Lắng nghe dân để giám sát, phản biện hiệu quả

Thời gian qua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) của MTTQ và các tổ chức thành viên trên địa bàn huyện Như Xuân đã đi vào nền nếp, hiệu quả. Từ việc quan tâm nắm bắt tình hình nhân dân, các nội dung GS, PBXH của mặt trận đã trúng những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm.

MTTQ huyện Như Xuân và các đoàn thể giám sát tại xã Xuân Hòa.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ GS, PBXH, Ủy ban MTTQ huyện luôn bám sát vào các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh để thực hiện từ khâu lựa chọn nội dung giám sát xin ý kiến chủ trương của cấp ủy đến xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện giám sát. Ngoài việc giám sát thường xuyên, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện cũng chỉ đạo mỗi ban thanh tra nhân dân của xã, thị trấn lựa chọn giám sát ít nhất 1 nội dung chuyên đề trong năm; ban giám sát đầu tư của cộng đồng xây dựng kế hoạch giám sát 100% công trình trên địa bàn.

Những con số thống kê cho thấy, trong 5 năm (2014-2019), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức 33 cuộc giám sát tại các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện về thực hiện chương trình đầu tư phát triển nguồn thu từ ngân sách địa phương; thực hiện chính sách an sinh xã hội theo Chương trình 30a, 134, 135; thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; việc tổ chức giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND huyện; chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo phản ánh và dư luận nhân dân... Những kiến nghị, đề xuất của mặt trận sau giám sát và phản biện đều được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, chỉ đạo, giải quyết kịp thời.

Thông qua công tác giám sát đã có tác động tích cực đến công tác lãnh đạo của cấp ủy, quản lý và điều hành của chính quyền, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sát với đời sống của nhân dân, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận và nhân dân đánh giá cao. Thông qua hoạt động GS, PBXH vai trò, vị thế của mặt trận trong xã hội được nâng lên.

Hoạt động của các ban thanh tra nhân dân ở 18 xã, thị trấn đã từng bước phát huy vai trò trong việc phát hiện, phòng ngừa các sai trái và giám sát các hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử ở cơ sở; phối hợp tham gia giải quyết 2 đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Ban giám sát đầu tư cộng đồng tham gia giám sát các công trình, dự án đầu tư cộng đồng, các khoản thu đóng góp của nhân dân từ đó có kiến nghị, đề xuất với chính quyền xem xét, giải quyết.

Cùng với giám sát, hoạt động PBXH bước đầu được MTTQ huyện quan tâm. Trong 5 năm, Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức được 2 hội nghị phản biện vào dự thảo Đề án “Phát triển nguồn thu ngân sách Nhà nước từ quỹ đất của các xã, thị trấn gắn với quy hoạch nông thôn mới và quy hoạch đô thị trên địa bàn huyện Như Xuân giai đoạn 2016 – 2020” và Đề án “Thờ tự và phục dựng Lễ hội Dâng trâu tế trời Đền Chín Gian của đồng bào Thái vùng 6 Thanh”.

Thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Ủy ban MTTQ huyện đã hướng dẫn và chỉ đạo 16/18 xã, thị trấn tổ chức tốt hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND với nhân dân. Tại các hội nghị đối thoại, có 1.157 người tham dự, với 220 lượt ý kiến, trong đó có 188 ý kiến được giải quyết trực tiếp tại hội nghị, 32 ý kiến được chủ tịch UBND xã tiếp thu giải quyết.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác GS, PBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lê Thanh Chương cho rằng cần quan tâm đến việc nắm bắt tình hình nhân dân, tình hình dư luận xã hội để lựa chọn nội dung giám sát phù hợp. Việc thực hiện các bước giám sát phải đảm bảo quy trình, đưa ra các kiến nghị, đề xuất có sức thuyết phục cao. Đặc biệt cần giám sát kết quả tiếp thu, giải quyết của cơ quan chức năng đối với các nội dung mà mặt trận kiến nghị, đề xuất. Bên cạnh đó, trong thực hiện GS, PBXH cần phối hợp nhiều cách thức, hình thức để thực hiện nhiệm vụ này một cách đồng bộ và hiệu quả; quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động của ban thanh tra nhân dân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng, phát huy vai trò giám sát của ban công tác mặt trận ở khu dân cư.

Bài và ảnh: Hoài Linh

Để công tác giám sát, phản biện xã hội đạt chất lượng cao

Từ thực tiễn qua 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 217/QĐ-TW trên địa bàn tỉnh cho thấy, để nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH), theo tôi, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Quyết định 217, 218 và các văn bản có liên quan để tạo sự thống nhất, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm của MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện công tác GS, PBXH. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể theo hướng tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở; phát huy tốt vai trò nòng cốt của MTTQ và các đoàn thể trong việc GS, PBXH, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thông qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, nhân dân và phản ánh đến cấp ủy, chính quyền các cấp để có giải pháp giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân.

MTTQ và các đoàn thể chủ động phối hợp với chính quyền các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch GS, PBXH hằng năm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, chú ý chọn những vấn đề mà người dân, dư luận xã hội đang quan tâm. Bên cạnh đó, UBND các cấp cần chủ động lựa chọn những nội dung cần thiết phải phản biện để phối hợp với MTTQ và các đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch phản biện sát với tình hình địa phương, đơn vị. Cách làm này không chỉ nâng cao chất lượng công tác PBXH mà còn giúp tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chú trọng bố trí đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức chính trị, bản lĩnh chính trị cho MTTQ và các đoàn thể để làm công tác GS, PBXH.

Hà Văn Thủy

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh

Phát huy vai trò của các thành viên hội đồng tư vấn

Phản biện xã hội (PBXH) là một hoạt động độc lập không bị ràng buộc và chi phối bởi các yếu tố về tổ chức nhằm bổ sung thêm các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn chân thực, khách quan, góp phần giúp cho Đảng, Nhà nước đưa ra những quyết sách đúng đối với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh trước khi ban hành. Vì vậy, để làm tốt công tác giám sát, PBXH, theo tôi, các thành viên hội đồng tư vấn phải có năng lực và bản lĩnh chính trị vững vàng; nhận thức đầy đủ, sâu sắc về pháp luật, về Nhà nước, về vị trí của MTTQ trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp phải tạo điều kiện thuận lợi để các thành viên hội đồng tư vấn hoạt động có chất lượng và hiệu quả. Khắc phục tình trạng giám sát, phản biện hình thức, hiệu quả pháp lý không cao, né tránh, ngại va chạm với các cơ quan Nhà nước. Cần huy động được nhiều chuyên gia giỏi tham gia vào lĩnh vực tư vấn phản biện của MTTQ các cấp. Để phát huy tính chủ động, sáng tạo, nên chăng, cần mở rộng phạm vi chủ thể giám sát, PBXH cho các cá nhân là thành viên hội đồng tư vấn trong hoạt động giám sát, phản biện.

Một xã hội không có PBXH là không có dân chủ. Phản biện khoa học là thực thi quyền giám sát một cách bình đẳng, là cách tiếp cận chân lý mà không có gì có thể thay thế trong khoa học xã hội. Vì vậy, phát huy vai trò của các thành viên hội đồng tư vấn trong hoạt động giám sát, PBXH của MTTQ là yêu cầu khách quan và cấp bách hiện nay.

Nguyễn Kế Quang

Ủy viên Ủy ban MTTQ tỉnh,

Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc và tôn giáo

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Phản biện xã hội (PBXH) là nhiệm vụ khó, mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác PBXH phải có quan điểm, bản lĩnh vững vàng. Qua thực tiễn hoạt động PBXH cho thấy, để PBXH đạt hiệu quả phải bố trí cán bộ phù hợp, có năng lực, trình độ, kiến thức và trách nhiệm.

Để nâng cao chất lượng PBXH đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách hiện nay, theo tôi, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ MTTQ chuyên trách về tầm quan trọng, vai trò của PBXH đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước, khẳng định tiếng nói đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Thường xuyên nắm bắt tình hình, dư luận xã hội, những vấn đề mà nhân dân quan tâm, đặc biệt là có liên quan đến những cơ chế, chính sách của địa phương. Tạo các diễn đàn dân chủ để người dân được bày tỏ các ý kiến của mình vì lợi ích của người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ được phân công PBXH phải có bản lĩnh, có trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hiện, dám đương đầu và dám chịu trách nhiệm. Trong cộng đồng khu dân cư cần phát huy vai trò ban giám sát cộng đồng, ban thanh tra nhân dân, những người có uy tín, có kinh nghiệm, am hiểu vấn đề tham gia PBXH.

Lê Thị Sơn

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ

huyện Quảng Xương

Góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội

Công tác giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH), góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã góp phần tăng cường tính thống nhất trong phối hợp hành động giữa các thành viên của MTTQ, phát huy dân chủ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa phương. Ở nhiều nơi, nội dung, hình thức giám sát bám sát được nhiệm vụ chính trị địa phương, nhất là những yêu cầu bức xúc của nhân dân, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội; giúp cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn.

Từ thực tế hoạt động GS, PBXH tại phường Ngọc Trạo cho thấy, để làm tốt công tác GS, PBXH, cùng với việc quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác mặt trận, tạo điều kiện về kinh phí hoạt động cho ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng của cấp trên, theo tôi, mỗi cán bộ làm công tác mặt trận cần chủ động nghiên cứu, nắm vững các chủ trương, chính sách để thực hiện nhiệm vụ GS, PBXH đạt kết quả cao. Hàng năm, cần chủ động xây dựng kế hoạch giám sát trình cấp ủy phê duyệt. Tăng cường nắm bắt tình hình trong nhân dân, qua đó lựa chọn một số vụ việc phức tạp, bức xúc kéo dài để nghiên cứu, giám sát và kiến nghị chính quyền quan tâm giải quyết; đồng thời giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền đối với các vụ việc mà MTTQ đã kiến nghị. Có như vậy mới củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Trịnh Thị Ngà

Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/lang-nghe-dan-de-giam-sat-phan-bien-hieu-qua/106544.htm