Lắng nghe dân để có giải pháp phù hợp

Như Báo CAND đã thông tin, hàng chục hộ dân sống 2 bên bờ kênh Tân Hiệp, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) bức xúc khi cầu Tân Hiệp (nối khu hành chính huyện Châu Thành A với trung tâm chợ Một Ngàn) đang được xây dựng có độ cao thông thuyền quá thấp.

Người dân cho biết một khi cầu này hoàn thành, các phương tiện thủy có trọng tải vừa thôi cũng không thể lưu thông qua lại được, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, kinh doanh của người dân… Ngày 22-3, UBND tỉnh Hậu Giang cùng các ngành chức năng liên quan và chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại với các hộ dân nhằm tìm ra hướng giải quyết.

Cần có đường đi khác mới gác nhịp giữa cầu

Tại buổi đối thoại, đa phần các hộ dân sống dọc theo kênh Tân Hiệp cho rằng, kênh Tân Hiệp là con đường độc địa, vì kênh Ba Bọng có lòng sông hẹp, cạn nên ghe xuồng không thể di chuyển được. Đồng thời cầu Ba Bọng cũng thấp và dưới chân cầu có phần xi măng cứng ảnh hưởng đến phương tiện khi lưu thông qua nên giải pháp thay đổi lưu thông qua kênh Ba Bọng là rất khó thực hiện.

Ông Nguyễn Minh Phụng (ấp Tân Lợi, thị trấn Một Ngàn) cho biết, gia đình ông chuyên cho thuê máy gặt đập liên hợp nhưng nếu cầu Tân Hiệp xây dựng xong với thiết kế hiện tại thì gia đình anh sẽ không có hướng nào khác để di chuyển máy từ cơ sở ra Kênh Xáng Xà No đi các địa phương khác.

Là hộ có cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng nằm cạnh kênh Tân Hiệp, ông Võ Văn Đoàn cho rằng, việc di chuyển bằng đường bộ là không thể vì gia đình ông bán vật liệu ở vùng sông nước, phải len lỏi vào các kênh, rạch nên không thể nào đi bằng xe tải được.

“Chúng tôi đề nghị khi nào tạo được đường lưu thông khác thì mới tiếp tục thi công dự án, cụ thể là gác nhịp giữa của cầu Tân Hiệp. Những tháng qua, việc kinh doanh của tôi gặp rất nhiều khó khăn vì sà lan thi công cầu cản trở lưu thông”, ông Đoàn nêu ý kiến.

Cầu Tân Hiệp không có độ tĩnh thông thuyền.

Cũng tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến người dân cho rằng nên bằng cách nào đó hài hòa giữa lợi ích cộng đồng và sự phát triển của thị trấn Một Ngàn. Vì cầu Tân Hiệp thuộc tuyến đường trung tâm thị trấn, nối liền giữa trung tâm hành chính và trung tâm thương mại của huyện. Khi cầu xây dựng xong sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân, góp phần giảm thiểu TNGT. Tạo điểm nhấn cho một đô thị mới phát triển và hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch.

Ông Nguyễn Văn Thọ (ấp Thị Tứ, thị trấn Một Ngàn) cho biết, vào tháng 8-2016, ông cùng các hộ dân khác được mời dự lấy ý kiến triển khai dự án cầu Tân Hiệp.

“Sau khi nghe trình bày về dự án, thấy được lợi ích chung cho sự phát triển của địa phương nên tôi đã ủng hộ dự án bằng cách kí tên đồng ý. Nhưng phía chính quyền cũng có hứa với bà con sẽ tạo ra hướng đi khác để hài hòa lợi ích chung. Nhưng nay việc xây cầu đã được triển khai thi công nhưng người dân không có đường đi nào khác là không phù hợp…”.

Đào kênh mới sẽ tốn 8,3 tỷ đồng

Đại diện ngành chức năng, ông Nguyễn Thanh Son, Phó Giám đốc BQL dự án huyện Châu Thành A thông tin, sau khi tiến hành khảo sát cho thấy, nếu mở kênh mới nối giữa kênh Tân Hiệp và kênh Xáng Mới thì tổng kinh phí sẽ là 8,3 tỷ đồng. Nếu dự án được tỉnh phê duyệt và triển khai các thủ tục, quy trình đầu tư thì cuối năm 2019 sẽ tiến hành thi công. Được biết, cầu Ba Bọng có độ cao thông thuyền từ 1,3-1,9m, chiều ngang cầu là 14m.

Ông Phan Thạch Em, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A mong rằng, những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án cầu Tân Hiệp cần phải hết sức bình tĩnh vì việc xây dựng cầu là vì lợi ích chúng. “Chúng ta sẽ cùng nhau bàn bạc tìm hướng giải quyết để hài hòa lợi ích, mong bà con chia sẻ với chính quyền vì sự phát triển của địa phương. Đây là dự án để thay đổi diện mạo của thị trấn, đưa Một Ngàn phát triển đạt đô thị loại IV trong năm 2025”.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhấn mạnh, dự án cầu Tân Hiệp được đầu tư xây dựng đúng quy trình. Cuộc họp lấy ý kiến năm 2016 có 41 hộ đồng ý. Trên cơ sở đồng ý của hộ dân, huyện có văn bản thống nhất về quy mô đầu tư công trình. Việc thực hiện quy trình đầu tư xây dựng đúng quy trình, đúng quy chế dân chủ. Xây dựng cầu Tân Hiệp là cần thiết cho sự phát triển của huyện Châu Thành A.

“Riêng việc xây cầu ảnh hưởng đến một số hộ dân kinh doanh dọc theo kênh Tân Hiệp, tôi đề nghị huyện tập hợp cụ thể danh sách hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án, sau đó có văn bản đề nghị Thường trực UBND tỉnh xem xét giải quyết các vấn đề có liên quan. Đặc biệt, đề xuất giải pháp trên cơ sở bà con đi lại đảm bảo.

Còn dự án cầu Tân Hiệp sẽ tiếp tục thi công. Mong rằng bà con vì cái chung của thị trấn để cầu tiếp tục được thi công. Trước mắt, giao cho ngành chức năng tiếp tục khảo sát và tiến hành nạo vét mở rộng kênh Ba Bọng cho phương tiện lưu thông dễ dàng hơn”, ông Tuấn cho biết.

Dự án cầu Tân Hiệp được xây dựng dựa trên quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Hậu Giang (kí ngày 31-10-2016) với tổng mức đầu tư là 28 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Chủ đầu tư là BQL dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông tỉnh Hậu Giang. Cầu dài 39m, rộng 21,7m. Đến nay, công trình đã đạt được 50% tiến độ. Do đây là hệ thống giao thông nội ô nên cầu và đường giao cắt đồng mức cùng cấp. Vì thế, cầu được xây dựng với tĩnh không thông thuyền (độ cao thông thuyền) là… cầu không thông thuyền.

Trần Lĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/lang-nghe-dan-de-co-giai-phap-phu-hop-483498/