Lãng du thật xa để trở về

Một buổi sáng đẹp trời ở Đường sách TP.HCM trung tuần tháng 11, đông đảo bạn đọc, và có cả những bệnh nhân xuất hiện để tham dự buổi ra mắt sách hết sức đặc biệt của GS-BS Nguyễn Chấn Hùng.

Đặc biệt là bởi chuyên gia hàng đầu của ngành ung bướu học, lại ít đả động đến chuyện bệnh tật. Thay vào đó, ông đưa mọi người du ngoạn từ Tây sang Đông, tới nhiều miền đẹp xứ người, xứ mình. Của cảnh quan, kiến trúc, văn hóa nghệ thuật và cả giai thoại về những danh nhân nghệ nhân kỳ tuyệt. Những đúc kết có được sau những chuyến lữ hành, ông tạm gói ghém thành cuốn sách dụng công này, phảng phất hình ảnh của một trí thức lãng tử, khoan thai đi giữa cuộc đời với quan niệm nhân sinh nhẹ nhõm và một tình yêu lâu bền với sách: Nhẹ bước lãng du.

Không gian buổi giới thiệu sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM tổ chức tại đường sách Sài Gòn.

Là vựng tập gồm 56 bài viết trên một số tờ báo và tạp chí, được gom lại theo một thứ tự đơn giản và gói gọn trong 450 trang sách, Nhẹ bước lãng du không hề là những lát cắt rời rạc mà thống nhất trong một mạch chuyện được xâu chuỗi, với giọng văn kể duyên dáng và tự nhiên dù tác giả khiêm tốn thừa nhận là “ghi nhận rồi sắp xếp lại”.

Do đã tìm mua và đọc trước cuốn sách, nên nhiều câu hỏi đã được bạn đọc đặt ra trong buổi giao lưu sách: “Đi qua nhiều địa danh như vậy thì điều gì in đậm trong tâm trí tác giả nhất?”, “Công trình kiến trúc hay địa danh nào thú vị nhất?”... Thậm chí, có độc giả tinh ý phát hiện trong những lần nhẹ bước lãng du như vậy luôn có người bạn đời Trần Kim Liên của tác giả - người chụp nhiều bức ảnh đăng kèm tăng phần sống động cho các bài viết - thì có thể gọi mỗi chuyến đi là một chuyến trăng mật hay không? Tác giả cuốn sách hóm hỉnh cười và thừa nhận những địa danh đã có dịp đến thì chỗ nào cũng ham, chỗ nào cũng thích, trong tâm thế của một người đi đâu cũng tìm chuyện vui, không chỉ quan sát cảnh đẹp mà còn thưởng thức cả nền văn hóa nơi dừng chân.

Giao lưu, kể những trải nghiệm thú vị trong những lần nhẹ bước lãng du với bạn đọc.

Nhưng điều đặc biệt là những trải nghiệm không dừng lại ở cảm xúc, mà còn là lượng kiến thức ngồn ngộn trong mỗi bài viết, thể hiện tâm thế một người thích khám phá, đào sâu kiến thức và làm giàu cho những trang viết của mình. Vì vậy có những bài nghe tiêu đề cứ ngỡ là chuyện ẩm thực nhưng nội dung không chỉ có vậy. Từ Napa thung lũng nổi tiếng nhất về rượu vang của Mỹ hay dòng sông có tên Nga trên đất nước cờ hoa, sau cái lưỡi nếm trải thức ngon là đôi mắt quan sát tinh tế, đôi tai thính nhạy và tâm hồn thổn thức trước những câu chuyện, những con người cụ thể để có những thông tin sống động về rượu vang kể lại cùng bạn đọc.

Vì vậy, cũng nếm rượu vang trên non cao, ông khám phá ra vườn nho Thomas Fogarty nằm trên đại lộ Skyline thuộc Woodside ở độ cao 700m. “Tôi ngờ ngợ “tên quen quá!”. Ðúng là tiền bối lừng lẫy của tôi đây mà. Ông đã phát minh ống thông Fogarty hơn 50 năm trước để giúp điều trị chứng cục máu đông trong mạch máu dễ gây chết người. Ðang dạy ngoại khoa ở đại học Stanford, Thomas Fogarty làm quen nghề rượu vang, mua đất ở rẻo cao Santa Cruz trồng nho từ năm 1978. Một động cơ thôi thúc bậc sư phẫu thuật mạch máu: “Có vài yếu tố trong chất chiết xuất từ vỏ trái nho làm mạch máu mềm đi và giúp giảm nguy cơ máu đóng cục” - tác giả kể.

Cuốn sách ghi nhận các chuyến nhẹ bước của tác giả, lãng du ở phương Tây, bắt đầu từ Hy Lạp hay các nước phương Đông xuất hành từ Trung Quốc. Bao cảm khái khi đến lưng chừng núi Parnassus viếng thánh địa Delphi thờ Apollo - thần Ánh sáng, thần Thi ca, âm nhạc cổ Hy Lạp xưa. Rồi lên đỉnh Acropolis của thành phố Athens, bồi hồi trước đền Parthenon thờ nữ thần Athena. Rồi cảm phục nghệ nhân điêu khắc thần thánh Michelangelo đã khắc họa vua David làm biểu tượng cho thành phố Florence. Để rồi máu nghề trỗi dậy: “là bác sĩ phẫu thuật, mắt tôi cứ vuốt ve các đường nét của tượng David khổng lồ”... Rồi ngắm hoa anh đào ở Mỹ, đến Trung Quốc tìm tới Trường An xưa...

Nhưng rồi đi thật xa như vậy để trở về: “Đi đó đi đây rồi càng thấy đậm tình với quê nhà”. GS. Nguyễn Chấn Hùng thừa nhận, lớn lên trên dòng kinh Thủ Thừa, rồi ngụp lặn trên dòng sông Tiền khi học ở Mỹ Tho, thành thử cứ mỗi dịp về miền Tây ông cứ thích tìm đến bến bờ, đi qua những cây cầu hay xuôi dòng nước tưới tắm cho những ký ức đẹp sông quê. Ở đấy, ông thấy đời mình như cụm lục bình dặt dìu trôi. An nhiên tự tại...

GS-BS. Nguyễn Chấn Hùng ký tặng sách cho độc giả mến mộ sau buổi giao lưu tại Đường sách.

Có bạn đọc nhận xét đọc sách thấy GS. Nguyễn Chấn Hùng có hai con người: con người bác sĩ và con người nghệ sĩ, là nhà văn. Bạn đọc cũng hỏi cuốn sách chắc hẳn không chỉ là những bút ký ghi lại trải nghiệm mỗi hành trình, tác giả muốn gửi thông điệp gì sau mỗi trang viết. GS. Nguyễn Chấn Hùng nói vui: “Có gửi gắm gì đâu, do các bạn báo thúc thì viết và có vốn liếng gom lại mới ra cuốn sách này”.

Nói vậy, nhưng nếu gói gọn, niềm mong muốn của ông là vui khi được kể, say mê chia sẻ kiến thức với mọi người. Ông khuyên mọi người hướng tới cuộc sống tích cực, thời đại bây giờ đi du lịch dễ quá, sao không đi? Nơi nào cũng hay cả, sao không học? Sống vui, lạc quan thì sống khỏe. Chẳng phải thông điệp này ông đã đúc kết và nhắc nhớ nhiều lần với mọi người đó sao:

Ung thư biết sớm trị lành
Ăn lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui!

Bài và ảnh: Trung Dũng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/lang-du-that-xa-de-tro-ve-16384.html