Làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá: Nơi lưu giữ khoảnh khắc thời gian

Trong cuộc sống ồn ào, tấp nập, con người dường như cũng gấp gáp hơn, vội vã hơn. Ấy vậy mà, người dân làng Lai Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) vẫn bền bỉ với nghề níu giữ những khoảnh khắc thời gian - nghề nhiếp ảnh.

Làng nghề "độc nhất, vô nhị"

Người dân Lai Xá vẫn tự hào về nghề của làng, bởi trên khắp cả nước, chỉ duy nhất Lai Xá được nhà nước công nhận làng nghề truyền thống nhiếp ảnh. Trong ký ức của ông Nguyễn Minh Nhật - nghệ nhân đã ở tuổi "xưa nay hiếm", những năm thuộc thập niên 70, 80, nghề chụp ảnh ở Lai Xá phát triển cực thịnh. Người làng Lai Xá không chỉ đi khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước mở hiệu ảnh mà còn sang cả Lào, Campuchia làm nghề. Những hiệu ảnh Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa, Thịnh Ký, Thiện Ký... của người Lai Xá nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Người dân làng Lai Xá được thừa hưởng tuyệt kỹ của ông cha để lại nên những bức ảnh chụp không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ, độc đáo về ánh sáng mà còn rất có hồn. Như lời nghệ nhân Nguyễn Minh Nhật, ánh sáng là yếu tố quan trọng để tạo nên một bức ảnh đẹp, có nhiều loại ánh sáng khác nhau, mỗi hướng ánh sáng sẽ tạo nên những hiệu ứng riêng và làm bật được nét đẹp của nhân vật. Thế nhưng, điều làm nên hồn của bức ảnh chính là thần thái của nhân vật và để chụp nên nét thần thái này cực khó. "Bằng rung cảm của người làm nghề, chúng tôi sẽ bắt những khoảnh khắc đẹp nhất mà nhân vật thậm chí còn không biết chụp lúc nào" - người nghệ nhân già vui vẻ nói.

Trải qua hơn 120 năm phát triển, nghề nhiếp ảnh của Lai Xá tuy không còn thịnh vượng như xưa, nhưng dân làng đang nỗ lực từng ngày thích nghi và bắt nhịp với dòng chảy mới của xã hội. Là hậu duệ 4 đời của một trong những tay máy cự phách của làng Lai Xá, anh Nguyễn Việt Anh chia sẻ, các thiết bị thông minh có thể đáp ứng được tiêu chí nhanh, tiện nhưng không thể tạo nên được những bức ảnh có hồn, đẹp chân thật nhất. "Do đó, chúng tôi luôn tin, nghề nhiếp ảnh của làng Lai không thể bị mất đi" - anh Việt Anh tự tin nói.

Cho dù vậy, việc theo kịp xu hướng là điều không thể không làm. Anh Việt Anh cũng như nhiều tay máy trẻ của làng Lai Xá không chỉ tiếp bước ông cha đi khắp các vùng, miền chụp ảnh theo kinh nghiệm truyền thống mà còn tự tìm tòi và tham gia những khóa học ngắn hạn về xu hướng nhiếp ảnh hiện đại, đầu tư thiết bị, công nghệ mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại. "Dù phong cách chụp có khác, dù các thiết bị hiện đại hơn rất nhiều nhưng những kinh nghiệm bí truyền ông cha để lại mới là yếu tố chính tạo nên nét đẹp, sự đặc sắc của ảnh làng Lai Xá" - anh Việt Anh nói.

Nơi sản sinh anh tài

Người dân Lai Xá luôn tự hào không chỉ bởi đây là làng nghề "độc nhất, vô nhị" mà còn là nơi sản sinh ra nhiều anh tài. Theo lời ông Lê Đình Thái - thành viên Ban làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, đã có nhiều phóng viên ảnh hoạt động trong các tòa soạn báo lớn xuất thân từ Lai Xá.

Đầu tiên phải kể đến phóng viên - liệt sỹ Nguyễn Văn Giá, suốt chín năm kháng chiến chống Pháp, vừa là chiến sĩ, vừa là phóng viên mặt trận, ông đã tham gia chiến đấu, chụp ảnh, viết báo ở những chiến trường ác liệt và để lại cho thế hệ sau những bức ảnh mang tính lịch sử. Bốn năm lăn lộn ở các chiến trường Khu V, ông và đồng nghiệp đã quay hàng chục vạn những thước phim tư liệu quý giá.

Ông Lê Đình Thái - thành viên Ban làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá giới thiệu về chiếc máy ảnh hàng trăm năm tuổi

Ông Lê Đình Thái - thành viên Ban làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá giới thiệu về chiếc máy ảnh hàng trăm năm tuổi

Phóng viên nhiếp ảnh Vũ Đình Hồng cũng là một trong những nhân vật được người dân làng Lai nhắc nhiều tới khi là 1 trong 3 người vinh dự được chọn chụp ảnh Bác Hồ trong suốt một thời gian dài. Ngoài việc chụp ảnh, ông còn tham gia làm tư liệu ảnh, sắp xếp theo chuyên đề phục vụ công tác lưu trữ và tuyên truyền. Thế hệ phóng viên ảnh trẻ hơn có ông Nguyễn Anh Tuấn, trưởng thành trong quân đội, ông đặc biệt có duyên được gặp và chụp ảnh nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tham gia nhiều triển lãm ảnh trong nước và quốc tế…

Quả thực, với những gì đã có, người dân làng Lai Xá có quyền tự hào về nghề truyền thống của mình. Người dân Lai Xá cũng đã góp công, góp của xây dựng lên Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá với mong muốn lưu lại muôn đời những kỷ vật gắn bó với nghề của ông cha. Như lời ông Lê Đình Thái: "Dù xã hội sau này tiến triển ra sao, Lai Xá cũng đã và đang bảo tồn, phát triển nghề truyền thống của cha ông để lại. Những kỷ vật, những bức ảnh sẽ là lời kể sinh động nhất cho thế sau những câu chuyện đáng tự hào và cả những thăng trầm làng nghề nhiếp ảnh truyền thống Lai Xá đã trải qua".

Sau 2 năm theo học ở hiệu ảnh người Hoa, ông Nguyễn Đình Khánh đã về mở hiệu ảnh Khánh Ký tại phố Hàng Da. Không chỉ mưu sinh bằng nghề ảnh, ông đã truyền nghề cho cả làng và được người dân Lai Xá suy tôn thành ông tổ làng nghề. Khánh Ký trở thành một trong 4 danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam.

Việt Nga - Hoàng Lan

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lang-nghe-nhiep-anh-lai-xa-noi-luu-giu-khoanh-khac-thoi-gian-121273.html