Lang bạt đất khách bỗng cồn cào nhớ ký ức tuổi thơ

Bây giờ một mình tôi lang bạt nơi đất khách quê người, nhớ bà, tôi chỉ biết nằm ôm kí ức. Nhớ sao cái cảnh chợ quê yên bình, bóng bà che chắn đời tôi.

Buổi sáng hôm ấy, tôi đi chợ. Loay hoay hồi lâu mới chọn cho mình được ít rau quả, thịt, cá. Nhìn cảnh chợ đông đúc, ồn ã, người đi chợ chen chân không lọt, xe cộ thả ga chầm chậm, tiếng còi xe, tiếng xin đường inh ỏi, tôi thấy nhớ biết bao cảnh họp chợ chốn thôn dã bình yên.

Ảnh minh họa

Đã lâu rồi tôi không có dịp về quê, đi chợ cùng bà, cùng má. Đã lâu rồi tôi không được hít cái không khí trong lành của buổi sớm mai có ngọn gió thơm nồng băng qua cánh đồng, dòng sông rồi êm ái thổi vào xóm nhỏ.

Năm tôi 8 tuổi, bà nội dắt tôi đi chợ. Đó cũng là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi biết mùi vị chợ quê. Trời còn chưa sáng, bà nội đã giục tôi thức dậy. Tôi bước xuống giường chạy ù ra sàn múc nước rửa mặt, đánh răng, ăn vội chén cơm nguội hấp lại với cá sặc kho khô rồi thay quần áo tươm tất.

Bà tôi khệ nệ gánh hàng đồ nan: mấy cái rá, cái rổ, cái thúng... toàn những thứ hàng thủ công bà tự tay đan đát rồi mang ra chợ bán. Đối với mỗi người, lần - đầu - tiên luôn là khoảnh khắc ý nghĩa nhất mà có đi suốt cuộc đời người ta cũng không dễ gì quên.

Lần đầu tiên tôi thức dậy khi sao còn lác đác trên bầu trời, tôi theo bà ra cửa sông đón đò. Trên dòng Cái Tàu, đò Phú Hưng bình minh rẽ nước chạy từ xóm quê ra chợ tỉnh, đến khi hoàng hôn đỏ rực lại trở mũi quay về bằng tiếng còi rú dài trong màn sương bảng lảng. Tôi với bà đứng đó ít lâu thì đò đến, ngồi đò hồi lâu thì đến bến chợ. Một tay bà nắm tay tôi vì sợ lạc, một tay giữ đòn gánh thúng rổ trên vai rồi lom khom chọn một góc tường bày hàng mời khách.

Thương hoài tiếng rao hàng nặng trĩu nhọc nhằn, kham khổ của bà tôi. Hồi ấy ngây thơ, tôi nào hiểu nỗi cơ cực, lam lũ của bà tôi? Ngồi bên bà, tôi cứ vòi vĩnh bà mua cho mình trái cam, kẹo cao su con vẹt,... Bà bảo: “Lát nữa bán hết gánh thúng rổ, bà mua”. Tôi phụng phịu gật đầu rồi ngồi cạnh bên bà nhìn cảnh chợ đông đúc, người từ quê lên tỉnh bán hàng, mua hàng rồi đứng ngẩn ngơ trên bến sông đón đò về nhà khi trời đã non trưa.

Tôi trông thấy mấy đứa trẻ đồng trang lứa áo quần lấm lem, tay cầm xấp vé số dày cộm lởn vởn một lúc rồi chạy vào các ngõ con. Bỗng dưng tôi thấy thương chúng quá! Giá mà tôi có tiền chắc chắn tôi sẽ cho chúng nó, hoặc mua ủng hộ chúng vài tấm vé số. Nhưng tôi cũng nghèo, may mắn hơn chúng là tôi được đi học, được mặc bộ đồ thật đẹp đi chợ tỉnh cùng bà chứ không lấm lem bùn đất, cực khổ lao vào cuộc mưu sinh đầy bão giông.

Chợ tỉnh nằm dọc trên bến đò. Những người bán hàng đầu đội nón lá miệng đon đả mời chào mấy câu ngọt xớt. Hàng rau củ, hàng thịt, cá, hàng trái cây và những dãy hàng khác nối nhau tít tắp. Dưới gốc cây, người phụ nữ khéo léo múc mấy cốc chè đậu sen, tàu hũ, bánh lọt bày ra trước mặt. Gió đưa khiến mùi dầu chuối thơm thơm từ những cốc chè xanh quyện vào mũi tôi, ngửi thôi cũng thấy thòm thèm.

Tôi lí nhí: “Chừng nào bán hết thúng rổ, nội mua cho con cốc chè đậu sen, nghen nội?”. Bà tôi gật đầu. Bán không hết, bà tôi gánh hàng đi ròng khắp chợ bán cho kì hết. Đời bà lận đận, những lần chèo ghe bán thúng rổ, bán bánh, xôi đậu hay rau xanh khiến đôi tay bà chai sần, tóc bà bạc màu sương gió. Nghĩ mà thương bà nội biết bao! Trời ngả bóng thì hàng thúng rổ của bà tôi cũng hết.

Mô hôi nhễ nhại trên khuôn mặt của bà. Tôi thấy bà lấy tay áo quệt mồ hôi, sửa lại mái đầu rồi dắt tay tôi đi mua cốc chè đậu sen nước cốt dừa béo ngậy. Bà tôi tảo tần mưa nắng. Bà tôi cơ cực sớm hôm. Vai bà quằn xuống, lưng bà còng còng. Còn tôi ngày một lớn lên...

Những kí ức đẹp của tôi luôn gắn liền với thôn quê, với người bà thân thuộc. Tôi thương mùi khói bếp trắng đục, cay xè, tôi thương mẻ bánh đúc bà làm ngọt ngào hương vị. Tôi nhớ vô vàn những câu chuyện dân gian, những câu hát, hò, vè nội đọc, nội ngâm những đêm nằm trong vòng tay bao dung của người già tóc bạc. Ngày xưa có nội yêu thương, chiều chuộng.

Bây giờ một mình tôi lang bạt nơi đất khách quê người, nhớ bà, tôi chỉ biết nằm ôm kí ức. Nhớ sao cái cảnh chợ quê yên bình, bóng bà che chắn đời tôi. Nhớ sao tiếng rao hàng thân thương của bà và chuyến đò Phú Hưng trở về trong ánh hoàng hôn buông trên dòng sông Cái Tàu quen thuộc.

... Hóa ra, những gì tươi đẹp, ngọt ngào nhất luôn thuộc về kí ức tuổi thơ...

Hoàng Khánh Duy

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/lang-bat-dat-khach-bong-con-cao-nho-ky-uc-tuoi-tho-post44661.html