Làng nghề mộc Dư Dụ âm thầm phát triển

Nằm cạnh sông Nhuệ êm đềm, từ lâu có một làng nghề vốn nổi tiếng với nghề mộc và trạm trổ tượng phật đang âm thầm phát triển từng ngày, giúp người dân trong làng làm giàu. Sản phẩm của làng nghề cũng thật tinh xảo, cung cấp khắp cả nước, nhiều mẫu mã còn xuất khẩu ra nước ngoài…

Cách trung tâm thành phố khoảng 25km về phía nam, làng nghề Dư Dụ, xã Thanh Thùy (huyện Thanh Oai – Hà Nội) nổi tiếng với nghề điêu khắc truyền thống có từ bao giờ. Theo người dân trong làng, thì hiện nay khoảng 90% người dân theo nghề nhiều người làm nghề cũng, họ cũng không thể nhớ nổi nghề hình thành từ bao giờ, chỉ biết ngôi làng được hình thành và phát triển nhiều đời nay, cho đến những thập niên 1970, làng nghề bắt đầu phát triển nghề làm tượng phật mỹ nghệ.

Bất cứ ai đến đầu làng nghề đều nghe lách cách tiếng đục, tiếng gõ và âm thanh của tiếng cưa xẻ gỗ, cảm nhận được mùi gỗ mới, mùi sơn lan tỏa trong không gian yên bình của làng nghề. Với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo độc đáo, những nghệ nhân điêu khắc của làng đã tạo ra những tác phẩm điêu khắc tinh xảo, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế.

Người làm nghề Dư Dụ đang ngày đêm sản xuất ra những sản phẩm tinh sảo

Sản phẩm chính của làng nghề là những hình tượng phật Di Lạc, tượng tiên nữ, tượng phù điêu, tượng phật Di Lặc, Đạt Ma... là những biểu tượng mang lại sự yên ấm, thanh bình, chút ngộ nghĩnh đáng yêu của những bức tượng con giống với những đường nét chạm khắc thật công phu, tỉ mỉ và có cả cái hồn được thổi vào từ bàn tay tài hoa của người thợ điêu khắc. Những bức tượng Phật Di Lặc, tượng Tam Đa, tượng phù điêu, tượng linh vật... biểu tượng của cát tường, no đủ, sự may mắn yên vui với nhiều mẫu mã, kiểu dáng mang đậm dấu ấn tài hoa của thợ điêu khắc làng quê Việt đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt cho các sản phẩm của điểm du lịch làng nghề điêu khắc truyền thống Dư Dụ.

Những người thợ điêu khắc ở đây bằng đôi bàn tay khéo léo, khối óc tài hoa và sự tận tâm trong nghề, họ đã cho ra đời những tác phẩm thỏa mãn được yêu cầu của những khách hàng khó tính nhất. Để một tác phẩm điêu khắc ra đời, người thợ phải chau chuốt trên từng công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu cho đến đánh bóng sản phẩm đưa ra thị trường. Trước kia, sản phẩm điêu khắc Dư Dụ chủ yếu được sản xuất từ các loại gỗ quý hiếm. Nay do nhu cầu sử dụng của người dân ngày càng đa dạng, nên người thợ đã linh hoạt trong khâu lựa chọn gỗ, các loại gỗ quý đã dần được thay thế bởi các loại gỗ tự nhiên như: gỗ hương, gỗ trắc, gỗ cẩm, gỗ ngọc yến, gỗ mít, gỗ xà cừ... Nguyên liệu gỗ được nhập về chủ yếu từ các chợ gỗ ở Bắc Ninh, Tây Nguyên, Lào...

Sản phẩm của làng nghề có mặt khắp thị trường trong và ngoài nước

Thời gian trung bình để thực hiện một bức tượng Di Lặc khoảng nửa tháng, nếu tượng to thì khoảng 1 đến 2 tháng tùy theo độ khó của sản phẩm. Do thị hiếu của khách hàng ngày càng tinh tế, nên người thợ điêu khắc cũng phải luôn tìm tòi, khám phá cái mới để cải tiến mẫu mã, sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của những người yêu thích tượng gỗ điêu khắc. Bình quân, mỗi người theo học nghề phải đi học từ 4 đến 5 năm mới thành nghề.

Anh Nguyễn Văn Minh - người làm nghề điêu khắc gỗ cho biết: “Để có một sản phẩm ra đời, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn rất tỉ mỉ như: Chọn gỗ, gỗ được đưa qua máy cưa để chỉnh thành hình khối, đục, làm mặt, gõ, chạm, đánh bóng, giấy giáp, phun, sơn PU. Công đoạn đánh bóng phun sơn là công đoạn cuối để hoàn tất sản phẩm đưa ra thị trường…”

Theo anh Minh, nghề kinh doanh sản xuất điêu khắc gỗ lượng khách chủ yếu là khách Việt Nam, bình quân mỗi tháng bán được khoảng 30 đến 40 bức tượng các loại. Thời gian bán chạy nhất là 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm, các tháng giữa năm thường bán chậm hơn. Trước đây, thợ ở làng nghề thường tập trung làm tại các xưởng, nhưng hiện nay họ tách riêng ra hoạt động chủ yếu theo hình thức cá thể. Mỗi một cửa hàng lại chuyên về một vài công đoạn nào đó, hoặc chuyên về một số sản phẩm tượng gỗ.

Những sản phẩm tinh xảo đã được nhiều người đặt hàng

Với những ứng dụng mới của khoa học công nghệ, nghệ nhân làng nghề Dư Dụ đưa máy móc vào hỗ trợ, thay thế một số công đoạn pha chế nguyên liệu và hoàn thiện sản phẩm vốn trước chỉ làm bằng thủ công. Các loại máy phun sơn, máy cưa, máy tiện cùng một số công cụ khác hỗ trợ thiết thực giúp người thợ nâng cao tay nghề tinh xảo, sáng tạo mẫu mã, tạo được họa tiết độc đáo mới lạ cho sản phẩm điêu khắc trên các chất liệu gỗ.

Nghề điêu khắc ở làng nghề gỗ Dư Dụ đang ngày càng phát triển, bên cạnh sự năng động của người dân trong việc đa dạng hóa sản phẩm, làng nghề còn quan tâm tới việc đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, chọn những người thợ giỏi đứng ra truyền nghề và sự hỗ trợ của các trung tâm dạy nghề. Trải qua nhiều thăng trầm, nhưng những người thợ điêu khắc gỗ vẫn ngày đêm miệt mài sáng tạo, say sưa mang cái đẹp đến với cuộc sống, để những sản phẩm điêu khắc gỗ truyền thống làng nghề sẽ trở thành địa chỉ đỏ ghé thăm cho những du khách yêu thích tinh hoa nghệ thuật điêu khắc gỗ.

Hương Quỳnh

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/lang-nghe-moc-du-du-am-tham-phat-trien-104557