Làng nghề chạm bạc Châu Khê trong tương quan với phố Hàng Bạc

Làng Châu Khê thuộc xã Thúc Kháng (Bình Giang, Hải Dương), do ông Chu Tam Sương là người sáng lập vào thời Lý, sau đó dân làng đã tôn thờ ông là thành hoàng của làng. Nơi đây có điều kiện thuận tiện về giao thông, có bề dày lịch sử văn hóa, gồm nhiều các di sản vật thể cũng như phi vật thể, những phong tục, tập quán, lễ hội tiêu biểu...; đặc biệt có nghề chạm bạc truyền thống với lịch sử lâu đời, phát triển mạnh mẽ trong các giai đoạn khác nhau.

Nghề thợ bạc. Ảnh internet

Nghề thợ bạc. Ảnh internet

miền Bắc nước ta có 3 trung tâm làm nghề vàng bạc, gồm: làng Đồng Xâm (Thái Bình), làng Định Công (Hà Nội), làng Châu Khê (Hải Dương). Theo truyền thuyết, vào TK XV, dưới triều Lê Sơ, vì bị vỡ đê mấy năm liền, đất Châu Khê vốn là đất bạc điền nên có tới gần nửa làng phiêu tán ra kinh đô làm ăn. Năm 1461, thời vua Lê Thánh Tông, ông Lưu Xuân Tín, người làng Châu Khê, làm quan tới thượng thư bộ Lại, được triều đình trao trọng trách lập xưởng đúc bạc nén ở kinh đô Thăng Long. Bạc nén khi ấy là một loại tiền tệ được lưu hành trên thị trường. Ông đã đưa người Châu Khê lên Cục bách tác của triều đình làm nghề đúc bạc nén, đây là một đặc ân của triều đình bấy giờ. Ông còn hướng dẫn cho người Châu Khê chế tác bạc nén, khi nghề đúc bạc nén cho triều đình đã thu hút được nhiều người theo học, ông đã đứng ra mua đất ở phường Đông Các (nay là phố Hàng Bạc) để người Châu Khê lập xưởng đúc bạc nén. Dần dần, từ nghề đúc bạc, những người thợ Châu Khê đã phát triển lên nghề làm đồ trang sức vàng bạc (còn gọi là nghề kim hoàn). Những người làng Châu Khê làm nghề kim hoàn ở phố Hàng Bạc xưa đã mang nghề về làng để dạy, phát triển nghề.

Có thể nói, lịch sử hình thành nghề kim hoàn ở Châu Khê khác với lịch sử hình thành nghề thủ công ở các địa phương khác. Sự khác biệt này đã làm cho nghề kim hoàn khi mới ra đời đã không phát triển tại Châu Khê mà chủ yếu ở phường Đông Các (phố Hàng Bạc ngày nay), sau đó nghề kim hoàn được người thợ đưa về nguyên quán của mình.

Từ đó, nghề làm vàng bạc Châu Khê trở nên lừng danh không chỉ ở Hà Nội, Hải Dương, mà còn lan truyền đến các địa phương khác. Cùng nhiều công lao với dân làng Châu Khê, ông Lưu Xuân Tín được tôn làm tổ nghề kim hoàn, được thờ ở đình làng Châu Khê. Vào ngày 19 tháng giêng âm lịch hàng năm, làng tổ chức giỗ tổ nghề, những người thợ kim hoàn của làng Châu Khê ở các nơi đều tụ họp về dự hội. Vào ngày hội làng, những người thợ kính cẩn dâng lên bàn thờ tổ những sản phẩm vàng bạc có kỹ thuật chế tác cao. Trong truyền thống, nghi lễ này được gọi là lễ dâng đồ khéo với ý nghĩa là báo cáo với tổ nghề về sự phát triển nghề nghiệp của dân làng. Nếu như trước đây, người thợ Châu Khê chủ yếu là đúc bạc thỏi, bạc nén cho triều đình, sau đó làm các sản phẩm trang sức như dây, vòng, nhẫn, kiềng…, thì hiện tại, họ đã tìm kiếm, phát triển sang một dòng sản phẩm khác là trang trí trên đồ mỹ nghệ như khảm, chạm, ráp các chi tiết bằng vàng, bạc trên các sản phẩm đồ gỗ, đồ đá, đồ gốm. Qua đó, người thợ đã thể hiện tư duy của mình về những nét văn hóa truyền thống, tạo cho sản phẩm thêm sống động, có giá trị về kinh tế. Các sản phẩm đồ gỗ, đồ đá, đồ gốm được các thợ thủ công ở Châu Khê nhận gia công vàng, bạc cho các đại lý, cửa hàng ở khắp cả nước, cũng như xuất khẩu sang nước ngoài.

Trải qua quá trình lịch sử, mối quan hệ giữa làng nghề Châu Khê với phố nghề Thăng Long - Hà Nội luôn được duy trì, phát triển. Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, mà còn là nơi hội tụ tinh hoa của mọi miền đất nước. Thăng Long - Hà Nội đã hơn 1000 năm tuổi, ghi dấu ấn thời gian của làng nghề, phố nghề, thế hệ những người thợ thủ công, được xem là những chủ thể sáng tạo ra chúng. Điều đó không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, xã hội mà còn mang ý nghĩa văn hóa, văn minh. Tư liệu trong Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội ghi rõ: “Phố Hàng Bạc, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm ngày nay, xưa là đất phường Đông Các, về sau là các thôn Đông Thọ, Dũng Hãn, thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Nguyên đây là nơi cư trú của thợ Châu Khê (Hải Dương), Đồng Sâm (Thái Bình), Định Công (Hà Nội), hành nghề đúc bạc, làm kim hoàn, đổi tiền”. Có thể nói, phường Đông Các xưa, phố Hàng Bạc ngày nay có từ rất sớm, nằm gần sát sông Hồng, gần trục kinh tế trọng điểm của Hà Nội. Ở phố này trước đây có các di tích như: trường đúc bạc, Trương đình, Kim ngân đình… Hiện nay, ở phố Hàng Bạc chỉ còn giữ lại được Kim ngân đình là nơi thờ tổ nghề. Cũng trong tư liệu này, nghề đúc bạc, đổi bạc (phố Hàng Bạc) gốc ở Châu Khê (Bình Giang), đó là nơi hành nghề, trao đổi buôn bán đồ kim hoàn của người dân Châu Khê với khách hàng trong nước. Phố Hàng Bạc là nơi hành nghề, chủ yếu là trao đổi, buôn bán đồ kim hoàn của người dân chạm bạc làng Châu Khê. Một tư liệu khác cũng cho biết, trước đây phố Hàng Bạc có 3 nghề khác nhau: nghề đúc bạc nén, nghề kim hoàn, nghề đổi tiền. Vào TK XV, quan thượng thư bộ Lại - Lưu Xuân Tín, vốn người làng Châu Khê được triều đình nhà Lê giao cho việc lập xưởng đúc bạc. Dần dần cùng với nghề đúc bạc, người thợ Châu Khê làm cả nghề thợ trang trí vàng bạc. Đến đầu TK XIX, dưới triều Nguyễn, xưởng đúc bạc nén chuyển vào Huế. Phần lớn thợ Châu Khê vẫn ở tại Thăng Long làm nghề kim hoàn, họ lập thành phường thợ tại phố Hàng Bạc ngày nay.

Thợ kim hoàn của làng Châu Khê cùng với thợ của làng Đồng Sâm, Định Công cùng đến Thăng Long quy tụ thành phường, phố, mà phố Hàng Bạc là một minh chứng. Có thể nhận định rằng, người thợ làm nghề ở phố Hàng Bạc chủ yếu là người dân của làng Châu Khê.

Vào thời Nguyễn, người Châu Khê vẫn làm thợ kim hoàn ở phường Đông Các. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân ít tiêu bạc nén, nên đã cho sản xuất tiền đồng, tiền kẽm để phù hợp với tình hình mới. Phố Hàng Bạc, nơi người Châu Khê chiếm đa số, cũng chuyển từ nghề đúc bạc nén sang làm đồ trang sức, mua bán, trao đổi tiền bạc. Thợ Châu Khê chủ yếu làm hàng chạm, hàng trơn. Hàng chạm bằng vàng không nhiều do vàng quý hiếm, đắt đỏ, hàng chạm bằng bạc thì đa dạng, gồm nhiều loại khác nhau như: hộp trầu, ống điếu, tráp, nhiều đồ sinh hoạt của gia đình quyền quý, đồ trang sức. Những mặt hàng trơn phổ biến là nhẫn, khuyên tai...

Một góc phố Hàng Bạc. Ảnh Tuấn Giang

Khi lên Thăng Long, một bộ phận những người thợ kim hoàn Châu Khê được trưng dụng vào làm trong cục bách tác của triều đình. Họ chuyên sản xuất tiền tệ, các vật phẩm bằng vàng, bạc như: khay, hòm, chén, nhẫn, lược, vòng, khuyên tai, xà tích… cho các công nương, hoàng tử hay cối giã trầu, bình đựng vôi bằng bạc cho các quý tộc quan lại, người giàu có trong xã hội. Số thợ kim hoàn còn lại của Châu Khê đều làm trong các xưởng đúc bạc do họ tự thành lập ở phường Đông Các. Thợ kim hoàn Châu Khê tổ chức thành phường đúc bạc. Thông thường mỗi phường đúc bạc có một thợ cả đứng đầu, thợ cả phải đạt mức nghệ nhân, dưới thợ cả có thợ bạn, thợ học việc. Mỗi người đều được hưởng tiền công theo năng suất, bậc nghề. Dưới phường thợ kim hoàn Châu Khê còn tổ chức thành 5 hàng giáp: giáp nhất, giáp nhì, giáp đông, giáp tây xuyên, giáp chung. Cả 5 giáp ở làng đều có người đến làm thợ ở phường Đông Các.

Những người thợ kim hoàn ở Châu Khê vừa là thợ thủ công, vừa là thương nhân, họ vừa sản xuất theo kiểu gia công đặt hàng cho khách, vừa bày bán những mặt hàng làm sẵn tại cửa hiệu. Cũng giống như các làng nghề thủ công khác, việc giữ bí mật nghề rất được người thợ Châu Khê coi trọng. Khi nghề kim hoàn mới hình thành ở Châu Khê, để tránh nghề truyền đi nơi khác, phụ nữ không được học nghề. Thợ học việc chỉ được học kỹ thuật sơ đẳng của nghề, người thợ cả không bao giờ truyền hết bí quyết của nghề cho người học việc.

Mô hình sản xuất chủ yếu là theo hộ gia đình độc lập với kỹ năng riêng, có thể có các mặt hàng đặc trưng. Hàng sản xuất thường theo kiểu gia công, vừa làm vừa bán, không có người bỏ nhiều vốn để đầu tư sản xuất quy mô lớn.

Phố Hàng Bạc là nơi hội tụ các thợ thủ công của làng Châu Khê. Sau này, nghề chạm bạc Châu Khê đã phát triển sang 2 khu vực mới là làng Huệ Lai (Hưng Yên), khu vực bãi Phúc Tân (Hà Nội). Làng nghề Châu Khê đã được Hiệp hội làng nghề vinh danh là một trong các làng nghề phát triển nhất hiện nay.

Mối quan hệ giữa làng nghề Châu Khê với phố nghề Hàng Bạc không chỉ biểu hiện trên phương diện nghề nghiệp, mà còn biểu hiện trên nhiều lĩnh vực khác, cụ thể như lễ giỗ tổ nghề. Cứ đến ngày 18, 19 tháng giêng âm lịch, người dân Châu Khê hành nghề ở phố Hàng Bạc, bãi Phúc Tân lại trở về quê hương để tổ chức lễ giỗ tổ nghề. Đó cũng là dịp để tưởng nhớ công lao của tổ nghề, nhớ tới quê hương, bản quán của mình. Điều đặc biệt, có ý nghĩa cho duy trì, phát triển nghề là hàng năm, người thợ thủ công ở Hà Nội về làng thường mang theo các sản phẩm đẹp nhất đã được chuẩn bị từ trước để dâng lên tổ nghề, sự tinh xảo của sản phẩm đã minh chứng cho sự tiến bộ về kỹ thuật của các thợ thủ công ở phố nghề, gọi là nghi lễ hiến xảo. Ngoài ra, trong lễ hội còn tổ chức cuộc thi tay nghề, chọn ra những thợ giỏi, là những người có vị trí quan trọng trong việc duy trì, phát triển nghề.

Mối quan hệ giữa làng Châu Khê với phố Hàng Bạc trong lịch sử cũng như hiện nay, luôn diễn ra sự tác động 2 chiều. Về phương diện kỹ thuật, trong lịch sử, những người thợ thủ công cùng làm 1 nghề hội tụ về phố nghề làm ăn sinh sống đều có những bí quyết, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp của mình, giữa họ sẽ có sự cạnh tranh nhất định trên thị trường sản phẩm. Đây cũng là một chủ trương khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống trong xu thế xây dựng diện mạo nông thôn mới. Về phương diện mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nếu như ở các làng quê có nghề thủ công cổ truyền thì sẽ kéo theo việc phát triển nghề buôn bán. Thăng Long - Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, là nơi hội tụ, giao lưu rộng mở. Vì vậy, tại các phố nghề, thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn, nhiều khi sản phẩm được sản xuất tại làng quê nhưng lại mang lên phố nghề để bán. Phố nghề là nơi có các cửa hàng bày bán sản phẩm, sẽ là cầu nối giữa người sản xuất ở các làng nghề với người tiêu dùng sản phẩm ở các địa phương khác nhau. Sản phẩm làng nghề tiêu thụ được nhiều sẽ thúc đẩy cho làng nghề, phố nghề phát triển. Thực tế còn có thể có nhiều mối quan hệ qua lại giữa phố nghề Hàng Bạc với làng nghề chạm bạc ở Châu Khê trong truyền thống cũng như hiện nay, điều này sẽ tồn tại mãi trong mối quan hệ giữa Thăng Long - Hà Nội với các làng nghề thủ công của cả nước.

Nguyễn Đức Kiên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/lang-nghe-cham-bac-chau-khe-trong-tuong-quan-voi-pho-hang-bac-75024