'Lắng lại' để hiểu hơn câu chuyện 'Made in'…

Chúng ta đang mặc định, xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng được hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tại Việt Nam, mà 'quên' quy tắc chuyển đổi mã số HS.

Bà Trần Thị Thu Hương - Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (VCCI), đã trao đổi như vậy với DĐDN về câu chuyện xuất xứ hay “Made in” nhìn từ câu chuyện của Asanzo.

- Bà đánh giá thế nào về vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhìn từ câu chuyện Asanzo?

Sự việc của Asanzo cần bình tĩnh xử lý, vì nếu không sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sai đến đâu thì xử lý đến đấy, ví dụ doanh nghiệp nhập linh kiện về Việt Nam sau đó bóc đi là sai. Tuy nhiên, cũng nên tìm hiểu lý do vì sao phải bóc đi? Làm như vậy để làm gì? Mọi thứ cần làm bài bản, thận trọng, công khai, minh bạch để doanh nghiệp “tâm phục, khẩu phục”, không thể “đánh úp” doanh nghiệp khi chưa có kết quả điều tra cụ thể.

- Bà có thể phân tích cụ thể về quy tắc xuất xứ hàng hóa?

Trong quy tắc xuất xứ hàng hóa có quy tắc tỷ lệ phần trăm và chuyển đổi mã hàng hóa (HS). Nếu sản phẩm có 2 sự lựa chọn, bao giờ Trung tâm cũng tư vấn doanh nghiệp nên ưu tiên áp dụng quy tắc chuyển đổi HS. Vì quy tắc này dễ sử dụng, minh bạch và rõ ràng. Có một điểm doanh nghiệp cần lưu ý, trước khi áp dụng quy tắc xuất xứ bao giờ sản phẩm đó cũng phải vượt qua được giai đoạn gia công đơn giản.

Đối với chuyển đổi HS, quy tắc này cho phép doanh nghiệp nhập khẩu 100% nguyên liệu, linh kiện từ nước ngoài về Việt Nam để sản xuất, gia công tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh. Với quy tắc tỷ lệ phần trăm, chỉ cho phép doanh nghiệp sử dụng một tỷ lệ phần trăm nhất định trong cơ cấu giá thành của sản phẩm. Ví dụ, hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tại Việt Nam phải trên 30%. Như vậy, nếu doanh nghiệp sử dụng trị giá nguyên phụ kiện nhập khẩu trên 70% là không đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa.

- Nhưng vấn đề ở đây là hầu hết người Việt thường mặc định trong suy nghĩ sản phẩm có xuất xứ phải có hàm lượng đạt tỷ lệ nội địa hóa giá trị gia tăng bao nhiêu phần trăm, mà “quên” quy định chuyển đổi HS, thưa bà?

Trong Nghị định 31/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa, hoặc là nơi thực hiện các công đoạn gia công, chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước hay vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó. Và Thông tư 05/2018/TT-BCT đều đưa ra 2 quy định để cho doanh nghiệp lựa chọn, đó là quy tắc hàm lượng giá trị gia tăng 30% và quy tắc chuyển đổi HS. Quy tắc chuyển đổi HS có 3 loại chuyển đổi. Thứ nhất, chuyển đổi chương CC2 (chuyển đổi mã số HS 2 số). Thứ hai, chuyển đổi CTH (chuyển đổi mã số HS 4 số). Thứ ba, chuyển đổi CTSH (chuyển đổi mã số HS 6 số).

Tại sao hàng chục năm nay vẫn chưa đưa ra được quy định cụ thể thế nào là sản phẩm có xuất xứ, “Made in”? Việc này “dành” cho các cơ quan quản lý nhà nước...

Như vậy, chúng ta đang quên quy tắc về chuyển đổi mã số HS, mà chỉ mặc định quy tắc hàm lượng giá trị gia tăng, và cho rằng nếu một doanh nghiệp nào đó nhập khẩu toàn bộ những linh kiện từ nước ngoài về sản xuất gia công tại Việt Nam thì sản phẩm đó sẽ không đáp ứng được quy định về quy tắc xuất xứ.

- Doanh nghiệp sẽ phải hiểu quy tắc chuyển đổi HS như thế nào, thưa bà?

Quy tắc này cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu 100%, miễn sao 1 trong 4 số thay đổi hoặc 1 trong 6 số mã số HS của sản phẩm thay đổi, là sản phẩm thỏa mãn được quy định về quy tắc xuất xứ.

Nhưng muốn đáp ứng được quy định này, doanh nghiệp phải vượt qua hoạt động gia công đơn giản. Nếu doanh nghiệp chỉ nhập linh kiện về Việt Nam để gá lắp đơn giản các bộ phận và sử dụng “công nghệ” tuốc – lơ - vít thì không đáp ứng được khâu gia công đơn giản.

- Còn với “Made in” và xuất xứ thì sao, thưa bà?

Việc này “dành” cho các cơ quan quản lý nhà nước. Vì tại sao hàng chục năm nay vẫn chưa đưa ra được quy định cụ thể thế nào là sản phẩm có xuất xứ, “Made in”. Việc kéo dài này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, vì không có quy định cụ thế nên doanh nghiệp không biết làm theo hướng nào, việc làm đó đúng hay sai… Nếu có quy định cụ thể thì doanh nghiệp sẽ biết cách không vi phạm pháp luật.

Vì chưa có quy định rõ ràng và cụ thể khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong việc làm đúng pháp luật. Việc này đã xảy ra với nhiều doanh nghiệp khác trong thời gian qua như vụ Con Cưng, Khaisilk...

Và việc này chắc chắn chưa dừng lại, nếu không làm rõ để doanh nghiệp hiểu thế nào là “Made in”, “product of”… đây là những quy định pháp lý rất cơ bản giúp cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý liên quan có cơ sở nhận định, đánh giá.

- Bà có đề xuất gì để tháo gỡ những vướng mắc này?

Theo tôi, cần sớm ban hành văn bản hay những quy định cụ thể về cách hiểu, cách sử dụng nhãn mác. Hoặc tìm hiểu thêm quy định từ các nước trên thế giới như thế nào là xuất xứ, Made in…để những quy định của Việt Nam phù hợp với pháp luật các nước trên thế giới. Vì Việt Nam đã hội nhập, bên cạnh đó hàng hóa sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu, sản phẩm không còn ấn định có xuất xứ tại một quốc gia, mà có thể là xuất xứ toàn cầu.

- Xin cảm ơn bà!

Nguyễn Việt thực hiện

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/lang-lai-de-hieu-hon-cau-chuyen-made-in-152808.html