Làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh tất bật vào vụ Tết

Tại tỉnh Quảng Trị, có một làng nghề cứ vào dịp cuối năm, bếp lửa nhà nhà lại đỏ rực nhộn nhịp sản xuất những mẻ mứt gừng nồng cay, nóng hổi cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước để phục vụ Tết Nguyên đán.

Nổi tiếng từ xa xưa, làng mứt gừng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng không chỉ là một món ăn đặc trưng mà còn mang cả nét văn hóa dân tộc của cha ông về truyền thống hiếu khách được gói gọn trong từng lát mứt gừng nồng cay thơm ngào ngạt.

Sản xuất mứt gừng tại làng mứt gừng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị).

Sản xuất mứt gừng tại làng mứt gừng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị).

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, không khí sản xuất tại làng mứt gừng Mỹ Chánh diễn ra vô cùng nhộn nhịp, tất bật. Người cắt gừng, trộn đường, người đảo bếp, người đóng gói... các khâu làm mứt được diễn ra liên tục. Mùi thơm ngát của mứt gừng lẫn vào mùi của khói bếp lan tỏa khắp làng như xua tan cái lạnh của những ngày Đông giá buốt, báo hiệu một mùa Xuân mới sắp về. Gừng được chọn làm mứt không được cay quá, sau khi rửa sạch được cắt lát ngâm và luộc để chế biến.

Sên gừng làm mứt.

"Để có lát mứt gừng ngon không quá cay cũng không quá ngọt thì người làm phải có kinh nghiệm, nêm nếm vừa tay. Mặt khác, quá trình nấu phải khống chế ngọn lửa ở nhiệt độ vừa phải, tay đảo đều thì mứt mới không bị "già", mất vị ngon vốn có… Đặc biệt, khi sơ chế mứt gừng, muốn lát mứt có màu sắc đẹp và ngon, không mất vị, thì phải sử dụng dấm hoặc chanh. Đối với người dân Mỹ Chánh chúng tôi nói riêng và người Quảng Trị nói chung, Tết mà không có lát mứt gừng thì không phải là Tết nữa rồi", chị Lê Thị Mỹ Ni, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh chia sẻ.

Theo UBND xã Hải Chánh, hiện nay, cả thôn Mỹ Chánh có trên 20 hộ dân sản xuất mứt gừng lâu năm với tổng sản lượng ước đạt từ 60-70 tấn mứt được bán ra khắp các thị trường trong và ngoài nước cung cấp chỉ riêng trong dịp Tết Nguyên đán.

Nhờ vậy, nghề làm mứt gừng đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, có thêm điều kiện gia tăng thu nhập trang trải cuộc sống, đón Tết sung túc, đầm ấm hơn.

Mứt gừng sau khi sên được tãi ra để khô.

Ông Trần Viết Dũng, chủ cơ sở sản xuất mứt gừng Ni Dũng ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh cho biết, cơ sở làm mứt gừng đã được 20 năm. Mứt gừng tại cơ sở làm ra có vị ngon đặc trưng với mùi thơm của gừng, chanh hòa quyện với nhau, độ cay vừa phải. Mứt gừng được thị trường ưa chuộng, có chỗ đứng riêng trong lòng người tiêu dùng nên đầu ra sản phẩm ổn định.

Giá mứt hiện nay 40.000 đồng/kg, trung bình 1 ngày cơ sở chúng tôi sản xuất được 5-6 tạ mứt thành phẩm. Qua đó, tạo công ăn việc làm cho 5 - 6 lao động với số tiền công 200.000 đồng/ngày.

"Tôi mong rằng các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm tạo điều kiện đăng ký thương hiệu sản phẩm để làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh ngày càng vươn xa, được nhiều người biết đến. Từ đó, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong xã vừa giữ gìn ngành nghề truyền thống của cha ông để lại cho con cháu…", ông Trần Viết Dũng nói.

Đóng gói mứt gừng tại làng Mỹ Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị).

Đối với người Quảng Trị, trong những ngày Tết Nguyên đán, trên bàn đều không thể thiếu mứt gừng và ấm chè xanh để mời khách. Tinh hoa nghề xưa mang hồn cốt văn hóa Việt được lưu truyền và gìn giữ cho đến nay. Làng nghề mứt gừng Mỹ Chánh là một trong những làng nghề truyền thống "trứ danh" của địa phương còn tồn tại đến ngày nay. Có mặt tại một trong những cơ sở sản xuất mứt gừng lớn nhất xã Hải Chánh, ông Hồ Ngọc Tuấn (60 tuổi), chủ cơ sở sản xuất mứt gừng Tuấn Tâm, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh cho biết, với mong muốn giữ gìn và phát triển ngành nghề truyền thống của cha ông để lại, cơ sở duy trì sản xuất được hơn 30 năm nay. Trung bình mỗi mùa sản xuất được khoảng 30 tấn mứt gừng. Thời gian cao điểm phục vụ cho vụ Tết Nguyên đán, mỗi ngày phải duy trì khoảng 50 người làm mới kịp sản xuất đủ các đơn đặt hàng từ Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...

Sản xuất mứt gừng tại làng mứt gừng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị).

Ông Bùi Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, nghề làm mứt gừng làng Mỹ Chánh đã có từ lâu, trải qua bao thế hệ, thăng trầm theo dòng lịch sử, người dân nơi đây vẫn gắn bó, phát triển. Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về thì làng nghề mứt gừng truyền thống của xã Hải Chánh lại vào vụ.

Sản phẩm mứt gừng làng Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị).

Để phát triển làng nghề truyền thống này, UBND xã Hải Chánh đã xây dựng Đề án về phát triển các ngành nghề tiểu thủ nông nghiệp trên địa bàn và được Hội đồng nhân dân xã thông qua. Địa phương đã có các chủ trương khuyến khích cũng như những chính sáchhỗ trợ các hộ dân, cơ sở sản xuất đăng kí các nhãn hiệu, thương hiệu tham gia các hội chợ triển lãm. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương vận động các hộ bán hàng theo công nghệ hiện đại 4.0 trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội, webside... Hiện nay, UBND xã đang tập trung chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đăng kí sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương với thương hiệu mứt gừng Mỹ Chánh…

Bài và ảnh: Thanh Thủy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/lang-nghe-mut-gung-my-chanh-tat-bat-vao-vu-tet-20230106075037920.htm