Lặng lẽ đêm giao thừa

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, mà bất cứ người dân nào cũng mong muốn có được để quây quần bên gia đình. Thế nhưng vì nhiệm vụ, vì công việc mà đã có nhiều người âm thầm làm việc xuyên đêm giao thừa. Trong đó, phải kể đến những lao công (Công ty Cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Bình Thuận), những người lặng thầm làm việc để thành phố Phan Thiết ngày một xanh - sạch và đẹp hơn.

Đêm 30 Tết, không khí xuân đã gõ cửa từng nhà, từng con phố. Đi cùng với không khí nhộn nhịp, rộn ràng đó là rác hiện diện khắp mọi nơi. Đây cũng là lẽ tất nhiên, bởi cuối năm là dịp tất cả người dân dọn dẹp nhà cửa vì thế mà rác trở lên quá tải. Chính vì vậy mà công việc quét dọn, thu gom rác của các anh, chị em công nhân Công ty Cổ phần môi trường và dịch vụ đô thị Bình Thuận cũng trở nên vất vả, mệt nhọc hơn.

Những hình ảnh bắt gặp trong đêm giao thừa

18 năm làm nghề, chị Lê Thị Nhị, công nhân Công ty Cổ phần môi trường và Công trình đô thị Bình Thuận không còn nhớ đã có bao nhiêu năm chị đón giao thừa trên những tuyến đường của TP. Phan Thiết. Năm nay cũng vậy, chị bắt đầu công việc ca đêm 30 Tết vào 21h và dự kiến sẽ kết thúc vào 4h sáng ngày hôm sau (tức mùng 1 tết). Giữa con phố, dáng người nhỏ, thế nhưng chiếc xe thô sơ chất đầy rác cứ được chị Nhị di chuyển một cách nhanh nhẹ. Chị cho biết, công việc làm sạch, đẹp những tuyến đường để thành phố trở nên sạch đẹp hơn chính là điều mà bản thân chị và các đồng nghiệp luôn tâm niệm. Chính vì vậy mà dù vất vả, mệt nhọc thế nào chị cũng phải cố gắng. “Em nghĩ xem, tết đến xuân về, bản thân mình mong muốn ngôi nhà của mình sạch, đẹp thì cũng giống như việc mọi người cũng mong đường phố sạch đẹp để đón năm mới. Do đó có cực khổ, thiệt thòi hơn một chút thì bản thân mình cũng góp phần làm cho mùa xuân thêm tươi đẹp”, chị Nhị nói.

Chị Nhị và chị Thảo tranh thủ nghỉ ngơi một chút

Chung ê kíp với chị Nhị có thêm chị Phan Thị Mai Thảo. Vừa quét không ngơi tay, lâu lâu lấy tay áo quẹt đi những giọt mồ hôi rơi trên trán, chị Thảo chia sẻ: Đón giao thừa ở ngoài đường nhiều năm nên cũng quen luôn. Mọi việc cúng ông bà đều một tay do chồng con lo liệu. Công việc thường phải 4-5h sáng mùng 1 mới kết thúc, khi trở về nhà, nhiều khi mình trở thành người đầu tiên “xông đất” của gia đình.

Đường phố về đêm vắng tanh nhưng chị Trâm vẫn đang nỗ lực làm việc

Cũng giống như chị Nhị, chị Thảo, chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm tâm sự rằng, với chị Tết là lúc cao điểm của công việc, bởi khối lượng rác gấp nhiều lần so với ngày thường, thành ra cũng chẳng lo được việc nhà. Đôi khi cũng tủi thân, nhưng cứ mọi người được du xuân trên những tuyến phố sạch sẽ là thấy được an ủi...Đúng Oh, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ vào năm mới, chị Trâm mong ước: “Đầu năm mới, tôi chỉ mong người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn nữa, không vứt rác bừa bãi, để rác đúng nơi quy định để những người làm công việc như chúng tôi được trở về gia đình sớm hơn”. Cũng theo chị Trâm, niềm vui Tết của chị chính là mang lại bộ mặt sạch, đẹp cho thành phố, cho những chuyến du xuân của người dân thêm phần trọn vẹn.

Hơn 1h30 sáng mùng 1 Tết - người đi xem pháo hoa, lễ chùa bắt đầu quay trở về nhà. Cả thành phố chìm vào giấc ngủ. Chị Nhị, chị Thảo, chị Trâm và các đồng nghiệp của mình vẫn tiếp tục trên những con đường, góc phố để thu gom rác. Vì thành phố xanh - sạch - đẹp, họ vẫn sẽ làm và góp phần nhỏ bé làm nên mùa xuân bình yên, tươi đẹp cho mọi người, mọi nhà.

Tôi chợt nghĩ, đâu đó vẫn còn rất nhiều những người thầm lặng, vất vả trong dịp Tết Nguyên đán. Đó là những cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang, đội ngũ y bác sĩ nơi phòng khoa cấp cứu, những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên báo chí đang miệt mài lấy tin, truyền tải thông tin đến mọi người, mọi nhà... Và còn rất nhiều những người đang tận tụy, âm thầm với công việc trong những ngày đầu tiên của năm mới Giáp Thìn 2024.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/lang-le-dem-giao-thua-116883.html