Làng cất vó bên sông

Làng cất vó vẻn vẹn hơn 30 hộ dân sống quây quần bên nhau ở đầu nguồn sông Sài Gòn (thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) đã mấy chục năm qua. Cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng cư dân vạn chài vẫn kiên định bám trụ mưu sinh vừa để 'giữ lửa' nghề truyền thống của làng.

Người dân làng vó mưu sinh trên sông Sài Gòn

Người dân làng vó mưu sinh trên sông Sài Gòn

Mưu sinh trên sông nước

Chúng tôi đến thăm làng cất vó ven sông Sài Gòn khi cơn mưa đầu mùa hạ đang trút xuống tầm tả. Theo người dân trong vùng, khi hồ thủy lợi Dầu Tiếng được xây dựng thì nghề chài lưới, đánh bắt cá trên khúc sông này ra đời, có hộ đã gắn bó với nghề vài chục năm. Làng vó chỉ hơn 30 hộ gia đình, nhà ở là những căn chòi xụp xệ ngay mép sông. Nhìn ra phía trước những đợt sóng cuồn cuộn liên tục vỗ bờ bọt nước tung trắng xóa. Hàng chục chiếc vó rộng chừng 30m2 - 40m2 được cột chặt vào những cây sào lớn cắm xuống lòng sông đang oằn mình trong dông gió. Ven sông nhiều ghe thuyền đang neo đậu “ngóng chờ”. Ngoài xa những chiếc xuồng máy mải miết rền vang lướt nhanh trên sóng nước quay vào bờ. Khoảng 2 giờ đồng hồ mưa bắt đầu ngớt, đám trẻ con từ các chòi túa ra chạy nhảy tung tăng dõi công việc cất lưới của gia đình.

Anh Huỳnh Kim Thương (44 tuổi), quê gốc Bến Tre đã hơn 20 năm theo cha mẹ lên đây sống bằng nghề chài lưới kể, trước đây đi trên sông bằng thuyền độc mộc quăng lưới đánh bắt cá rất cực. Bây giờ khi có máy cất vó đều đặn cứ 5 - 10 phút kéo lên bờ một mẻ. Vừa nói, anh liền khởi động máy kéo sợi dây thừng, vó dưới lòng sông được kéo nhô lên khỏi mặt nước. Trong những vòng quay chầm chậm, mọi người hồi hộp hy vọng về mẻ lưới đầy tôm cá. Đợi vài phút, 3 - 4 vó đã được nhấc bỗng lên cao để lộ những con cá lăng, cá linh, trắm, mè ... nhảy nhót, rồi bị “nuốt chửng” vào một cái túi lớn nằm ngay “bụng vó”.

Giong thuyền máy đến vị trí vớt cá giữa dòng nước cuộn trào, anh Thương cho hay: “Hôm nay mưa lớn cá thường dạt vào bờ nên các vó giữa sông thường ít cá. Đang đầu mùa khô nên bà con không lo đói cá”. Nói đoạn, anh tóm đầu túi dốc xuống chiếc rổ nhựa chực sẵn dưới khoang thuyền, lựa những cá lớn bỏ vào bao tải rồi nổ máy quay lại các vó gần bờ. Vừa nhấc khoảng 4 - 5kg cá đủ loại đang giãy giụa trong túi, anh Thương mừng rỡ: “Vó nào cũng được vậy thì mỗi ngày có vài triệu đồng không khó”. Chừng 30 phút ra sông, anh Thương chạy thuyền đi bán cho các thương lái. Cá tươi ngon nên bao nhiêu cũng bán hết. Người cùng làng, anh Võ Hoàng Bon có 5 - 6 chiếc vó phục sẵn trên sông. Anh Bon bảo rằng nguồn thu nhập chính để nuôi sống 3 con người trong gia đình là từ những mẻ cá trên sông. Gia đình đã đầu tư 30 triệu đồng mua máy cất vó. “Ở khúc sông này dòng nước không xoáy xiết nên có nhiều loài cá lớn. Những cá lăng nặng 20kg không hiếm và thi thoảng người dân vẫn bắt được cá sơn đài nặng 60 -70kg nên một tháng thu được 25 - 30 triệu đồng là chuyện thường. Cách đây 4 năm có người cất được đàn cá lăng, thu về chừng 600kg cá”, anh Bon nói.

“Hoa tiêu” trên sông

Anh Huỳnh Thanh Lượm (36 tuổi), quê Bến Tre cũng theo gia đình đến đây lập nghiệp từ nhỏ được các hộ dân trong vùng coi là hoa tiêu của dòng sông, chia sẻ, việc đóng một chiếc vó cố định trên lòng hồ cũng giống như cất một căn nhà. Chủ vó phải chuẩn bị bãi đất dưới lòng hồ, các vật liệu dựng trụ vó... Quan trọng nhất là vị trí đặt vó, nơi có luồng tôm cá đi qua, tính toán được quy luật con nước lên xuống, quy trình dòng chảy và việc xả nước của hồ. Nếu chọn vị trí đặt vó gặp phải đoạn nước chảy xiết thì tôm cá ít di chuyển qua, nước chảy mạnh làm trụ vó dễ bị gãy đổ, còn những vị trí nước nông hoặc sâu quá thì sẽ bị nước dâng ngập chòi không quay được vó, hoặc vó ngập nước nửa chừng không có cá.

Trước đây, việc quay vó hoàn toàn thủ công, dựa vào sức người. Hệ thống quay được làm bằng một khúc gỗ tròn có đường kính khoảng 40cm, dài 1,2m, hai đầu được đặt trên 2 giá đỡ cố định. Mỗi khi cất vó phải dùng bàn chân tời dây để kéo, mỗi lần mất khoảng 30 - 45 phút. Sau này, anh Lượm đã thiết kế quay vó bằng máy vừa giúp tiết kiệm thời gian, lại tăng năng suất. “Quay vó bằng mô tơ điện nhanh, mỗi lần cất chỉ mất 5 phút. Công việc điều khiển cất vó cũng nhẹ nhàng và an toàn hơn trước. Gần đây có người còn dùng phần mềm trên mạng để sử dụng điều khiến công tắc tự động từ xa khiến công việc càng nhẹ nhàng hơn, ít tổn hao sức lực”, anh Lượm nói.

Ở làng cất vó này đa phần các hộ dân không có vườn tược, đất đai nên cuộc sống phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá. Vào mùa mưa, người trong làng cũng vào mùa thu hoạch, thời gian kéo dài chừng 8 - 9 tháng. Mùa khô đến, cá trên sông cũng ít đi nên thu nhập giảm, khá bấp bênh. Điều đáng mừng không nhà nào đói ăn, trẻ con được học hành đàng hoàng. Đó là niềm động viên để dân vạn chài yên tâm bám lấy nghề vó để mưu sinh vừa giữ được truyền thống của ngôi làng bên sông nước.

HOÀNG BẮC

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lang-cat-vo-ben-song-601546.html