm ra những chiếc bánh với hy vọng mang lại những điều may mắn cho người thưởng thức. Trung bình một ngày bà Huệ làm khoảng 200 - 300 chiếc nhưng có ngày khách đặt phải huy động người làm để hoàn thành hơn 1.000 chiếc bánh. Mỗi chiếc bánh dao động từ 1.000 - 1.500 đồng.

Ở thôn Vân Giang, mọi người biết đến bà Nguyễn Thị Xuân với 3 đời làm nghề bánh gai. Bà kể, lấy chồng năm tuổi 20, bà được mẹ chồng truyền dạy cho những bí kíp làm ra một tấm bánh gai ngon, thơm, dẻo.

Bà Xuân luôn tâm niệm, người làm bánh phải tuyệt đối không có thái độ “nhất bên trọng, nhất bên khinh” với bất cứ công đoạn nào trong quá trình làm bánh, cho dù đơn giản chỉ là việc chọn lá làm “áo” bánh. Để có được một mảnh lá chuối vừa ý “chuẩn không cần chỉnh”, nhất định phải là thứ lá khô tự nhiên đang còn dính trên thân cây.

Thêm một bí quyết nữa là, bà không bao giờ đồ bánh gai bằng lửa than mà phải là lửa của củi khô. Ngọn lửa từ những khúc củi “liếm” đều chung quanh đáy nồi giúp cho bánh chín đều bằng hơi nóng của nước và lửa. Bánh hấp cách thủy trong khoảng một giờ đồng hồ thì chín. Một tấm bánh gai muốn đạt tiêu chuẩn phải đánh thức mọi giác quan. Đó là mắt phải thấy mịn màng, đẹp mắt; mũi phải ngửi được mùi thơm. Và khi ăn thì vị ngọt, ngầy ngậy hấp dẫn của bánh tan dần nơi đầu lưỡi… nếm thử một lần mà nhớ mãi...

Nồi hấp gia truyền của gia đình bà Huệ.

“Ăn quà cho biết mùi quà”

“Ăn quà cho biết mùi quà/ Bánh nếp thì dẻo bánh giày thì thơm” hay “Muốn ăn bánh dợm, bánh gai/Lấy chồng kiếm vợ làng chài Vân Giang”... Những câu ca dao, tục ngữ trở nên quen thuộc đối với người dân nơi đây. Người già dạy người trẻ những câu đồng dao khi bên nhau quây quần làm những mẻ bánh mới.

Thôn Vân Giang có hơn 100 hộ dân thì có hơn 1 nửa hộ dân làm các nghề phụ như làm bánh, bún, đậu. Trong đó có khoảng 20 hộ quanh năm làm bánh, hộ thì làm bánh gai, hộ làm bánh giày, bánh tẻ, bạnh rợm, bánh chưng, bánh rán, bánh gio… Thế nên, người làng khác vẫn thường đùa vui rằng, ai ở Vân Giang là sướng nhất. Ngày nào cũng có thể thưởng thức các loại bánh ngon, trẻ con được “ăn quà vặt” quanh năm.

Bên cạnh các “nghệ nhân” có tuổi đời, tuổi nghề cao như bà Xuân, bà Huệ thì ở Làng Vân Giang có nhiều người trẻ cũng đang nối tiếp nghiệp làm bánh. Chị Vũ Thị Giang vào nghề làm bánh rợm được 3 năm nay.

Chị Giang kể rằng, học xong THPT chị ở lại làng và lấy chồng rồi được mẹ chồng truyền dạy cho nghề làm bánh. Chị lựa chọn làm món bánh rợm vì đây là món bánh ngon, có vị đặc trưng. Bánh được làm từ những nguyên liệu hết sức dân dã nhưng đòi hỏi sự khéo léo của người phụ nữ.

Chị Vũ Thị Giang (bên trái) thực hiện công đoạn gói bánh rợm.

Cứ vào mỗi buổi chiều, chị Giang lại tất bật làm các mẻ bánh để kịp sáng ngày mai mang ra chợ bán. Chị bảo, tiêu chuẩn chiếc bánh rợm ngon, đẹp mắt là phải được gói với hình lăng trụ vuông vắn các cạnh, khi bóc bánh bột và lá không dính vào nhau. Bánh có hương vị man mát, bùi bùi của đậu xanh và béo ngậy của gạo nếp cùng các gia vị khác từ nhân bánh… Mỗi ngày chị làm trên 300 chiếc, giá mỗi chiếc bánh là 3 nghìn đồng.

Còn chị Triệu Thị Ánh ngày ngày lại tất bật làm khoảng 200 - 300 chiếc bánh chưng bé để giao hàng cho các quán ăn sáng và tại các chợ ở các xã lân cận. 6 năm nay, ngày nào bếp lò của chị cũng đỏ lửa. Chị bảo, trừ chi phí trung bình mỗi ngày chị lãi được trên 300 nghìn đồng. Mỗi tháng có đồng ra, đồng vào để trang trải cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.

Anh Nguyễn Duy Hậu, Trưởng thôn Vân Giang cho hay, bà con chủ yếu gốc ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) lên khai hoang phát triển kinh tế mới từ năm 1962. Họ mang theo nhiều nghề, từ làm mộc, làm hàng thủ công mỹ nghệ, nghề làm bánh. Bên cạnh đó có nhiều hộ dân phát triển kinh tế với sản xuất bún, làm đậu. Với nghề này các hộ không đòi hỏi lãi cao, bởi là thực phẩm bình dân, giá bình dân, hầu hết người dân xác định lấy công làm lãi, lấy sản xuất nhiều để tăng lợi nhuận. Đối tượng bán buôn là các cửa hàng, quán ăn, chợ ở các địa bàn lân cận như Trung Trực, Kiến Thiết và chợ đầu mối Xuân Vân. Nói là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập chính, nhiều hộ thu nhập 6 - 9 triệu đồng/tháng từ nghề làm bánh, bún, đậu. Đời sống người dân ngày một nâng cao, thôn hiện còn 7 hộ nghèo.

Người Vân Giang nổi tiếng với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm làm lụng, buôn bán quanh năm. Thời điểm này, về Vân Giang, ta mới thấy được sự tất bật, hối hả của các bà, các mẹ chuẩn bị nguyên liệu cho những mẻ bánh cuối năm. Gương mặt ai cũng vui vẻ đón chào thực khách ghé thăm làng bánh để thưởng thức hương vị đặc trưng của các loại bánh quê nơi đây…

Phóng sự: Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/lang-banh-van-giang-153943.html