Lắng nghe kinh nghiệm quốc tế để xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện

Đó là một trong những chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sau khi Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC kết thúc, chiều 20/10.

Bà Nguyễn Thị Hồng.

Thưa bà, trong chủ đề thảo luận về hợp tác tài chính toàn diện (tài chính bao trùm) của APEC 2017, vấn đề tài chính phục vụ cho phát tiển bền vững nông nghiệp, nông thôn được đánh giá là một trong những nội dung quan trọng nhất. Xin bà chia sẻ thêm về nội dung này?

Tài chính phục vụ phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn là một trong những chủ đề được Việt Nam lựa chọn và đề xuất cho hợp tác về tài chính toàn diện của APEC 2017.

Chủ đề này rất có ý nghĩa đối với các nền kinh tế ở giai đoạn đầu tiếp cận tài chính toàn diện và đặc biệt với Việt Nam là vô cùng có ý nghĩa bởi vì phát triển nông nghiệp, nông thôn đã và đang là lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước quan tâm khi ban hành các chính sách.

Trong gần 1 năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các nền kinh tế thành viên của APEC, các tổ chức quốc tế để tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả và thiết thực. Đặc biệt là tổ chức một số diễn đàn về các khía cạnh khác nhau của tài chính toàn diện. Đại diện các cơ quan của Việt Nam đã tham dự các diễn dàn này để trao đổi lắng nghe kinh nghiệm của các nền kinh tế thành viên APEC trong quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện. Chúng tôi đã ghi nhận những kinh nghiệm đó, nghiên cứu phục vụ cho quá trình xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện mà Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước là đầu mối triển khai.

Việc xây dựng đã được Ngân hàng Nhà nước triển khai đến đâu và những kinh nghiệm nào đã được đúc rút trong đó, thưa bà?

Hiện nay, dự thảo Chiến lược đã được hoàn thiện để trình Chính phủ. Trong dự thảo, chúng tôi đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về tài chính toàn diện, điều đó sẽ giúp cho việc tham vấn của nhiều bên, nhiều bộ, ngành cũng như sau này triển khai Chiến lược hiệu quả hơn.

Trong dự thảo Chiến lược, chúng tôi học hỏi rất nhiều kinh nghiệm của các nền kinh tế thành viên APEC như khung khổ và khái niệm về tài chính toàn diện cần phải bao gồm các yếu tố về tiếp cận dịch vụ, sử dụng dịch vụ, chất lượng dịch vụ tài chính. Hoặc là, để triển khai tài chính toàn diện hiệu quả cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan không chỉ khu vực Chính phủ mà còn các khu vực tư nhân cũng như các khu vực chính thức, khu vực phi chính thức,...

Trong dự thảo Chiến lược cũng nhấn mạnh vai trò trung tâm của khách hàng, từ đó có những khách hàng mục tiêu là những đối tượng yếu thế như người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa, phụ nữ hay các DN vừa và nhỏ,...

Đặc biệt, để triển khai Chiến lược, việc ứng dụng công nghệ tài chính để thúc đẩy tài chính toàn diện được chú trọng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang bùng nổ. Cùng với đó là tích cực xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng về tài chính, kể cả hạ tầng công nghệ cũng như hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, những vấn đề về tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô, nhận diện số để giảm chi phí về sử dụng dịch vụ tài chính cũng như phòng chống rửa tiền,...

Những nội dung đó đều được nghiên cứu để đưa vào Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.

Vậy còn vấn đề trao đổi thông tin xuyên biên giới. Các nước APEC sẽ hợp tác ra sao, thưa bà?

Trao đổi thông tin xuyên biên giới cũng là một chủ đề được các nước thành viên APEC quan tâm. Chính vì vậy, Việt Nam đã phối hợp với các nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức quốc tế tổ chức hội thảo về nội dung này vào tháng 7 vừa qua. Tại đây, các nền kinh tế cũng chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thúc đẩy trao đổi thông tin về tín dụng xuyên biên giới. Những giải pháp đó được kỳ vọng sẽ giúp minh bạch trong cấp tín dụng, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện.

Xin cảm ơn bà!

Hồng Vân (ghi)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lang-nghe-kinh-nghiem-quoc-te-de-xay-dung-chien-luoc-quoc-gia-ve-tai-chinh-toan-dien.aspx