Làng cổ Đường Lâm lại 'dậy sóng'

Được kỳ vọng sẽ trở thành một 'Hội An của miền Bắc', làng cổ Đường Lâm luôn là điểm đến hàng đầu của khách du lịch tới Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng, đằng sau sự phát triển mạnh mẽ về du lịch vẫn là những cơn 'sóng ngầm' trong khó khăn về công tác bảo tồn.

Một ngôi nhà cổ “mòn mỏi” đợi hoàn thành thủ tục. Ảnh: Thành Công.

Mới đây, Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã tổ chức cuộc họp để thông báo tiến độ tu bổ nhà cổ. Theo báo cáo, Làng cổ Đường Lâm có hơn 900 gia đình sống. Tuy nhiên sau 12 năm, từ khi công nhận là di tích cấp quốc gia, phân loại danh mục các nhà cổ được bảo tồn, mới có 17/956 ngôi nhà được trùng tu, sửa chữa. Việc bảo tồn, bu bổ chậm gây ra không ít bức xúc.

Như trường hợp ngôi nhà của ông Cao Văn Chiến (thôn Cam Thịnh) việc tu sửa bắt đầu từ 9 năm trước nhưng đến nay các mục gỗ đã bị mối mọt đục gần hết. Ông Chiến cho biết “Lẽ ra phải trùng tu nguyên trạng, vật liệu như thế nào thì phải thay như thế? Như gỗ xoan thì thay gỗ xoan, lim thì phải thay bằng lim. Nhưng ngôi nhà khi được tu bổ thì gỗ xoan thay thế là gỗ xoan non nên dẫn tới bị mối mục”. Ông Chiến cũng cho biết thêm hiện nay mái nhà đã thủng lỗ chỗ. Có thể thấy nguyên nhân là do chất lượng trùng tu quá kém và ẩu. Bởi mái cũ trước khi tu bổ dùng 50 năm vẫn không hề bị hỏng hóc, không hiểu tại sao khi tu sửa thì chỉ vài năm đã bị trôi hết mái.

“Biết thế này thì tôi đã không cho sửa chữa. Rất nhiều nhà được sửa cũng nằm chung tình trạng này. Nhà nước có chính sách sửa và giữ được nguyên bản nhà cổ thì ai cũng quý, cũng vui nhưng đúng là khi sửa xong như thế này xuống cấp quá nhanh thì không được, đến ở còn không xong” - ông Chiến ngán ngẩm cho biết.

Còn gia đình cụ Trương Văn Bản (thôn Cam Thịnh) lại rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”. Theo cụ Bản: Hiện nay gia đình cụ đang sở hữu 3 gian nhà vẫn còn giữ nguyên bản có tuổi đời gần 270 năm. Mặc dù nhà đã xuống cấp tuy nhiên vẫn đang phải xếp hàng đợi tu bổ. Trước đó, vào năm 2014 gia đình cụ cũng đã được đề nghị tu bổ nhưng vì cách làm việc “manh mún” nên gia đình cụ đã từ chối.

“Họ bảo thay chỗ mục, chỗ hỏng để vá vào cột cũ nhưng tôi không muốn nhà tôi bị chắp vá. Giờ cứ giữ như vậy thì không có chỗ để ở. Nhà nước có cho sửa mỗi nhà khoảng từ 1 – 2 tỷ đồng nhưng nhiều cái chắp vá theo tôi vẫn có nguy cơ sập. Cột mới thay với cột cũ thì cột mới còn bị mối mọt nhanh hơn cột cũ, chả hiểu làm bằng gỗ gì mà nhanh thế. Cách thức chỉ là sửa chắp vá nối nên tôi không đồng ý, nên vẫn để nguyên bản cho tới nay” - cụ Bản nói.

Trong khi việc “đợi chờ” được tu bổ vẫn còn là những hy vọng “mong manh” của nhiều gia đình ở Đường Lâm thì với gia đình bà Kiều Thị Thảo (thôn Đông Sàng) lại là một kết cục buồn. Như báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh cách đây 2 năm vì những tranh chấp quyền sở hữu. Mới đây sau khi “bức xúc” quá sức chịu đựng gia đình bà Thảo tự phá dỡ ngôi nhà cổ.

Trong đó, nguyên nhân theo bà Thảo giải thích “Một phần do ngôi nhà bị xuống cấp, phần khác do tranh chấp quyền sở hữu thửa đất với gia đình bà Gan và gia đình ông Kiều Văn Lý. Đồng thời, gia đình bà Thảo đã nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ hơn 10 năm trước. Tuy nhiên, cán bộ xã đã làm thất lạc hồ sơ gốc của bà nên hiện không có căn cứ để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình”.

Nhiều người dân lại cảm thấy khổ vì danh hiệu di sản. Ông Phạm Hùng Sơn- trưởng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết: “Đường Lâm có khoảng 1.500 hộ nhưng mới có khoảng 100 hộ hưởng lợi từ du lịch”. Sau hơn 10 năm được công nhận danh hiệu làng cổ cấp quốc gia, trung bình mỗi năm làng cổ Đường Lâm đón hơn 17 vạn khách, nhưng mới chỉ có 10% số hộ có thu nhập từ du lịch. Điều này do hệ thống sản phẩm, dịch vụ chưa hiệu quả khiến du lịch còn nghèo nàn, kém hấp dẫn… Bên cạnh đó, những hộ chưa thể làm du lịch thì chấp nhận cảnh sống chung với nhà cổ mục nát, đêm nằm không biết lúc nào cột kèo rơi xuống.

Cùng với đó, lý giải về việc chậm trễ dẫn tới việc phải “xếp hàng” chờ tu bổ, Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm lý giải yêu cầu đặt ra là bảo tồn nguyên trạng, nhưng nhiều vật liệu cổ giờ không còn nữa. Đời sống thay đổi, nhu cầu cũng đổi thay nhưng sự bất tiện về sinh hoạt tại nhà cổ chưa thể hóa giải. Với những gia đình muốn tự sửa chữa, BQL chỉ còn cách tích cực vận động, đồng thời giám sát quá trình thi công nhằm tránh sai sót làm mất đi giá trị di sản. Tuy nhiên, đó là việc khó, bởi nhà cổ thuộc sở hữu cá nhân và người dân vẫn đang sống trong đó.

“BQL đã triển khai dự án mô hình 20 mẫu nhà truyền thống, hỗ trợ kinh phí thiết kế nhằm bảo đảm sự hài hòa về kiến trúc, cảnh quan. Tuy nhiên, số hộ gia đình theo nhà mẫu chưa nhiều, khiến kiến trúc vẫn còn chưa đồng đều. Chi phí xây dựng theo mẫu cũng khá cao, nếu Nhà nước hỗ trợ 1 phần thì dự án sẽ đạt hiệu quả hơn” - ông Sơn cho biết.

Đem câu chuyện Đường Lâm chia sẻ với PGS.TS Nguyễn Văn Huy-phó Giám đốc Trung tâm Phát huy giá trị Di sản văn hóa Việt Nam, ông cho biết việc làm trước mắt là cần sớm bố trí đất giãn dân bởi điều kiện sống chật chội trong vùng lõi vừa gây sức ép lên di sản vừa khiến người dân phải chịu khổ. Cùng với đó, cần có giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang dịch vụ du lịch nhằm gia tăng tỷ lệ hộ dân được hưởng lợi từ du lịch di sản. Cùng với đó, mới đây UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 11403/VP-KGVX về việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ khu vực II di tích làng cổ Đường Lâm. Trong đó, việc điều chỉnh được triển khai theo hướng thu hẹp diện tích bảo vệ, khu vực khoanh vùng dự kiến là hai làng Mông Phụ và Cam Thịnh.

Minh Quân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/lang-co-duong-lam-lai-day-song-tintuc399328