Làng Mỹ Lợi: Nơi lưu giữ nhiều văn bản giá trị về quần đảo Hoàng Sa

Đình làng Mỹ Lợi thuộc huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) là nơi lưu giữ các văn bản quý hiếm, có giá trị về việc khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Đình làng Mỹ Lợi (Ảnh: Lăng A Cúi)

Đình làng Mỹ Lợi (Ảnh: Lăng A Cúi)

Là ngôi làng cổ có tuổi đời gần 500 năm, làng Mỹ Lợi còn được biết đến bởi cái tên "Làng Quảng trong lòng Huế", bởi người dân ở đây đều nói tiếng Quảng Nam. Một vị cao niên trong làng kể lại, sở dĩ làng có sự đặc biệt như vậy là do các vị khai canh lập làng năm 1562 đều là người Quảng Nam. Thêm nữa, các cụ cao tuổi đều cho biết quê quán của mình đều là người gốc Quảng Nam nên giọng nói cũng mang âm vực của người xứ Quảng từ khi đặt chân đến làng Mỹ Lợi.

Một nhà thờ họ ở làng Mỹ Lợi (Báo Thừa Thiên Huế)

Với lịch sử gần 500 tuổi, làng Mỹ Lợi có bề dày về văn hóa và lịch sử, bên cạnh đó là kiến trúc thuần Việt được gìn giữ đến ngày nay. Các nhà rường cổ thuần Việt có tuổi đời cả trăm năm, các nhà thờ họ tộc giữ nguyên kiến trúc Việt tinh xảo, vì thế đình làng còn được công nhận Di tích Văn hóa Lịch sử Quốc gia.

Đình làng Mỹ Lợi còn là nơi lưu giữ nhiều văn bản có giá trị quý hiếm về quần đảo Hoàng Sa, tiếp tục khẳng định chủ quyền của Tổ quốc về quần đảo này. Trả lời trên báo Thể thao văn hóa, ong Phan Như Ý, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Mỹ, cho biết: “Dân làng Mỹ Lợi lưu giữ trong đình làng của mình một văn bản bằng chữ Hán, được lập cách đây 250 năm, trong đó khẳng định chủ quyền lãnh thổ không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”.

Tài liệu Hán Nôm lưu giữ nội dung nói về Hoàng Sa.

Văn bản do làng Mỹ Lợi lưu giữ có từ năm Quý Hợi (1743), dưới thời nhà Lê, được viết bằng chữ Hán trên giấy dó, có nội dung xử lý một vụ kiện giữa P.Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi) và P.An Bằng (làng An Bằng) về việc nộp thuế vỏ tàu khai thác sản vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa.

Văn bản được nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu tạm dịch như sau: “Tuần quan cửa biển biên hải là Thuận Đức hầu phê cho phường Mỹ Toàn về phường An Bằng. Nguyên năm Quý Hợi (1743), phường An Bằng buộc phường Mỹ Toàn đón chiếc thuyền đội Hoàng Sa của lái Tin ở chỗ giáp ranh, kéo về đến bờ sông. Qua vụ thuế tiết liệu năm Mậu Dần (1758) khoản của thuyền thủ Trường, phường An Bằng lại bắt phường Mỹ Toàn cùng chịu, mỗi bên đem nộp tại chính điện. Đến nay, phường Mỹ Toàn thúc phường An Bằng cùng phường Mỹ Toàn đem nộp vô tàu nhưng phường An Bằng cố ý không đem nộp vô tàu ấy, phường Mỹ Toàn bèn trình đơn lên. Vậy giao cho phường Mỹ Toàn bắt phường An Bằng đền tiền ba quan. Nay phê như vậy. Ngày 19 tháng 9 năm Cảnh Hưng 20 (tức ngày 6/11/1759)”.

Đình làng Mỹ Lợi được xây dựng vào khoảng năm 1669. Qua nhiều lần trùng tu, năm 1996, đình làng Mỹ Lợi được công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2011, nhân dân Mỹ Lợi được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, dân làng Mỹ Lợi còn lưu giữ tư liệu quý liên quan đến Hải đội Hoàng Sa của triều nhà Nguyễn, vừa trao tặng lại cho Bộ Ngoại giao làm bằng chứng khẳng định chủ quyền về Hoàng Sa.

Tường Vân

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/lang-my-loi-noi-luu-giu-nhieu-van-ban-gia-tri-ve-quan-dao-hoang-sa-82876.html