'Làng nghề, phố nghề Hà Nội' qua ống kính nhiếp ảnh

Báo Kinh tế Đô thị phối hợp với Câu lạc bộ Nhiếp ảnh người cao tuổi Hà Nội và Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức triển lãm 'Hà Nội trong tôi - năm 2018' với chủ đề 'Làng nghề, phố nghề Hà Nội'. 80 bức ảnh chân thực, sinh động trưng bày tại triển lãm, ghi lại chân dung các nghệ nhân, cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt đời thường ở các làng nghề, phố nghề của Hà Nội.

Tác phẩm Nghệ nhân Nguyễn Phương Hùng (phố Lò Rèn) giữ lửa nghề của Đặng Linh

Bức tranh lao động sản xuất

Hà Nội là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước. Với các sản phẩm: Đồng, mộc, gốm, sơn mài, khảm trai, ẩm thực… đa dạng mẫu mã, phong phú về chủng loại. Các làng nghề này, mỗi năm đem lại cho Hà Nội hàng trăm tỷ đồng, giải quyết được hàng vạn lao động dôi dư tại địa phương. Những sản phẩm của làng nghề, không những được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Theo sử sách, khi về kinh thành làm ăn, sinh sống những người thợ thủ công đã đem theo nghề truyền thống của quê hương tạo nên làng nghề, phố nghề ngày nay. Suốt từ đó tới nay, họ không ngừng gìn giữ, sáng tạo để sản phẩm ngày càng độc đáo, tinh xảo, phong phú, đa dạng, được người tiêu dùng tin yêu. Không những thế, các nghệ nhân còn góp phần kết nối giữa các phố ở kinh thành và các làng nghề quê hương họ. Bởi vậy mà những tên phố Hàng trong khu phố cổ ngày nay đã trở thành nét đặc sắc của văn hóa làng nghề Hà Nội, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế khi khám phá Thủ đô.

Những “Phố nghề”, được hiện lên dưới ống kính của nhiếp ảnh gia Lê Bích như “Nghệ nhân khảm tam khí Nguyễn Ngọc Trọng, phố Khâm Thiên - quận Đống Đa”, “Miệt mài giữ nghề tranh dân gian Hàng Trống”, “Gia đình duy nhất trên phố Tô Tịch còn giữ nghề tiện gỗ” của Hữu Tiệp; “Chế tác tre trúc trên phố Hàng Vải”, “Bánh cốm Hàng Than”, “Đặc sản ô mai Hàng Đường” của Hồng Hạnh; “Nghệ nhân Nguyễn Phương Hùng (phố Lò Rèn) giữ lửa nghề” của Đặng Linh; “Phố Lãn Ông” của Thanh Hải… Các tác phẩm này được xem như bức tranh lớn khắc họa hình ảnh nhộn nhịp, sôi động của phố nghề Hà Nội.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô Hà Nội hiện là địa phương có nhiều làng nghề nhất cả nước, với khoảng 1.350 làng có nghề, trong đó có 272 làng được công nhận là làng nghề, 198 làng nghề truyền thống.

Những làng nghề thủ công mỹ nghệ được hiện lên qua các tác phẩm: “Nét tinh xảo quạt giấy Chàng Sơn” của Xuân Đạt; “Sản xuất chao đèn ở Phú Vinh (Chương Mỹ)” của Đức Ninh; “Lồng chim Canh Hoạt - xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai” của Nguyễn Ngọc Văn; “Tuổi thơ làng Chuông - Thanh Oai” của Tuyết Minh; “Gốm Bát Tràng - Gia Lâm” của Hoàng Như Thính; “Gốm Kim Lan (Gia Lâm) có lịch sử cả nghìn năm đang dần hồi sinh” của Hồng Hạnh...

Hay trong “Nghề ẩm thực”, các tác phẩm ghi lại những khoảnh khắc đẹp ở các làng nghề ẩm thực: “Phơi bánh đa làm miến - Làng So, Quốc Oai” của Viết Mạnh; “Được nắng” của Văn Phúc; “Cốm Vòng - Hương vị mùa thu Hà Nội” của Lê Bích; “Dẻo thơm bánh cuốn Thanh Trì” của Tân Thanh; “Làm mốc tương Đường Lâm, Sơn Tây” của Trương Thanh Bình; “Làng bánh tẻ Phú Nhi (Sơn Tây) món quà dân giã” của Hữu Tiệp; “Đặc sản cốm Mễ Trì” của An Khang… Tất cả như toát lên một Hà Nội với những món ngon nức tiếng, khiến cho nhiều thực khách khi đặt chân đến đất kinh kì phải tìm đến để được thưởng thức.

Tác phẩm “Bó hom vóc cho sản phẩm sơn mài Hạ Thái - Thường Tín” của Hồng Hạnh

Quảng bá nét tinh hoa, văn hóa của làng nghề

Nhiếp ảnh gia Hồng Hạnh chia sẻ: “Tôi ấn tượng khi đặt chân đến làng Cổ Đô, huyện Ba Vì bởi ngôi nhà nào cũng treo tranh đầy tường. Từ đầu tới cuối làng, bên hiên nhà, ngoài cổng, trên bờ đê… đâu đâu cũng bắt gặp các họa sĩ đang say sưa “múa” cọ. Nhưng, họ không phải “dân” chuyên nghiệp mà đa phần là nông dân, người kinh doanh hoặc trí thức... tại địa phương. Hội họa dường như ăn vào máu của họ... Vì thế tôi đã chớp được khoảnh khắc đẹp nhất đó là tác phẩm “Làng họa sĩ Cổ Đô”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích chia sẻ: “Các nghệ nhân tuổi ngày càng cao, mỗi năm qua đi, số lượng nghệ nhân ngày càng vơi dần. Chính vì vậy, trong hơn 10 năm qua, tôi như chạy đua với thời gian, dùng tay máy của mình để lưu lại những khoảnh khắc đắm chìm với nghề trong từng đường nét của các nghệ nhân”.

Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập báo Kinh tế Đô thị, Trưởng Ban tổ chức cho biết: “Triển lãm này thực sự trở thành điểm hẹn của những người yêu nhiếp ảnh, yêu Hà Nội. Triển lãm là một bức tranh đa sắc màu của Hà Nội thông qua những bức ảnh, người xem có thể thấy những nét bình dị, đời thường trong lao động, sản xuất của người Hà Nội; tình yêu Hà Nội của những người cầm máy qua những góc nhìn”.

Hiền Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/lang-nghe-pho-nghe-ha-noi-qua-ong-kinh-nhiep-anh-3956937-b.html