Lặng lẽ những tấm lòng

(Đọc Những tấm gương thầy thuốc Việt Nam, NXB Y học, Hà Nội, 2009)

Trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu, cũng như công cuộc tái thiết và phát triển đất nước hiện đại trong xu hướng hội nhập quốc tế và khu vực, những người thầy thuốc Việt Nam luôn lặng lẽ âm thầm đóng góp công sức, tài năng, trí tuệ với tất cả tình cảm và lòng nhiệt huyết của mình để giành lại sự sống cho con người. Những đóng góp của họ luôn được Đảng, Nhà nước và cả cộng đồng trân trọng ghi nhận. Cuốn sách dày gần 1.000 trang, được in trang trọng, bìa đỏ, chữ nhũ vàng với lời giới thiệu ngắn gọn, súc tích của TS. Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế, đã đem đến cho bạn đọc phác họa chân dung 124 thầy thuốc tiêu biểu từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay. Ngay trong Lời giới thiệu, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã trân trọng nêu bật công lao to lớn của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam. "Qua 65 năm phục vụ cách mạng, phục vụ dân tộc, ngành y tế đã có hàng trăm trí thức, thầy thuốc tiêu biểu được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lao động, Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú. Ngành có nhiều giáo sư được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, Giải thưởng Quốc tế Kovalevskaia cho các nhà khoa học nữ; Bộ Y tế tặng Giải thưởng ngoại khoa Tôn Thất Tùng cho các nhà ngoại khoa. Ngoài ra cũng còn nhiều thầy thuốc có đóng góp to lớn, nhưng do nhiều hoàn cảnh chưa được tặng thưởng và vinh danh kịp thời, xứng đáng..." (tr.5). Trong số 124 thầy thuốc được giới thiệu tại cuốn sách có 11 vị Bộ trưởng, 9 vị Thứ trưởng; 18 người là Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa XII; 38 người là Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động; 50 người là Thầy thuốc nhân dân; 22 người là Nhà giáo nhân dân; 20 người được Giải thưởng Hồ Chí Minh và 15 người được Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ,... Điều đó chứng tỏ sự đóng góp của ngành y tế nói chung và cá nhân các thầy thuốc nói riêng vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong suốt 65 năm qua là rất to lớn, mà với dung lượng cuốn sách này chưa thể nói hết được. Tuy nhiên đọc kỹ từng trang viết, chúng tôi thấy toát lên một điều rất đáng trân trọng và khâm phục về tinh thần lao động miệt mài trong mọi hoàn cảnh chiến tranh hay hòa bình, khó khăn gian khổ và thiếu thốn hay trong môi trường thuận lợi, các thầy thuốc Việt Nam luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với người bệnh, luôn gắn quyện làm một giữa y đạo, y đức và y thuật hướng tới mục đích cuối cùng vì cuộc sống con người. Cuốn sách không phải là một công trình chuyên luận về thầy thuốc hay nghề thuốc, mà là tập hợp các bài viết đã đăng trên các báo, tạp chí, sách trong nước từ trung ương đến địa phương và báo chí quốc tế phản ánh nhiều khía cạnh hoạt động khác nhau của đội ngũ thầy thuốc Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, các lĩnh vực chuyên môn, cũng như các sinh hoạt đời sống thường nhật mà những người thầy thuốc đã từng nếm trải với những thăng trầm và vui buồn ở nhiều cung bậc khác nhau, như bất cứ một người bình thường nào. Đặc biệt Báo Sức khỏe&Đời sống, cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế, đã đóng góp một phần rất đáng kể (64/150 bài) trong việc chuyển tải thông tin, tình cảm cùng những đóng góp công sức và tài năng của các thế hệ thầy thuốc từ 1945 đến nay, đến với đông đảo công chúng trên phạm vi cả nước. Nhiều bạn đọc từ khắp mọi miền Tổ quốc đã gọi điện, gửi thư đến tòa soạn bày tỏ lòng biết ơn về những thông tin, tình cảm về các thầy thuốc đã được báo Sức khỏe&Đời sống đăng tải. Qua đó giúp họ hiểu và chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, những khó khăn, vất vả mà ngành y tế nói chung và các thầy thuốc nói riêng đang ngày đêm âm thầm gánh vác và chịu đựng. Những chuyện nghề, chuyện đời của các thế hệ thầy thuốc những năm đầu Cách mạng mới thành công, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến các chiến dịch phòng chống dịch bệnh trong những năm gần đây đã thực sự đem đến cho bạn đọc niềm xúc động sâu sắc. Tuy chưa thật sự đầy đủ, nhưng có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên tập hợp được nhiều gương mặt thầy thuốc tiêu biểu của các thế hệ, ở nhiều chuyên ngành khác nhau và ở các vị trí công tác khác nhau. Từ bác sĩ Vũ Đình Tụng, vị Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh từ 19/7/1947 đến tháng 4/1959, người đã được Bác Hồ gọi bằng "Ngài", bằng "Cụ" và đích thân Bác đã gửi quà cho thương binh, cựu binh qua Bộ trưởng (tr.945), rồi vị Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên từ năm 1946-1958, Giáo sư Hoàng Tích Trí, cho đến vị Bộ trưởng đương nhiệm - TS. Nguyễn Quốc Triệu và nhiều vị thứ trưởng, bộ trưởng khác qua các thời kỳ đều có mặt trong cuốn sách. Đặc biệt có hai vị nguyên là Bộ trưởng và Thứ trưởng trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam mà nhiều người cho đến hôm nay vẫn còn chưa biết đến những đóng góp của họ đối với ngành y tế nước nhà, cũng như những câu chuyện thực sự cảm động về họ. Đó là bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, Bộ trưởng Bộ Y tế - Xã hội và Thương binh và sau này là Thứ trưởng Bộ Y tế; Bác sĩ Hồ Văn Huê, Thứ trưởng Bộ Y tế - Xã hội và Thương binh Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Những câu chuyện cảm động về vị Bộ trưởng, một người thầy lớn, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch luôn đau đáu nỗi niềm vì miền Nam thân yêu và ông đã hy sinh anh dũng trong một lần đi công tác tại chiến trường miền Nam, do những người học trò kể lại chân thành mộc mạc nhưng không kém phần xúc động. Hay liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, người con gái Hà Nội gốc đã chọn học ngành y và xung phong ra chiến trường để cứu chữa cho thương bệnh binh. Sau khi chị ngã xuống tại chiến trường xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi còn để lại những dòng nhật ký về lý tưởng sống và tình cảm của một người thanh niên yêu nước, làm xúc động hàng triệu trái tim những người yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, đặc biệt là tuổi trẻ Việt Nam và bạn bè quốc tế. Chính nhà văn Nguyên Ngọc đã không ngần ngại nói lên xúc cảm của mình khi đọc những dòng nhật ký của chị. Ông viết: "Tôi không sợ quá lời khi nói điều này: Những ngày này, nhật ký Thùy Trâm đang gây ra một cuộc đánh thức đạo đức nghiêm trọng trong xã hội chúng ta, trong mỗi chúng ta. Và còn điều này nữa: không chỉ chúng ta mà cả những người ở bên kia trận tuyến, một thời từng là kẻ thù sinh tử của chúng ta, họ cũng bị rung chuyển dữ dội. Đến mức buộc từ nay phải nhìn thế giới hoàn toàn khác..." (tr.836). Cuốn sách còn có một số hạn chế nhỏ cần khắc phục như đã được nêu trong Lời nói đầu. Hy vọng rằng trong lần tái bản tới, những thiếu sót trên sẽ được khắc phục và bổ sung thêm nhiều tư liệu, bài viết bổ ích giúp công chúng có được cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về ngành y tế. Qua đó để tất cả cộng đồng cùng chung tay chia sẻ những khó khăn, vất vả với những người thầy thuốc và ngành y tế trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức phấn đấu. Những tấm gương thầy thuốc Việt Nam - Những gia đình vẻ vang: Ba cha con: Cố Bộ trưởng GS. Hoàng Tích Trí và AHLĐ Hoàng Thủy Nguyên, AHLĐ Hoàng Thủy Long. Hai cha con: - Anh hùng Lao động Tôn Thất Tùng, Nhà giáo nhân dân Tôn Thất Bách. - Nhà giáo nhân dân Chu Văn Tường, Thầy thuốc nhân dân Chu Mạnh Khoa. Chồng và vợ: - Anh hùng Lao động Vũ Văn Đính, Nhà giáo nhân dân Dương Thị Cương. - Nhà giáo nhân dân Trần Văn Sáng, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Trúc. Anh và em: - Bộ trưởng Hoàng Tích Trí và Thầy thuốc nhân dân Hoàng Tích Mịnh. - Bộ trưởng Vũ Đình Tụng và Thứ trưởng Vũ Công Thuyết. T.G Đỗ Ngọc Yên

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20090831040930170p15c90/lang-le-nhung-tam-long.htm