Làng dưới chân núi Mè

Có một ngôi làng tựa lưng vào núi Mè, người cao tuổi ở đây gọi là làng Nước Min, thuộc xã Sơn Mùa (Sơn Tây). Làng nằm ở lưng chừng dốc, soi bóng xuống dòng sông Rin, được xem như một ngôi làng kiểu mẫu của đồng bào Ca Dong.

Du khách có dịp đi trên đường Đông Trường Sơn, ngang qua trung tâm huyện Sơn Tây, nhìn về phía đông chừng 500m sẽ bắt gặp ngôi làng này. Những nếp nhà sàn không còn cổ xưa như thuở lập làng, đường dẫn vào các lối ngõ không còn gồ ghề đá núi như thuở cha ông khai sơn phá thạch, nhưng bếp lửa giữa nhà của người Ca Dong thì chưa bao giờ lụi tắt, những làn điệu dân ca, những câu chuyện cổ luôn biết cách trú ngụ trong ký ức của lớp người già... Người Ca Dong ở Nước Min thoát khỏi những định kiến xưa cũ, lạc hậu để tiếp cận với thế giới văn minh nhưng vẫn giữ được cốt cách của dân tộc mình.

Học làm lúa nước

Già làng Đinh Ka La, một nghệ nhân nổi tiếng ở làng Nước Min, chỉ vào góc nhà, nơi có nhiều chiếc bao tải căng tròn, nói: “Lúa nước đấy!”. Hàng chục bao tải lúa, dễ có đến cả tấn, nằm lẫn với chiêng và các nhạc cụ của người Ca Dong. Với đồng bào thiểu số ở vùng cao, chỉ quen với việc chọc lỗ tỉa lúa trên các sườn đồi, làm được chừng ấy lúa nước là điều không dễ. Họ đã nhanh chóng tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong canh tác cây trồng, chẳng hạn như biết làm những con mương thủy lợi để dẫn thủy nhập đồng, chủ động nguồn nước không để cây lúa khô hạn, sử dụng phân chuồng từ gia súc, gieo sạ theo phương pháp mới, làm cỏ, dặm lúa và thu hoạch bằng máy...

Ruộng lúa nước của đồng bào Ca Dong, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây). Ảnh: ĐĂNG VŨ

Tất cả những hình thức kể trên không phải một sớm một chiều có được, mà phải trải qua một quá trình học tập kinh nghiệm canh tác cây lúa nước của người Kinh và từ mô hình do những nông dân trẻ tuổi đảm nhận. Anh Đinh Bình, một thanh niên trong làng nói rằng, với đồng bào dân tộc thiểu số, họ không thích nghe những lời dông dài mà nhìn vào cái cụ thể. Những nông dân ở tuổi thanh niên, họ tiếp thu cái mới rất nhanh và “làm mẫu” để cả làng làm theo. Hiệu quả từ cây lúa nước đã thấy rõ, giúp người dân đảm bảo lương thực, ổn định cuộc sống, thu hẹp dần diện tích lúa rẫy, gián tiếp hạn chế việc đốt nương, bảo vệ môi trường, giữ màu xanh cho cả vùng.

Cuộc "cách mạng" về môi trường

Tôi hỏi ông Đinh Ka La về con đường bê tông sạch đẹp chạy xuyên ngôi làng có từ khi nào? Ông nói rằng không nhớ cụ thể nhưng cũng khá lâu rồi, kể từ khi chương trình bê tông nông thôn bắt đầu hơn chục năm nay. Một điều rất khác lạ so với những làng mà tôi đã từng ghé qua là, tuyệt không thấy bóng dáng của các loại gia súc lởn vởn dưới chân các nhà sàn. Vì thế, đường làng sạch sẽ như thể được quét dọn thường xuyên. Những ngôi nhà sàn được làm khá kỳ công, nép mình bên những luống hoa được gia chủ tỉa tót công phu.

Các gia đình ở làng Nước Min, xã Sơn Mùa, mua sắm bồn chứa nước sạch phục vụ sinh hoạt. Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Sở dĩ không có bóng dáng gia súc dưới chân nhà sàn - điều thường thấy ở các ngôi làng của đồng bào thiểu số vùng cao, là do chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động mỗi gia đình phải làm chuồng cho gia súc ngoài rẫy và nhốt chúng ngoài ấy. Gia súc sống tách biệt với khu dân cư nên đường làng luôn sạch sẽ, không nghe mùi của các loại chất thải từ gia súc là vậy.

Làng Nước Min còn làm một cuộc “cách mạng” về nước sạch. Đến ngôi làng này, mọi người sẽ không còn chứng kiến cảnh mỗi chiều về, người dân ra suối tắm rồi để nguyên quần áo ướt như thế đi về nhà, tay xách theo can nước hoặc gùi những lu nước trĩu vai như ở các làng khác. Cứ vài ba gia đình chung tiền lại mua một bồn nước chừng 3, 4 khối, đặt trên những trụ bê tông vững chãi, dẫn nước từ các ngọn suối ở lưng chừng núi về. Nước từ bồn được dẫn theo đường ống về tận nhà các hộ dân. Nhiều gia đình còn làm nhà vệ sinh tự hoại. Có thể nói cuộc "cách mạng" về môi trường đã mang lại vẻ đẹp cho Nước Min, rất thông thoáng, sạch đẹp.

Vượt qua những lối mòn

Lối mòn ở đây không chỉ là con đường làng từng in dấu chân của bao thế hệ người Ca Dong nay được thay bằng đường bê tông, mà còn là cách vượt qua những nếp nghĩ xưa cũ. Có 4 bác sĩ, 4 thạc sĩ là con em của đồng bào Ca Dong nơi đây đang công tác ở trong và ngoài tỉnh là điều mà không phải ngôi làng nào của người Ca Dong cũng có được. Bước qua lối mòn của làng để đặt chân trên những đại lộ tri thức, đó là cách mà người Ca Dong đã và đang thực hiện.

Đồng bào Ca Dong ở làng Nước Min, xã Sơn Mùa luôn ý thức giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống. ẢNH: ĐĂNG VŨ

Từ biệt những lối mòn còn được thể hiện trong việc cưới, việc tang. Hôm tôi tình cờ ghé lại ngôi làng này thì chứng kiến cùng lúc hai đám tang. Rất khác với những đám tang ở nhiều ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao là để người chết tại nhà trong nhiều ngày, mổ trâu, mổ heo phục vụ khách, người Ca Dong dưới chân núi Mè chỉ để người chết đúng một ngày cho người thân, họ hàng ở các làng lân cận đến viếng rồi chôn cất.

Nhìn cái cách “chia của” cho người quá cố của người Ca Dong và lời bái biệt giữa người sống với người vừa mới qua đời cho thấy sự hợp lý và không kém phần văn minh. Chỉ riêng việc tất cả những người đưa tang trồng quanh mộ người quá cố mỗi người một cây cau, một cây quế, một cây chè và một cây bất kỳ nào đó mà người sống muốn “tặng” cho người quá cố đủ để thấy cái cách gây dựng những cánh rừng tương lai.

Thế hệ trẻ trong làng Nước Min hôm nay tay cầm điện thoại thông minh lướt web để xem tin tức, để chia sẻ niềm vui cùng bè bạn ở khắp nơi và họ vẫn đi học đánh chiêng hằng tuần, học chơi các loại nhạc cụ của dân tộc mình mà ngỡ chỉ còn trong ký ức của cha ông họ. Từ bỏ những thứ lạc hậu nhưng không quên những gì được xem là tinh hoa của dân tộc mình, đấy là nét đẹp của người Ca Dong ở ngôi làng kiểu mẫu này.

TRẦN ĐĂNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2481/202303/lang-duoi-chan-nui-me-3159006/