Làng mỳ Thủ Dương vào mùa Tết

Trời đang nắng bỗng chuyển mưa, báo hiệu trận rét mới tràn về. Mây âm u, gió bấc thổi mạnh dần. Tôi khá lo lắng vì tiết trời này sẽ khiến người dân làng nghề truyền thống sản xuất mỳ Chũ Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) phải ngừng hoạt động vì không thể phơi sản phẩm. Dù vậy, tôi vẫn quyết định lên đường, bởi dự cảm ngày mai trời hửng nắng.

Mong ngày nắng về

Tôi đến làng nghề Thủ Dương khi trời vừa xẩm tối, ghé thăm hộ chị Nguyễn Thị Thu Hiền. Mời tôi vào nhà nhưng chị Hiền vẫn không quên giục mấy đứa nhỏ giúp mẹ nhanh tay đóng gói mỳ cho khách đợi ngoài sân. Cậu con lớn cẩn thận gói từng nắm mỳ gạo trắng trong túi ni lông in sẵn nhãn mác bắt mắt, dán nhiệt, rồi mới xếp vào những thùng giấy lớn. Giờ này chồng chị chưa về vì bận chuyển hàng cho khách tại TP Hải Phòng. Chị Hiền cười: “Đợt này nhà em nhận cung ứng lượng hàng gấp đôi ngày thường để các đại lý bán dịp Tết nên bận quá. Nhà xếp kín hàng, khách đến chơi chẳng có chỗ ngồi. Sang năm, vợ chồng em sẽ xây thêm kho chứa mỳ và nguyên liệu sản xuất”.

Mẹ con chị Nguyễn Thị Thu Hiền tranh thủ gói mỳ.

Tôi quan sát nhanh không gian nhà chị. Mọi vật dụng như: Tủ, kệ ti vi, bàn ghế đều được xếp gọn, nhường chỗ cho thùng, kệ mỳ lớn chất cao. Gia đình chị Hiền không chỉ sản xuất mỳ trắng truyền thống mà còn làm cả mỳ ngũ sắc chất lượng cao từ nguyên liệu gạo lứt, gạo trắng pha rau, củ, quả tạo màu. Dịp Tết này, gia đình chị nhận cung ứng cho khách khoảng 10 tấn mỳ các loại. Trong đó đa phần là mỳ chất lượng cao, giá bán buôn tại nhà từ 35 - 55 nghìn đồng/kg. Để sản xuất ra những loại mỳ này, chị đặt mua loại gạo Bao Thai hồng, đặc sản các xã vùng cao trên đèo của Lục Ngạn. Ngoài tự sản xuất, vận chuyển sản phẩm cho khách, chị Hiền thu mua mỳ của một số hộ trong thôn mới đủ hàng.

Rời nhà chị Hiền, tôi tìm đến hộ ông Phạm Văn Cường, Giám đốc Hợp tác (HTX) Mỳ Cường Bé. Dọc đường thôn thấy nhiều xe tải đến giao gạo và nhập mỳ đi tiêu thụ. Mới đến cổng nhà ông Cường đã nghe tiếng máy thái mỳ rộn rã. Trong nhà ông Cường không khí làm việc tất bật. Vợ chồng ông mỗi người sử dụng một máy thái, con dâu ông đưa mỳ chuyển ra giàn phơi. Hằng ngày, có 4 người trong gia đình tham gia sản xuất mỳ nhưng dịp này ông Cường thuê thêm 2 lao động bó mỳ, đóng gói mới kịp giao cho khách.

Ông Cường cho biết: "HTX hiện có 10 thành viên. Bình quân mỗi hộ sản xuất 1,7 tạ mỳ/ngày. Dịp Tết, đông khách đặt hàng nên tổng sản lượng tăng gấp đôi so với tháng trước. Vì thế gia đình tôi và các hộ trong HTX phải tranh thủ thái và đóng gói mỳ ban đêm, ban ngày xay bột, tráng bánh".

Tiễn tôi ra cổng, hẹn sáng hôm sau gặp lại, ông Cường ngước nhìn trời đêm lẩm nhẩm: “Mong sao sáng mai trời hửng nắng để bà con làng nghề còn tranh thủ sản xuất mới kịp các đơn hàng và kiếm tiền tiêu Tết!”.

Nhộn nhịp ngày mới

Thấy hừng đông phía sau dãy Am Vãi ửng hồng, trời quang mây, ông Cường giục tôi qua điện thoại mau đến làng nghề mới kịp ghi hình các hộ tráng bánh sớm.

Nhiều hộ đầu tư hàng chục triệu đồng để làm sân phơi mỳ.

Sau khi đưa mỳ lên xe tải để vận chuyển cho các đại lý dưới TP Bắc Giang và Thái Nguyên, sắp đặt xong việc nhà, ông Cường xăm xắn đưa tôi tới thăm các hộ sản xuất trong làng nghề. Sương sớm chưa tan, làng nghề Thủ Dương đã rộn tiếng máy xay bột, tráng bánh, tiếng í ới gọi nhau chuyển sản phẩm ra sân phơi. Khi những tia nắng sớm rọi xuống, làng nghề Thủ Dương như bừng lên sắc trắng của những giàn mỳ gạo phơi kín cả sân vận động thôn, xen dưới tán vải thiều. Nơi đây nhấp nhô những tòa nhà cao tầng khang trang, tạo nên bức tranh quê thanh bình, trù mật.

Trên đường đi, ông Cường chia sẻ, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hơn 20 hộ trong thôn đã mua lò hơi tự động và một số thiết bị khác, thay nhiên liệu đốt than, củi bằng khí gas hoặc điện. Chi phí mỗi dây chuyền sản xuất từ 100-300 triệu đồng. Chi phí mua sắm cao, bù lại mỗi máy hoạt động năng suất tăng gấp 10 lần so với tráng bánh thủ công (khoảng 6 tạ gạo/ngày), lại khiến sợi mỳ có độ dày và chín đều, dai, ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Chần bánh trước khi thái thành mỳ sợi.

Trong HTX của ông hiện có 3 hộ đã sắm dây chuyền sản xuất mỳ hiện đại, ngoài của gia đình ông còn có hộ ông Phạm Văn Diệp và Đào Quang Kiên. Để khai thác năng suất máy, những hộ này nhận gia công mỳ cho những gia đình khác trong làng nghề.

Được biết, thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đã hỗ trợ 7 máy móc, thiết bị sản xuất mỳ cho hộ dân nơi đây gồm: Dây chuyền tráng, sấy mỳ gạo bằng khí gas; máy tráng mỳ; nồi hơi; máy tráng, sấy mỳ liên hoàn với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng. Một số hộ, HTX trong làng nghề Thủ Dương và địa bàn xã Nam Dương còn làm nhà phơi, hệ thống sấy mỳ khép kín. Tuy nhiên, do mức chi phí cao nên hầu hết các hộ vẫn chọn cách phơi mỳ ngoài trời.

Quay sang phía tôi, ông Cường chia sẻ: “Ngoài chất lượng gạo và kỹ thuật ngâm ủ nguyên liệu, xay bột, tráng bánh, việc phơi bánh tráng hết sức quan trọng, đòi hỏi đủ nắng. Sau khi thái thành sợi, mỳ cũng phải được phơi nắng thì mới khô nỏ, dai, ngon, tránh nấm mốc, bảo quản lâu dài. Vì thế bà con luôn mong những ngày nắng, nhất là trong tháng “củ mật” làm hàng Tết”.

Để mỳ gạo Chũ vươn xa

Sau khi tham quan một vòng quanh làng nghề, ông Cường đưa tôi đến nhà Trưởng thôn Thủ Dương Nguyễn Văn Nam. Ông cũng là Giám đốc HTX Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể.

Đóng gói sản phẩm tại HTX Sản xuất và Tiêu thụ mỳ Chũ Nam Thể.

Ông Nam cho biết, thôn Thủ Dương có hơn 360 hộ thì có tới 278 hộ sản xuất mỳ, tạo việc làm cho gần 1 nghìn lao động. Hiện xã Nam Dương có 16 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, trong đó làng nghề Thủ Dương có 12 sản phẩm OCOP là mỳ gạo. Năm 2023, tổng sản lượng mỳ gạo do làng nghề sản xuất đạt gần 10 nghìn tấn, tăng hơn 2 nghìn tấn so năm 2022.

Thời điểm này, làng nghề sản xuất khoảng 40 tấn mỳ/ngày (tăng 30% so với ngày thường) nhưng cũng không đủ nhu cầu khách đặt hàng phục vụ dịp Tết. Sở dĩ lượng mỳ tiêu thụ ngày càng tăng là do chất lượng mỳ gạo Chũ ngày càng nâng lên.

Thị trường tiêu thụ rộng khắp các tỉnh trong nước và xuất khẩu sang một số thị trường quốc tế như: Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Nga, EU, Hàn Quốc, Campuchia...

Thời điểm này, làng nghề sản xuất khoảng 40 tấn mỳ/ngày (tăng 30% so với ngày thường) nhưng cũng không đủ nhu cầu khách đặt hàng phục vụ dịp Tết. Sở dĩ lượng mỳ tiêu thụ ngày càng tăng là do chất lượng mỳ gạo Chũ ngày càng nâng lên. Sản phẩm, thương hiệu làng nghề được địa phương tích cực quảng bá, đổi mới mẫu mã bao bì sản phẩm đã tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Cùng với vải thiều, cam, bưởi, sản xuất mỳ gạo tại làng nghề Thủ Dương đang là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. “Mỳ gạo Chũ” hiện là đặc sản, thương hiệu của huyện Lục Ngạn và tỉnh Bắc Giang nổi tiếng cả nước. Nghề sản xuất mỳ góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho nhiều gia đình; thu nhập bình quân từ 7,5-8,5 triệu đồng/lao động/tháng, nhiều hộ có thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Chia tay làng nghề Thủ Dương, trong tôi vẫn vẳng tiếng máy, tiếng cười, in đậm niềm vui của đồng bào nơi đây khi vào mùa mỳ Tết thuận lợi. Bên những vạt cam, bưởi trĩu cành, thấp thoáng những nhành đào chúm chím nụ hồng báo mùa xuân tới. Dưới chân tán lá là những giàn mỳ trắng trong, lấp lóa ánh dương.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phong-su/417803/lang-my-thu-duong-vao-mua-tet.html