Lắng nghe lời 'kêu cứu' của nữ giới văn phòng

Đó là lời chia sẻ của bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (Csaga) tại buổi tọa đàm 'Bạo lực tình dục và truyền thông' diễn ra ngày 19/9.

Hình minh họa

Theo bà Vân Anh, hiện nay nói đến bạo lực gia đình nói chung và bạo lực tình dục nói riêng, dư luận xã hội thường tập trung vào đối tượng phụ nữ ở nông thôn, miền núi nơi có trình độ văn hóa và dân trí thấp. Nhưng thực tế cho thấy, giới nữ đang làm công việc văn phòng cũng là đối tượng đã và đang phải chịu đựng nhiều vấn đề về bạo lực giới.

“Cách đây 3 năm khi Trung tâm Csaga đưa vào hoạt động trang fanpage “Yêu thương và tự do” với hình thức ban đầu ở dạng nhóm kín, đã có rất nhiều phụ nữ văn phòng chia sẻ câu chuyện họ là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực tình dục. “Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực giới, tôi nhận thấy vì họ là phụ nữ có học thức, là công chức, viên chức, làm công việc văn phòng, giảng dạy... nên họ rất ngại chia sẻ câu chuyện của mình. Và ở nhiều trường hợp vì không chia sẻ, không được can thiệp, giải quyết sớm nên đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng như vụ án người chồng sát hại vợ vì không đồng ý cho vợ mặc váy ở Hải Dương thời gian trước”, bà Vân Anh chia sẻ.

Cũng theo bà Vân Anh, từ nay đến năm 2020, Trung tâm Csaga sẽ thực hiện Dự án Brave do Tổ chức CARE tài trợ, nhằm thay đổi nhận thức cũng như định kiến xã hội về nạn xâm hại tình dục và nạn nhân của nạn này. Dự án Brave sẽ có 4 chương trình là: Be Strong (tập trung vào đối tượng nữ công nhân, nữ nhân viên văn phòng, học sinh, sinh viên nữ, phụ nữ buôn bán nhỏ, nhằm giúp họ khẳng định nội lực, tham gia tích cực các khía cạnh xã hội); Men Move (hỗ trợ nhận thức giúp nam giới phá vỡ khuôn mẫu, định kiến để giảm thiểu bạo lực giới); Wind of change (xóa bỏ phân biệt, kỳ thị đối với cộng đồng nữ yêu nữ Việt Nam); Child care (giúp giảm thiểu xâm hại tình dục và bắt nạt học đường đối với trẻ em Việt Nam).

Thời gian qua Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành tựu trong bình đẳng giới cũng như phòng chống bạo lực giới. Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong những nỗ lực để Việt Nam có thể chấm dứt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hiện nay, Việt Nam đã có khá nhiều mô hình về phòng chống bạo lực giới được triển khai và đem lại kết quả ban đầu mà Trung tâm Csaga cũng đóng góp một phần không nhỏ trong số đó.

X.Hoa

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/rubic-cuoc-song/lang-nghe-loi-keu-cuu-cua-nu-gioi-van-phong-413339.html