Lắng nghe người dân hiến kế: Xây dựng bản sắc văn hóa giao thông

Trong công tác an toàn giao thông, không thể chỉ chính quyền hay các tổ chức hành động mà rất cần sự chung tay góp sức của người dân. Đối với TP HCM, sự chung tay đó còn phải tích cực hơn

Lâu nay, chúng ta cứ nghĩ xây dựng một bản sắc riêng là rất khó nhưng đối với văn hóa giao thông lại có một hướng đi khác. Đó là làm dần, thấm dần từng việc nhỏ, nhiệm vụ nhỏ thông qua việc tuyên truyền, giáo dục và quản lý.

Đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục

Theo thống kê của Bộ Công an, liên quan đến số vụ tai nạn giao thông (TNGT), độ tuổi thanh niên chiếm gần 40%, trong đó người 18-27 tuổi chiếm 33,9% số vụ.

Để giảm thiểu TNGT từ thanh niên, phải hướng sự quan tâm của họ đến an toàn giao thông (ATGT). Chỉ phát động phong trào thôi chưa đủ mà còn phải làm thế nào để nâng cao ý thức giao thông từ chính các hoạt động hằng ngày.

Ngành giáo dục cần đổi mới cách giảng dạy văn hóa giao thông vừa thực tế vừa có chiều sâu thông qua việc xây dựng giáo trình bài bản. Tăng hứng thú cho các giờ học về ATGT bằng những clip về tình huống giao thông cụ thể, trực quan. Tổ chức những buổi sinh hoạt, thực hành về biển báo trên thực tế, các giờ học về kỹ năng điều khiển phương tiện xe máy. Các trường có thể phối hợp với CSGT để tổ chức các buổi thực hành ngoại khóa về ATGT bên cạnh các buổi sinh hoạt chung ở trường.

Bên cạnh đó, đưa học sinh đến thăm bệnh viện có người bị TNGT, thăm những gia đình có người thân thiệt mạng vì TNGT để các em hiểu được nỗi đau do TNGT gây ra, từ đó tham gia giao thông cẩn thận hơn.

Đối với thanh niên ở cơ quan, đơn vị, nên đưa tiêu chí tham gia giao thông an toàn, có trách nhiệm vào công tác thi đua, khen thưởng. Đặc biệt, cơ quan, tổ chức nghiêm túc thực hiện quy định không lái xe khi đã uống rượu bia, có quy định xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật giao thông.

Với đối tượng thanh niên tự do ở địa phương, cần phải có lực lượng thanh niên xung kích đến từng phường, xã, tổ dân phố để tuyên truyền. Bên cạnh các phương pháp giáo dục truyền thống như phát tờ rơi, chiếu phim…, cách làm hiệu quả nhất chính là quản lý và nhắc nhở hằng ngày. Ngoài ra, tiếng nói của các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… rất có sức nặng trong đời sống. Ban ATGT TP cần tổ chức nhiều hoạt động gắn bó chặt chẽ với các tổ chức này hơn nhằm khơi dậy phong trào nâng cao ý thức khi tham gia giao thông trong người dân.

Đặc biệt, tận dụng Facebook lập một mạng lưới thông tin về vi phạm luật giao thông. Những người ý thức kém, cố tình vi phạm nhiều lần sẽ bị "soi", khiến họ phải tự nhìn lại hành động của mình.

Bia, rượu cũng chính là thủ phạm gây nên TNGT. Biện pháp hiệu quả là tuyên truyền tại chính các quán bia, rượu. Khẩu hiệu "Lái xe thì không uống rượu bia, đã uống rượu bia thì không lái xe" bắt buộc đặt tại các hàng quán kèm theo trích dẫn luật giao thông cũng như lắp đặt thiết bị đo nồng độ cồn để cảnh báo khách.

Phải cương quyết xây dựng văn hóa uống có trách nhiệm từ chính các nhà hàng. Có thể dùng Facebook để tạo mạng lưới các nhà hàng uống có trách nhiệm. Những nhà hàng này sẽ trang trí các hình ảnh tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng không lái xe khi đã sử dụng rượu bia; liên kết với các công ty taxi để phục vụ khách có nhu cầu.

Một trong những giải pháp để giảm ùn tắc là làm sao hạn chế được lượng người lưu thông trên đường vào các giờ cao điểm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Một trong những giải pháp để giảm ùn tắc là làm sao hạn chế được lượng người lưu thông trên đường vào các giờ cao điểm. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Áp dụng công nghệ để quản lý

Bài toán đặt ra để giảm ùn tắc là làm sao hạn chế được lượng người lưu thông trên đường vào các giờ cao điểm. Giải pháp hiệu quả chính là cho phép một bộ phận người lao động (NLĐ) làm việc tại nhà một vài ngày trong tuần. Mức độ hợp lý có thể là 1 ngày rưỡi (hoặc 3 buổi)/tuần. Vào những ngày đó, NLĐ có thể làm việc trên máy tính và báo cáo kết quả với người phụ trách thông qua hệ thống online. Biện pháp này hoàn toàn có thể áp dụng cho nhóm cán bộ, công chức, NLĐ ở các vị trí không cần xuất hiện thường xuyên ở cơ quan như nhân viên kế hoạch, nhân viên thị trường, cán bộ nghiên cứu… Với tiện ích và các ứng dụng công nghệ phong phú, NLĐ hoàn toàn có thể bảo đảm hiệu suất công việc dù làm ở nhà. Nhiều nước đã cho phép công chức, NLĐ có thể làm việc ở nhà. Riêng ở Việt Nam, đã có một số công ty áp dụng chế độ làm việc từ xa.

Ý thức kém của người tham gia giao thông được xem là nguyên nhân của ùn tắc, bên cạnh mật độ giao thông lớn, hạ tầng chưa bảo đảm. Giải quyết vấn đề này không chỉ ngày một ngày hai mà cần thời gian. Trước mắt, dùng pháp luật nghiêm minh để răn đe, xử phạt cả những hành vi "nhỏ" như tạt đầu, chen lấn, vượt ẩu, leo vỉa hè…

Biện pháp tức thời tiếp theo là đặt biển báo ùn tắc tại các con đường có nguy cơ, điều khiển từ xa tại trung tâm kỹ thuật. Các biển báo này có thể thiết kế điện tử đơn giản, chỉ có các dấu hiệu tắc, không tắc hoặc đang tắc và có nguy cơ.

Rất nhiều vụ TNGT xuất phát từ lý do "học cho có bằng lái, có bao giờ lái xe đâu", nên khi gặp tình huống thực tế, người lái xe không phản ứng kịp dẫn đến tai nạn. Vì vậy, nên ra quy định bắt buộc người lái xe phải học lại luật giao thông và kiểm tra trình độ lái xe (thực hành) khi đổi bằng (gia hạn thời gian). Việc kiểm tra lại cần sự giản tiện tối đa để không mất thời gian và tiền bạc của người lái xe.

Cuối cùng là việc kiểm soát nồng độ cồn. Ở Bắc Âu áp dụng công nghệ để hạn chế tối đa việc lái xe khi đã sử dụng rượu, bia. Hệ thống này được lắp đặt trên xe, gồm máy đo nồng độ cồn qua khí thở, được kết nối với mạch đánh lửa của ôtô. Khi người lái xe xoay chìa khóa khởi động, hệ thống đo nồng độ cồn và bộ điều khiển sẽ phân tích kết quả, nếu vượt ngưỡng quy định, xe sẽ không thể di chuyển vì bộ điều khiển đã ngắt động cơ. Hiệu quả của chiến lược này đã được chứng minh ở một số nước phát triển như Thụy Điển, chúng ta có thể nghiên cứu để áp dụng.

Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2

Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 bắt đầu từ ngày 4-6-2020 đến hết ngày 31-5-2021, tập trung vào 3 chủ đề chính: Đô thị thông minh, Khởi nghiệp - Thương hiệu của TP HCM và Bản sắc văn hóa đô thị TP HCM.

Tác phẩm dự thi gửi qua địa chỉ email: bandoc@nld.com.vn (kèm thông tin liên lạc của tác giả: số điện thoại, địa chỉ nhà) hoặc gửi trực tiếp đến Báo Người Lao Động tại địa chỉ: 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu (phường 6 cũ), quận 3, TP HCM.

Giải thưởng cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 2 gồm: 1 giải nhất 50 triệu đồng, 1 giải nhì 30 triệu đồng, 1 giải ba 20 triệu đồng và 2 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.

Đinh Thành Trung

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/xay-dung-ban-sac-van-hoa-giao-thong-20210218210829015.htm