Làng hoa đầu tiên ở Đà Lạt có tên là gì?

Đà Lạt (Lâm Đồng) từ lâu được biết đến là thành phố ngàn hoa thơ mộng. Nơi đây có các làng hoa nổi tiếng, lễ hội hoa hấp dẫn cùng nhiều tuyến đường mang tên những loài hoa độc đáo.

1. Làng hoa đầu tiên ở Đà Lạt có tên là gì?

Làng hoa Hà Giang
Làng hoa Hà Tĩnh
Làng hoa Hà Đông
Làng hoa Hà Tiên

Đà Lạt là một trong những vùng đất trồng hoa lớn nhất Việt Nam, có nhiều làng hoa nổi tiếng. Trong đó, làng hoa Hà Đông thuộc phường 8, TP Đà Lạt ngày nay đã được công nhận là làng hoa đầu tiên của xứ sở sương mù, có ý nghĩa lịch sử trên bước đường khai mở nghề trồng hoa nức tiếng của địa phương. Ảnh: Văn Báu.

2. Ấp Hà Đông, tiền thân của làng hoa đầu tiên ở Đà Lạt thành lập từ năm nào?

1928
1938
1948
1958

Theo Địa chí Đà Lạt, ấp Hà Đông xưa thành lập năm 1938, bắt nguồn từ chủ trương di dân lập ấp của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, Quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý và Thương tá Canh nông Hà Đông Lê Văn Định. Lúc bấy giờ, người dân từ các làng hoa ven hồ Tây thuộc tỉnh Hà Đông cũ, nay là Hà Nội, vào Đà Lạt khai hoang, mở rộng sản xuất rau, hoa... Trong ảnh là một góc phòng lưu niệm truyền thống của làng hoa Hà Đông, lưu giữ nhiều hình ảnh, kỷ vật theo thời gian. Ảnh: Thu Hiền.

3. Ngoài làng hoa Hà Đông, Đà Lạt còn có những làng hoa nào?

Làng hoa Thái Phiên
Làng hoa Vạn Thành
Làng hoa Xuân Thành
Tất cả các làng hoa trên

Ngoài Hà Đông, làng hoa ra đời đầu tiên trên miền đất cao nguyên sương mù, Đà Lạt còn có nhiều làng hoa nổi tiếng khác như làng hoa Thái Phiên (phường 12), làng hoa Vạn Thành (phường 5), làng hoa Đa Thiện (phường 8), làng hoa Xuân Thành (xã Xuân Thọ). Các làng hoa này đều được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là làng nghề truyền thống. Một số làng hoa hiện là điểm đến hút khách ở Đà Lạt. Ảnh: @nydyourfriend.

4. Festival Hoa Đà Lạt được tổ chức định kỳ mấy năm một lần?

Định kỳ hàng năm
Định kỳ 2 năm một lần
Định kỳ 3 năm một lần
Định kỳ mỗi năm 2 lần

Festival Hoa Đà Lạt là lễ hội văn hóa - du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế, được tổ chức định kỳ 2 năm một lần. Diễn ra lần đầu vào năm 2005, qua 7 mùa lễ hội, đến nay sự kiện này đã trở thành một "thương hiệu" riêng của thành phố ngàn hoa Đà Lạt. Festival Hoa Đà Lạt gần đây nhất diễn ra năm 2017 với chủ đề ''Hoa Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành". Ảnh: Hà Hữu Nết.

5. Đà Lạt được chính thức công nhận danh hiệu "Thành phố Festival Hoa Việt Nam" từ năm nào?

2012
2014
2016
2018

Từ năm 2012, Đà Lạt chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận là "Thành phố Festival Hoa Việt Nam". Danh hiệu này góp phần khẳng định, tôn vinh những thế mạnh về ngành hoa và du lịch của thủ phủ hoa cả nước. Festival Hoa Đà Lạt luôn là sự kiện hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách mọi nơi. Ảnh: Hà Hữu Nết.

6. Loài hoa nào sau đây được đặt tên cho một con đường ở Đà Lạt, đi qua nhiều điểm du lịch nổi tiếng?

Kèn hồng
Sử quân tử
Mai anh đào
Điệp vàng

Tại Đà Lạt có hẳn một con đường mang tên Mai Anh Đào dài khoảng 1,5 km, đi qua các điểm du lịch nổi tiếng như Đồi Mộng mơ, Thung lũng Tình yêu, XQ Sử quán... Tên đường được đặt năm 2002. Mỗi độ xuân về, thành phố sương mù Đà Lạt lại bừng lên sắc hồng thơ mộng của mai anh đào, tạo nên một nét đặc trưng riêng có, quyến rũ du khách mọi nơi. Ảnh: @ngan.meoow.

7. Một số tuyến đường chính trong khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm ở Đà Lạt mang tên những loài hoa nào?

Hoa hồng, hoa cẩm tú cầu
Hoa hoàng anh, hoa tường vi
Hoa phượng tím, hoa đỗ quyên
Tất cả các loài hoa trên

Góp phần tôn vinh hoa Đà Lạt, gây ấn tượng với du khách, những con đường chính trong khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm vòng quanh hồ, nối các resort ở đây… được mang tên các loài hoa nổi tiếng như hoa hồng, hoa cẩm tú cầu, hoa hoàng anh, hoa tường vi, hoa phượng tím, hoa đỗ quyên. Cả 6 loài hoa này đều phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Đà Lạt, trở thành hình ảnh đặc trưng của thành phố. Ảnh: @huutrong.tran.

Ngẩn ngơ ngắm phượng tím mộng mơ nở cả góc trời Đà Lạt Tháng 3 về, phượng tím bắt đầu nở rực rỡ khắp đất trời Đà Lạt (Lâm Đồng), quyến rũ các tín đồ ưa xê dịch từ khắp mọi miền ghé thăm.

Song Phúc

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/lang-hoa-dau-tien-o-da-lat-co-ten-la-gi-post928448.html