Làng nghề Nón lá Gia Thanh – Song hành cùng năm tháng...

Từ lâu, mảnh đất Phú Thọ không chỉ là vùng đất cổ, cái nôi của nền văn hóa Lạc Việt mà còn là nơi khởi nguồn của nhiều làng nghề truyền thống. Trong đó, không thể không kể đến Làng nghề Nón lá Gia Thanh với truyền thống làm nón lá đã tồn tại hơn 100 năm.

Cách Khu Di tích lịch sử Đền Hùng khoảng hơn 20km, xóm Rền, xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh là vùng quê nức tiếng với nghề làm Nón lá. Sở dĩ nón lá Gia Thanh có tiếng là vì bền, đẹp và sự kỳ công, khéo léo của đôi bàn tay người nông dân chịu thương chịu khó.

Theo lời kể của những người dân sinh sống lâu năm cho biết, tại xã Gia Thanh không chỉ có phụ nữ biết làm nón lá mà ngay cả những người đàn ông cũng có thể giúp chuốt vành, lên khung… Để làm hoàn thiện một chiếc nón lá, người làm phải thực hiện khoảng hơn 10 công đoạn từ khi mua lá về như: để ỉu, là lá, xây vành nón, quai nón, may nón, nức vành, mạng chóp, nức nón, cho tới khi nón được bán tới tay người sử dụng.

Ngay cả những bạn nhỏ trong làng cũng biết làm lá nón (Ảnh: N.T.H.Y)

Hằng ngày, có rất nhiều du khách tới tham quan các sản phẩm nón lá Gia Thanh (Ảnh: N.V.T)

Đặc biệt, một trong những công đoạn khó nhất là khâu nếu khâu không khéo lá sẽ rách, và khi lá rách thì không thể làm được. Bên cạnh đó, bàn tay người thợ khi cầm kim cần đưa nhanh từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài, những đường kim thẳng tắp vừa cố định những vanh tròn và lá vừa như trang trí tạo sự độc đáo cho chiếc nón. Khi chiếc nón được khâu xong, người thợ hơ bằng hơi diêm, quăng dầu phủ bên ngoài, làm cho màu nón trở nên trắng muốt và không bị mốc.

Tiếp tục dò hỏi những người làm nón lâu năm trong làng, chúng tôi được biết, có tới hơn 2/3 số hộ làm nghề với hàng trăm người làm nón lá chuyên nghiệp, từ trẻ nhỏ đến người lớn, các cụ già đều có thể cầm kim “nức” nón.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Tịch, ở khu 4, Xóm Rền, Gia Thanh cho biết: “Nghề làm nón không có bất kỳ loại máy móc nào thay thế từng công đoạn đều được làm thủ công nên mất nhiều thời gian, một ngày một người làm nón chuyên nghiệp chỉ hoàn thành được 1 chiếc nón. Trung bình một chiếc nón lá có giá từ 50-60 nghìn đồng.
Để hoàn thiện một chiếc nón lá, cần phải lựa chọn những chiếc lá cọ phẳng phiu, nhẵn bóng, lợp nón người thợ phải là lá rất cầu kỳ, lấy hơi nóng từ chiếc lưỡi cày sau đó phủ lên một túi vải ẩm để là lá. Lá sau khi là được cắt gọn hai đầu đủ dài để lợp từ chóp xuống vành cái được xếp chồng liền nhau, không xô lệch.

Mỗi chiếc nón được lợp 2 lần lá, giữa 2 lần được lót thêm một lượt mo cau cho nón thêm dày và cứng cáp, tránh mưa ướt. Mặt trong của nón được người thợ khéo léo luồn những sợi chỉ màu đỏ để buộc quai nón. Bàn tay người thợ cầm kim khéo léo đưa nhanh từng mũi khâu thẳng đều từ vòng trong ra vòng ngoài không hề chệch đường”.

Tương tự, cũng theo bà Triệu Thị Nhường, trưởng làng nghề nón lá Gia Thanh chia sẻ: “Từ khi được kết nối trở thành điểm du lịch trong tỉnh làng đã có nhiều khởi sắc. Du khách, không chỉ đến từ nhiều tỉnh, mà còn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Thụy Điển, New Zealand... Du khách tham quan tìm hiểu lịch sử làng nghề, tận mắt chứng kiến người dân làm các công đoạn nón lá và được tham gia làm các công đoạn để hoàn thiện nón lá”.

Năm 2016, Làng nghề nón lá Gia Thanh được UBND tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề truyền thống. Trước đây người dân chỉ tranh thủ làm nón lúc nhàn rỗi, giờ đây làm nón đã dần trở thành nghề chính, tạo công ăn việc làm, góp phần ổn định cuộc sống cho đại bộ phận người dân trong xã.

Những ngày cuối năm, có dịp đặt chân tới mảnh đất làng nghề truyền thống Gia Thanh, du khách khỏi ngỡ ngàng bởi sự hối hả, tất bật của người dân ngày đêm miệt mài chăm chút, tỉ mỉ cho từng thành phẩm nón lá thêm duyên dáng, mang đậm chất liệu quê hương Phú Thọ. Phải chăng, chính nón lá Gia Thanh đang góp phần vào việc bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa truyền thống của làng Rền một sản phẩm đặc trưng của miền quê rừng cọ đồi chè.

Thanh Huyền

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/lang-nghe-non-la-gia-thanh--song-hanh-cung-nam-thang-d16463.html