Làng cổ Cự Đà: Trăn trở bài toán bảo tồn nhà xưa, nghề cũ

Quá trình đô thị hóa đang dần xóa nhòa không gian cổ kính, nét đẹp ở các làng quê. Không ít người lo lắng nếu không có chính sách bảo tồn thì chẳng bao lâu nữa, khi cần tìm nét cổ kính nơi làng quê chỉ có thể xem lại ở những bộ phim cũ chứ chẳng thể tìm thấy được ở cuộc sống hiện tại.

Làng Cự Đà nằm cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây thuộc địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội. Nằm bên bờ sông Nhuệ, nơi đây được coi là một trong số những làng cổ độc đáo của vùng đồng bằng Bắc Bộ với một lối kiến trúc có sự đan xen hài hòa giữa kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc và kiến trúc Việt Cổ.

Nhiều ngôi nhà cổ trải qua thời gian đã xuống cấp, tường bong tróc lộ rõ những hàng gạch đỏ (Ảnh:H.N)

Nhiều ngôi nhà cổ trải qua thời gian đã xuống cấp, tường bong tróc lộ rõ những hàng gạch đỏ (Ảnh:H.N)

Với địa thế nằm ven sông Nhuệ, thuận lợi cho giao thương nên từ lâu ngôi làng đã nức tiếng là trung tâm buôn bán trao đổi sầm uất, trên bến dưới thuyền. Theo các cụ cao niên trong làng, thời kỳ phát triển của làng là những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Chính vào thời điểm đó, nhiều người giàu lên và xây dựng những ngôi biệt thự, kiến trúc Pháp với ngói mũi hài, cột gỗ lim, hoa văn chạm trổ cầu kỳ.

Làng Cự Đà cổ thời xưa, đường đi được lát gạch nghiêng, hai bên tường nhà san sát, nhà nhà đều có cổng. Thời đó hầu hết những ngôi nhà và biệt thự cổ trong làng đều được làm bằng gỗ, cửa là những cánh bức bàn, mùa đông được hạ xuống, mùa hè được dựng lên cho mát.

Thời xưa, Cự Đà cổ kính, yên bình là vậy nhưng ngày nay với sự xâm lấn của đô thị hóa, từ một ngôi làng có bề dày lịch sử với những nếp nhà cổ có niên đại hàng trăm năm, nay Cự Đà chỉ còn những ngôi nhà cao tầng bê tông cốt thép mọc lên cùng biển hiệu quảng cáo. Con sông Nhuệ đang bị lấp dần để xây nhà xưởng, nhiều dấu ấn văn hóa xưa kia đang dần mất.

Nhiều người cho rằng nếu không có chính sách để bảo tồn, trong thời gian tới Cự Đà sẽ không còn những ngôi nhà với nét cổ kính, rêu phong (Ảnh: H.N)

Tại đây cũng không còn cảnh tượng trên bến dưới thuyền, tấp nập người mua kẻ bán. Những con đường lát gạch nghiêng năm xưa của làng giờ đây cũng đã được bê tông hóa. Hình ảnh cây đa, bến nước, mái đình và cánh đồng thẳng cánh cò bay cũng bị các căn nhà cao tầng che khuất. Hàng trăm ngôi nhà cổ giờ chỉ còn chừng vài chục căn nhưng cũng đang xuống cấp để rồi chẳng mấy chốc sẽ mất trong hoài niệm.

Sự thay đổi của làng những năm gần đây quá nhanh chóng khiến nhiều người sinh sống tại đây cũng thấy lạ, không nghĩ đó là quê mình. Nhắc nhớ về làng Cự Đà thời xưa, cụ Đinh Văn Tình (85 tuổi) chia sẻ với nỗi niềm trăn trở: “Ngày xưa ở đây trên bến dưới thuyền, cứ đến Tết là mỗi gia đình lại lấy thuyền nhỏ chèo ra sông chơi. Giờ Cự Đà chẳng còn mấy những ngôi nhà cổ, nghề truyền thống cũng bị mai một. Chắc cái cổ kính của nơi đây chẳng mấy chốc mà mất hết”.

Chẳng những vậy, nghề làm tương truyền thống của làng cũng đang bị mai một (Ảnh: H.N)

Đâu chỉ có bê tông cốt thép thay cho những mái ngói cổ mà nếp làng và nếp nghĩ của người dân cũng thay đổi, kéo theo tình làng nghĩa xóm cũng bị ảnh hưởng. Trước kia mỗi gia đình trong làng có cỗ, các gia đình xóm trên, ngõ dưới đều giúp nhau cùng nấu cỗ nhưng ngày nay khi làng đã lên phố nhiều gia đình tổ chức cỗ tại nhà hàng, khách sạn cao sang, cũng từ đó tình làng nghĩa xóm dần trở nên giãn cách.

Nói về các chính sách để bảo tồn những ngôi nhà cổ, ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cũng thẳng thắn thừa nhận, có nhiều điểm khó để giữ gìn, bảo tồn. Bởi theo tốc độ phát triển, đô thị hóa, khi người dân có thu nhập ngày càng cao theo đó họ muốn thay đổi, muốn xây những ngôi nhà cao tầng khang trang, hiện đại thay thế cho những ngôi nhà cổ trước kia.

Hoa Nguyễn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lang-co-cu-da-tran-tro-bai-toan-bao-ton-nha-xua-nghe-cu-83908.html