Lắng nghe doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp gắn với nhu cầu thực tế

Điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong muốn là phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân để triển khai thực hiện thật tốt các gói giải pháp mà Chính phủ đã ban hành.

Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5, hướng tới mục tiêu là động viên cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ghi nhận sự nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.

Đồng thời, Hội nghị nhằm thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với động đồng doanh nghiệp; lắng nghe, ghi nhận các giải pháp, sáng kiến của doanh nghiệp; tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh…

Cần lắng nghe doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp gắn với nhu cầu thực tế. (Ảnh minh họa)

Cần lắng nghe doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp gắn với nhu cầu thực tế. (Ảnh minh họa)

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, đây là cơ hội để các thành viên Chính phủ lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, là dịp để các bộ, ngành rà soát và đánh giá lại, định vị vai trò, vị trí và nhiệm vụ của mình trong tổng thể chung, đưa nền kinh tế hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, mang tính toàn diện hơn, đảm bảo hiệu quả chung, tránh lãng phí thất thoát nguồn lực.

“Với Bộ Công Thương, chúng tôi cũng sẽ tập trung lắng nghe doanh nghiệp từ thực tiễn những khó khăn, vướng mắc gặp phải cũng như những cơ hội… Cùng với đó, sẽ gặp gỡ doanh nghiệp và trao đổi để cụ thể hóa để nắm bắt nhu cầu, thống nhất quan điểm giữa Bộ Công Thương với các bộ ngành dưới sự điều hành của Chính phủ. Từ đó đảm bảo rằng, những chương trình, kế hoạch, giải pháp của ngành nó gắn được với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong các hoạt động về phát triển kinh tế, cả trong đầu tư, sản xuất và kinh doanh… Đặc biệt là kích hoạt đưa nền kinh tế hoạt động trở lại ở trạng thái bình thường mới, phù hợp với năng lực của doanh nghiệp, khôi phục chuỗi cung ứng nguồn cung, điều kiện sản xuất vật chất và kinh doanh gắn với phòng, chống dịch bệnh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sau hội nghị, sẽ có những giải pháp thực chất và đột phá để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế trong bối cảnh mới.

Theo ông Lộc, điều mà cộng đồng doanh nghiệp mong muốn trong cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, trước hết phải bắt đầu bằng những việc cụ thể, phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân để triển khai thực hiện thật tốt các gói giải pháp mà Chính phủ đã ban hành. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước khó khăn mà Chính phủ dành ra được nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp, đó là sự hỗ trợ vô cùng quý giá, vì vậy phải đảm bảo thực thi thật nhanh.

“Hiện nay, quá trình thực thi còn chậm. Phần lớn doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được các gói giải pháp của Chính phủ. Trong bối cảnh dịch bệnh như bối cảnh thời chiến thì nhanh một ngày có thể doanh nghiệp thành công, nhưng chậm một ngày có thể doanh nghiệp sẽ thất bại. Chính vì vậy, đẩy nhanh tốc độ xử lý tốc độ giải ngân các biện pháp đã được đưa ra là biện pháp quan trọng hàng đầu. Thứ hai là phải tích cực mở rộng thị trường, cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế, phải chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận các thị trường để có thể tạo ra không gian hoạt động cho các doanh nghiệp”, Chủ tịch VCCI nói./.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lang-nghe-doanh-nghiep-de-dua-ra-cac-giai-phap-gan-voi-nhu-cau-thuc-te-1046567.vov