'Lẳng lặng mà nghe - Cái vè thằng nhác...'

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 2.2016, do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội công bố ngày 17.8 thì cả nước có hơn 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó các nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất là nhóm “trình độ đại học trở lên” (191,3 nghìn người)...

Hôm mới rồi, đang ngóng xe ôm ở đầu phố thì một bác đi xe Lead có nửa sau phình ra như phao câu bọ ngựa tà tà ghé lại và hỏi: “Đi xe ôm “xịn” không chú?”. Nghe bác hỏi, thấy vui vui, tôi nói điểm đến, hỏi giá cả. Bác bảo lên xe tính sau. Đội mũ bảo hiểm và ngồi lên xe là tôi hỏi chuyện bác. Hóa ra bác đã về hưu, con cái đã lớn, ở nhà buồn chân buồn tay thi thoảng bác ra đường làm cuốc, chơi nhiều hơn kiếm tiền. Lúc xuống xe tôi hỏi bác tiền xe, bác bảo chú đưa bao nhiêu thì đưa. Đúng là khó, làm sao tôi biết giá. Rốt cuộc bác nói: “Chú đưa tôi 10 nghìn tiền xăng”. Ngại quá, tôi đưa bác 15 nghìn. Bác cười, nhận tiền, tà tà phóng đi! Tương tự là hai anh bạn vong niên của tôi, con cái đã yên bề.

Vợ một anh mở hàng bán bún chả, và việc hằng ngày của anh là sáng dậy pha hai thùng nước chấm rồi rong chơi đến tối. Một anh có ngôi nhà ba tầng bên con phố buôn bán sầm uất. Anh cho thuê tầng một. Có lần tôi ghé qua, thấy mới 9 giờ sáng mà vợ chồng anh đã ngồi chơi tá lả. Bẵng một thời gian, chỉ trước sau ít ngày, hai anh thông báo đi làm bảo vệ, cuối tuần hãy đến chơi. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, hai anh đều giải thích: ngồi nhà chán quá, phải có việc gì làm cho người đỡ ỳ, lại được hưởng hơi thở từ cuộc sống. Tuy vậy hằng ngày trước khi đi làm, một anh vẫn phải pha hai thùng nước chấm, rồi muốn bảo vệ ở đâu thì đi!

Nghĩ về những người lớn tuổi đã đến lúc được thoải mái nghỉ ngơi, cuộc sống thì không đến nỗi nào, mà vẫn ngứa chân ngứa tay muốn làm việc, tôi nghĩ đến một chuyện không nhớ đã đọc ở đâu hoặc là nghe ai kể. Chuyện rằng buôn làng nọ tổ chức xét xử anh A trộm nhẫn vàng, anh B trộm xe điếu. Sau khi bên nguyên, bên bị trình bày rành rẽ về sự việc trước cộng đồng, già làng quyết định phạt anh B trộm xe điếu cao hơn anh A trộm nhẫn vàng. Vì theo già làng, nhẫn vàng là đồ quý hiếm, vì không có nên anh A phải ăn trộm; còn xe điếu là thứ đồ vật bình thường, ai cũng có thể tự làm cho mình, mà anh B không chịu làm, nên phải phạt cao hơn! Lập luận của già làng thoạt nghe có vẻ trái khoáy, thậm chí là buồn cười, nhưng ngẫm kỹ ra thì già làng có lý của ông và tôi coi cái lý đó cũng không kém xác đáng. Vì khi đề cập tới các đồ vật, chúng ta thường xem xét, dựa trên giá trị kinh tế để đo đếm, tất cả quy ra tiền, như vậy thì cái nhẫn vàng có giá trị hơn cái xe điếu, và người trộm đồ vật có giá trị cao hơn phải bị phạt cao hơn. Nhưng già làng lại tiếp cận vấn đề từ góc độ khác, là thái độ lao động. Một việc quá đơn giản để làm ra sản phẩm là cái xe điếu mà anh B không chịu làm, lại đi ăn cắp, thì đúng là phải phạt nặng hơn!

Thế hệ chúng tôi hầu như lớn lên cũng đều nhập ngũ. Sau chiến tranh, kẻ còn người mất. Người còn sống trở về lập tức lao vào cuộc mưu sinh. Người học nghề để làm thợ. Người về quê với con trâu, cái cày. Người vừa làm vừa ôn tập cố gắng thi đại học. Một số anh học nốt thời gian bỏ dở ở đại học trước khi nhập ngũ. Chỉ anh nào nhà có điều kiện mới có khả năng bỏ ra một hai năm chuẩn bị thi cử, học hành kiếm cái bằng kỹ sư, cử nhân,… Nhưng dù làm thợ hay có bằng đại học và làm ở cơ quan nào thì hầu như ai cũng chăm chỉ làm việc.

Và tôi kính trọng mấy anh bạn mở xưởng sửa chữa ô tô, mở cửa hàng sửa chữa xe máy mà hễ bạn bè nhắc đến công việc của các anh là tôi khẳng định: “Làm được thợ như nó thì tao bó tay!”. Tay nghề của mấy anh cao đến mức nào thì tôi chưa biết, chỉ riêng việc nghe tiếng máy nổ khọt khẹt, hay gõ mấy nhát vào chỗ nào đó là phát hiện chính xác xe bị “bệnh” gì là tôi đã phục lăn. Làm có uy tín nên công xưởng, cửa hàng của các anh luôn nườm nượp khách hàng. Việc nhiều, có thu nhập cao, kinh tế gia đình khá giả, mà lần nào gặp tôi cũng thấy các anh lấm lem dầu mỡ. Nhìn bạn lúc chạy ra lúc lại chạy vào, hoặc hì hục vặn vặn chỉnh chỉnh, chỉ bảo mấy chú thợ sửa cái này, nắn cái kia, lúc cáu sườn lại quát tháo oang oang,… tôi buồn cười nhưng khoái, vì biết bạn yêu nghề lắm mới được như thế. Nếu không yêu nghề không thể trở thành thợ giỏi, chưa chắc cái bằng đại học cánh tôi sắm được có thể đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống như tay nghề của các anh.

Thực ra tôi viết bài này không phải để biểu dương mấy bác lớn tuổi nhưng vẫn ham lao động, mà vì tôi mới biết kỹ hơn về một hiện tượng theo tôi là kỳ lạ. Đó là việc sinh viên ra trường thất nghiệp không chỉ xảy ra ở miền xuôi, mà đã xảy ra tại các tỉnh miền núi. Theo một bài báo, ở Lào Cai “6 nghìn sinh viên của tỉnh tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, thậm chí là sau đại học đang không có việc làm”; huyện Mù Cang Chải (Yên Bái): “có khoảng hơn 200 em sinh viên ra trường không bố trí được việc”, lãnh đạo huyện tính đến mấy khả năng để giải quyết, trong đó “có một nhà máy may gần đây, huyện làm việc để đưa một số sinh viên thất nghiệp về làm công nhân”. Với hiện tượng này, ông Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Lào Cai phân tích rằng: “Học nghề không giống như học chuyên nghiệp, học chuyên nghiệp là cứ phải xem xem ngồi ở vị trí phòng nọ phòng kia, sở này sở khác.

Thế nhưng học nghề, ngoài việc làm ở nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ ra thì người ta có thể mở một cửa hàng ở nhà, vay vốn ngân hàng mở mô hình kinh tế hộ để phát triển sản xuất là có việc làm rồi. Rất nhiều em trong quá trình học sẽ thể hiện được năng lực của mình nên ngay từ khi tốt nghiệp ra trường chúng tôi đã có thể đánh giá có bao nhiêu em được đi làm”. Và bài báo đưa ra thí dụ thú vị về một chú người dân tộc Tày, từng tốt nghiệp một trường đại học ở Hà Nội. Ra trường không xin được việc, chú về quê và tiếp tục thi vào một khóa đại học tạị chức cho người vừa học vừa làm, ngày đi bốc vác thuê kiếm tiền, tối đến lớp. Được ba năm thì tiền công đi làm, tiền trả vay nợ khóa học đại học trước đó không còn gánh nổi, chú xin bảo lưu rồi đăng ký học nghề điện. Từ đó đến nay, cùng với việc học chú làm lại thêm như sửa chữa thuê cho các công ty, các gia đình, số tiền kiếm được cũng khá hơn trước.

Tất nhiên không thể từ chuyện của một địa phương, một con người để suy ra trên phạm vi rộng. Nhưng quả thật là hiện tượng bài báo đề cập thực sự đã và đang là vấn đề của xã hội. Chí ít, theo Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 2.2016, do Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội công bố ngày 17.8 thì cả nước có hơn 1,088 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó các nhóm có số người thất nghiệp nhiều nhất là nhóm “trình độ đại học trở lên” (191,3 nghìn người), “cao đẳng chuyên nghiệp” (94,3 nghìn người), “trung cấp chuyên nghiệp” (59,1 nghìn người).… Cho nên, dẫu không đồng tình với cách đặt vấn đề và giọng văn bài viết của vị Giám đốc Gemslight Company Ltd đăng trên trang mạng nọ, tôi vẫn đồng tình với điều người này đã viết: “Bằng đại học chỉ là khởi đầu, nếu bạn không có trách nhiệm với bản thân và chịu khó lao động thì thất nghiệp là lỗi do bạn… Thế giới này không có chỗ đứng cho những kẻ lười biếng mà còn bảo thủ… Biết nấu ăn hãy nấu cho ngon, nấu cả ngày, nấu cả đêm, đọc sách nấu ăn, nấu thật nhiều để rồi một ngày khách sạn 5 sao cũng phải tìm đến… Biết bưng bê nhà hàng thì bưng đi, bưng giỏi vào, bưng bằng ba ngón tay thôi, học cách vừa bưng vừa lắc đi, học cách bưng đi cầu thang bộ đi. Để nhà hàng 5 sao phải săn đón và rước như rước người nổi tiếng”!

Một mùa tuyển sinh đại học sắp qua. Và liệu rồi đây, lại có bao nhiêu bậc cha mẹ phải nai lưng kiếm tiền, phải vay mượn ngân hàng,… để con có tiền học đại học, mà sau bốn năm, chưa biết liệu cha mẹ và con cái có còn vất vả tiếp hay không. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, tấm bằng đại học và ước mơ đổi đời là chính đáng. Nhưng tấm bằng đại học không phải là nền tảng duy nhất đưa tới sự đổi đời. Vấn đề là hướng nghiệp cho các em như thế nào, xác định thái độ lao động cho các em ra sao. Về điều này, tôi nghĩ có lẽ trước hết bắt đầu từ gia đình, từ trách nhiệm của cha mẹ khi giúp con chuẩn bị các tiền đề cho tương lai. Tôi coi là cha mẹ giúp chứ không chiều chuộng, không làm thay, không áp đặt ý muốn. Mà khi đã xác định thái độ lao động nghiêm túc, thì cuộc mưu sinh có thể mở ra nhiều hướng lựa chọn, không nhất thiết chỉ có trường đại học. Mọi nghề nghiệp đều đáng quý nếu mỗi người trân trọng và xác định thái độ lao động nghề nghiệp nghiêm túc. Lại nhớ bài: “Lẳng lặng mà nghe - Cái vè thằng nhác-Trời đã phú thác -Tính khí anh ta -Thuở còn mẹ cha - Theo đòi thư sự - Cho đi học chữ - Nhiều chữ ai vay? - Cho đi học cày - Rằng nghề ở tớ - Cho đi học thợ - Bảo nghề ấy buồn - Cho đi học buôn - Ấy nghề ngồi chợ -Việc làm tránh chớ - Chỉ biết ăn chơi - Cha mẹ qua đời - Không ai cấp dưỡng - Dáng đi vất vưởng - Như thể cò hương - Cô bác xót thương - Kêu cho nắm gạo - Bỏ mồm trệu trạo - Sợ nấu mất công - Chết rũ giữa đồng - Rồi đời thằng nhác” mà tôi đã học từ thời còn nhỏ, vẫn nhớ đến bây giờ?

NH - 8/2016
Nguyễn Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/lang-lang-ma-nghe---cai-ve-thang-nhac/120374