Làng cổ 'ngủ quên' giữa lòng Hà Nội

Rời bỏ những ồn ào, mệt mỏi của chốn thị thành bon chen, chật hẹp, cùng tìm về ngôi làng cổ có niên đại 400 vẫn còn nguyên dạng ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

Cách trung tâm Hà Nội chỉ 10km, làng cổ Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ, yên bình, còn vẹn nguyên nét cổ kính, mộc mạc của một ngôi làng ven bãi bồi sông Hồng.

Làng Đông Ngạc có tên Nôm là làng Vẽ, sau gọi là Kẻ Vẽ, nay thuộc biên chế của hai phường Đông Ngạc và Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Từ trung tâm Hà Nội chỉ mất khoảng 30 phút chạy xe là Đình Vẽ đã hiện ra trước mắt PV. Tìm về làng Vẽ một ngày nắng gắt, không khí yên lặng như chính con người nồng hậu trong làng.

Người làng Vẽ luôn tự hào về những di sản họ có được, luôn tự hào về những nét đẹp họ đang gìn giữ nên chẳng khó gì để bắt gặp những ngôi nhà cổ có nét kiến trúc từ khoảng thế kỷ XVII tại đây.

Đến làng Vẽ như lạc vào quá khứ, lạc vào những câu chuyện cổ tích nơi sân đình làng cổ Việt Nam. Đây chính là “câu chuyện của thời xa ấy” chứ không còn là một Hà Nội huyên náo, chật hẹp như bây giờ.

Nơi đầu tiên chúng tôi ghé vào là cổng Đông của làng, mép phải Đình Vẽ một trong những ngôi đình có niên đại lâu đời nhất, linh thiêng nhất tại đây. Bao trùm lên ngôi đình bầu trời xanh cao vời vợi, với những ngọn dừa cao trọc trời, mái ngói đơn sơ, long phượng tinh xảo.

Cả ngôi đình rộng lớn như lặng đi giữa chốn phồn hoa. Tương truyền rằng, ngôi đình mang kiến trúc mô phỏng theo hình ảnh đầu rồng, hai bên là ao mắt rồng, phía đại điện là đầu, phía cuối là hậu viện.

Quanh năm yên tĩnh, bốn mùa cây xanh lại càng mang lại nét đẹp tự nhiên hoài cổ cho đình Vẽ.

Bước chân vào đình, hai bên ao mắt rồng với hoa súng nở rộ rực rỡ. Thảm cỏ xanh biếc và những gian thờ tự vẫn còn giữ nguyên vẹn kiến trúc cổ xưa.

Không chỉ tự hào về kiến trúc, văn hóa lâu đời của làng, người dân Kẻ Vẽ còn có truyền thống khoa bảng lâu đời từ cụ Phan Phu Tiên đỗ tiến sĩ đến 25 vị tiến sĩ của làng.

Sau này dân gian đều ca ngợi “Đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”. Chính những nét đẹp ấy đã thôi thúc người làng Vẽ bảo tồn và lưu giữ nguyên vẹn mọi giá trị tinh thần, văn hóa, tâm linh suốt 400 năm qua.

Được biết, đến nay Làng Vẽ còn khoảng 100 ngôi nhà cổ, trong đó có những ngôi nhà có tuổi thọ lên đến 400 năm như ngôi nhà thờ họ Đỗ do cụ Hiên trông coi-một trong những ngôi nhà cổ đẹp nhất Việt Nam hiện nay.

Suốt nhiều năm nay, có hàng trăm du khách, nhiếp ảnh gia tìm đến đây để tham quan, chiêm ngưỡng và lưu giữ tư liệu về những ngôi nhà cổ ven đê con sông Hồng.

Người Đông Ngạc thường nói, đến làng vẽ, thăm nhà cổ, nhâm nhi tách trà chiều mới thấy hết vẻ đẹp của nếp sống chậm rãi ven bãi bồi con sông Hồng đỏ rực phù sa.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, làng Vẽ hiên ngang trước thời gian, những cây cổ thụ to, những bức tường rêu phong, cổ kính và cả những bảng chữ sơn son, thếp vàng, cùng nếp sống ôn hòa vẫn không hề bị mai một.

Mỗi ngôi nhà, con đường đầy cỏ, những bức tường không còn nguyên vẹn đều nhuốm màu thời gian nhưng vẫn là tâm hồn sinh động của ngôi làng “già cỗi” yên bình.

Ghé làng Vẽ, nên đi vào những ngày nắng rực thăm chùa Vẽ, Đình Vẽ, nhà thờ họ Phan, nhà thờ họ Đỗ, ngôi nhà cổ của ông Hiên,… và cả những con đường lát gạch nghiêng, những cánh cổng nhỏ phủ đầy bụi gỗ. Tất thảy mới là những ký ức đẹp nhất chốn Hà thành này.

Người dân ở đây rất nồng hậu, nhiệt tình lại hiếu khách, họ sẵn lòng chỉ cho bạn cách để đi khắp làng tham quan. Họ sẽ vui vẻ giới thiệu với bạn về lịch sử của làng, về vật dụng trong nhà và những ngôi nhà thờ họ cả trăm tuổi.

Bạn cũng sẽ có cơ hội được thưởng thức món nem nổi tiếng đất Kẻ Vẽ nếu may mắn đến vào bữa cơm chiều. Người làng Vẽ luôn sẵn lòng mời khách uống một ấm trà, ăn một bữa cơm và nói vài câu chuyện.

Lúc ấy, bạn hãy tự nhiên đón nhận tình cảm tuyệt vời của văn hóa làng xã Việt Nam xưa còn sót lại nơi chốn thị thành chật hẹp này.

Người ta thường nói “Hà Nội, đường thì rộng mà lòng người cứ hẹp” thế nhưng ở làng Vẽ là “một bức tranh” hoàn toàn ngược lại.

Hoài Anh – Thùy Chuyên

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lang-co-ngu-quen-giua-long-ha-noi-a384385.html