Làng đào Nhật Tân: Nhộn nhịp khách mua, cây đào cổ thụ vẫn được ưa chuộng

Chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, không khí tại các nhà vườn tại Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) đã trở nên nhộn nhịp, đông vui. Theo nhận định của một số chủ vườn, khách đến xem và đặt mua, thuê đào sớm hơn năm ngoái.

Sắc đào mang tên Nhật Tân

Những năm gần đây, cây đào mang lại lợi ích kinh tế cao nên phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội đang tích cực chuyển đổi diện tích đất sang trồng đào. Với 340 ha đất canh tác, trong đó có khoảng 100 ha là đất nông nghiệp, thương hiệu đào Nhật Tân không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn vượt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Các vườn đào đều đã sẵn sàng chào đón khách. (Ảnh: Trang Ngân).

Các vườn đào đều đã sẵn sàng chào đón khách. (Ảnh: Trang Ngân).

Người trồng đào ở Nhật Tân bao năm vẫn vậy; chăm chỉ, bền bỉ, săn sóc từng gốc đào để phục vụ người dân cả nước mỗi dịp tết đến xuân về. Điều này lý giải vì sao đào Nhật Tân nức tiếng khắp nơi. Người dân ở trong Nam, ngoài Bắc đều tìm về để sắm cho mình một cây đào thật ưng ý cho ngày tết cổ truyền.

Đào Nhật Tân có nhiều loại như đào bích, đào phai, đào 5 cánh… mỗi loại lại mang một dáng hình, vẻ đẹp riêng. Không những thế, cây đào nơi đây còn nổi tiếng bởi có nhiều thế, dáng độc, lạ và rất đẹp, từ đào mini đến những cây cổ thụ nhiều năm tuổi.

Theo nhận định của một số chủ vườn, khách năm nay đến mua đào đông và sớm hơn mọi năm. (Ảnh: Trang Ngân).

Dưới cái nắng hanh hao pha chút gió lạnh mùa đông, người dân nhiều nơi đã tìm đến ngắm đào và chọn cho mình một cây đào Nhật Tân vừa đẹp mắt lại hợp với không gian nhà mình. Mặc dù năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh tế khó khăn nhưng những cây đào cổ thụ vẫn được ưa chuộng bởi hình dáng và độ tuổi của chúng.

Anh Nguyễn Minh Thắng ở Thanh Xuân, Hà Nội đi ngắm đào cho công ty và gia đình chia sẻ: “Trên thị trường hiện nay đang có hai loại đào, một loại là sát Tết mới nở và một loại đang nở. Kiểu dáng đào thì mọi năm đều như nhau, mình thấy cây càng cổ thụ thì càng đẹp”.

Nhiều gia đình hoặc công ty ở Hà Nội đã sớm đặt hàng, chờ đến ngày giáp tết mới đem về. Còn với những người ở xa hơn như vợ chồng anh Dương thì lại chọn cách đi xem đào và chở về quê, chơi đào sớm.

Anh Thanh Dương chia sẻ: “Mình ở Hải Dương, nghe tiếng đào Nhật Tân màu đẹp, hoa đẹp, dáng thế đẹp mà giá cả cũng hợp lý nên hôm nay hai vợ chồng từ quê lên đây mua đào. Với mình thì thời điểm này, mua cây đào có nhiều nụ nhỏ và có cả hoa chơi là đẹp mà vẫn đủ để hoa nở trong dịp tết. Dưới Hưng Yên cũng có vườn đào nhưng không đẹp bằng vườn đào trên đây”.

Đào thường được chơi cho đến rằm tháng Giêng, khi đào không còn nhuận tiết, người dân trả đào về vườn. Người trồng đào sẽ lại bứng cây xuống đất để chăm sóc và cấy mắt, chuẩn bị cho năm sau.

Một cây đào đẹp chơi ngày tết thường mất một năm vun vén, coi sóc. Những gốc đào mang hồn hoa năm cũ, cánh đào luôn mới làm hương mật cho đời, nhụy thắm của yêu thương.

Tâm sự người trồng đào

Để có được thương hiệu đào Nhật Tân nức tiếng khắp cả nước thì không thể không kể đến những đôi bàn tay của người chăm sóc. Làm thuê cho một trong những vườn đào ở Nhật Tân, cô Xuyến gắn bó với nghề trồng đào đã hơn mười năm nay. Theo cô, mỗi vườn đào sẽ có cách chăm sóc đào riêng nhưng điểm chung là đều chứa một sắc đào mang tên Nhật Tân.

Cô Xuyến tranh thủ tỉa bớt hoa để cho nụ mới nở, chờ ngày đem giao cho khách. Ảnh: Trang Ngân.

Công việc thường ngày của cô Xuyến là làm cỏ, tưới phân cho những gốc đào. Cô chia sẻ: “Trồng đào phải trải qua rất nhiều công đoạn, tùy nhu cầu của người mua mà nhà vườn sẽ cho hoa nở sớm hay muộn. Mùa này mỗi tháng tưới hai lần phân để cây đào có đủ chất dinh dưỡng và phát triển ở trong chậu”.

Sau khi kết thúc thời gian tuốt lá để đào bật nụ đúng dịp thì đây chính là thời điểm những cây đào được “ra mắt” thị trường. Từ đầu tháng 11 đã có người đến xem đào và đặt hàng trước nên đây là dịp mà các chủ vườn bận rộn nhất. Những cây đào cổ thụ, dáng to vẫn luôn thu hút ánh nhìn của khách mua hàng. Giá thuê, mua đào tùy thuộc vào độ tuổi và hình dáng của cây, trung bình từ 5 đến 70 triệu, một số cây còn có giá cao hơn.

Ở một vườn đào khác của Nhật Tân, anh Nguyễn Văn Đô trở về sau một chuyến chở cây đào cho khách, ngồi uống ngụm trà, anh nói: “Năm nay, người ta chơi đào nhiều và sớm hơn nhưng đào lại rẻ hơn mọi năm vì khách hàng đi mua hay bảo do Covid-19. Từ đầu tháng này đến 25 tết là thời điểm đào bán chạy nhất, còn từ 26 đến 30 thì bán chậm hơn”.

Anh Đô hào hứng giới thiệu về những thế đào. (Ảnh: Trang Ngân).

Với thâm niên 12 năm trồng đào, anh Đô hăng hái khi được hỏi về những cây đào do chính tay mình chăm sóc: “Nhà tôi có các loại đào như cây cổ thụ, đào rừng ghép, bonsai, đào mini, dáng tròn, đào thông… Như mọi năm thì tôi thấy đào rừng ghép, đào cổ được ưa chuộng và bán chạy hơn”.

Đào sẽ được trồng và chăm bón trong khoảng một năm trước khi được bứng vào chậu để chơi trong vòng 3 tháng dịp tết. Thời điểm này, người trồng đào chỉ cần chú trọng vào việc tưới đủ nước để cây luôn tươi tốt.

Theo anh Đô, trong suốt một năm chăm sóc đào để cung cấp vào dịp tết thì điều đáng quan tâm nhất là cây bị bệnh, khi ấy phải phun thuốc, chăm phân và chủ yếu là tưới nước nhiều. Để nụ bật được đúng thời điểm thì công đoạn tuốt lá là quan trọng nhất, cần căn thời gian tuốt lá sao cho chuẩn.

“Thời tiết cũng khá quan trọng, đào chỉ sợ rét thôi, khi ấy mình phải tưới nước và phân nhiều hơn. Vườn nhà tôi có hơn 300 cây thì chủ yếu tưới nước vào buổi sáng” – Anh Đô chia sẻ thêm. Nhờ sự khéo léo chăm sóc của người trồng mà những ngày rét đậm rét hại như vừa qua dường như không ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đào.

Khác với hai nhà vườn kia, nhà cô Lan chuyên trồng đào bán cành. Cành đào thường sát tết người dân mới mua nhiều nên hiện tại, cô vẫn đang cần mẫn chăm bón từng gốc cây.

Phân mà cô Lan sử dụng cho đào là một loại phân đặc biệt do cô tự ủ. Bên cạnh việc trồng đào, cô Lan có trồng đan xen rau xanh. Những lá rau già cô sẽ đem đi ủ thành phân bón hữu cơ, rất tốt cho cây và đặc biệt tiết kiệm chi phí cho người trồng.

Cô Lan thường phải ủ rau trước khoảng 2-3 tháng để có phân hữu cơ bón cho cây đào. (Ảnh: Trang Ngân).

Trồng đào đã nhiều năm nhưng năm nay là năm khiến cô Lan lo lắng nhất: “Năm nay có dịch Covid-19 thì chắc giá cả sẽ thấp hơn, khách hàng sẽ yêu cầu ít hơn. Nhà cô thường là khách vào tận vườn mua, tầm 20 đổ ra thì người ta mua đông, chứ bây giờ còn đang mới thì chưa nhiều người đến mua lắm”.

Mỗi người trồng đào lại có một cách chăm sóc đào riêng nhưng họ đều dành tất cả tình cảm, niềm đam mê cho công việc mà mình đã gắn bó nhiều năm. Dù thời tiết hay dịch bệnh ít nhiều có sự ảnh hưởng nhưng năm nay được dự đoán sẽ là một năm “thuận buồm” với người trồng đào, có đông đảo khách hàng đến đặt mua từ rất sớm và hầu hết đều dành lời khen cho sắc đào năm nay.

Trang Ngân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lang-dao-nhat-tan-nhon-nhip-khach-mua-cay-dao-co-thu-van-duoc-ua-chuong-550941.html