Làng nghề rèn Đa Sỹ: Tìm giải pháp bảo đảm an toàn lao động

Hoạt động sản xuất của làng nghề rèn Đa Sỹ chủ yếu được tổ chức tại hộ gia đình nằm trong khu dân cư thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được các hộ gia đình thực hiện, tuy nhiên họ mong sớm có khu sản xuất riêng tách biệt với nơi ở để tránh bị ảnh hưởng.
Mọi khâu đều dùng bảo hộ lao động
Trên địa bàn phường Kiến Hưng có 1.250 hộ làm nghề rèn dao, kéo các loại... Thu nhập bình quân hộ sản xuất bình thường đạt 12 triệu đồng/tháng; những hộ đầu tư sản xuất máy búa lớn lên tới 20 – 25 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện đáng kể kinh tế gia đình cũng đóng góp vào sự phát triển của phường. Phó Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng Bùi Văn Bằng cho biết: Để hoạt động sản xuất sản phẩm đảm bảo ATVSLĐ và vệ sinh môi trường, phường luôn tuyên truyền về chủ đề này trên loa truyền thanh phường và tuyên truyền lưu động.

 Nghệ nhân Nguyễn Văn Tý đang cắt sản phẩm theo định hình đã vẽ. Ảnh: Oanh Trần

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tý đang cắt sản phẩm theo định hình đã vẽ. Ảnh: Oanh Trần

Về phía Hiệp hội Làng nghề Đa Sỹ cũng tổ chức tập huấn ATVSLĐ cho các hội viên, hạn chế tối đa tai nạn lao động và cháy nổ. Theo ông Bùi Văn Bằng, sự cố về ATVSLĐ thường xảy ra đối với những người làm thủ công, sản xuất các phôi thép và khu vực lò rèn. Vì thế, phường yêu cầu người dân khi cắt phôi thép, ngoài việc đi găng tay, đeo kính, phải đội mũ bảo hiểm; khu vực lò rèn có vách bảo vệ. Bụi sắt mài ra được thu gom lại để nhân viên công ty môi trường chở đi. Phường Kiến Hưng cũng phổ biến, vận động Nhân dân mua các bình bọt để trong gia đình phòng khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Phường và các khu dân cư đều thành lập những đội phòng cháy chữa cháy, vì thế những năm qua không xảy ra cháy nổ lớn. Các vụ cháy nổ nhỏ đều được phát hiện và dập tắt kịp thời. Cũng do thực hiện quy định về đảm bảo ATVSLĐ nên những năm gần đây, phường Kiến Hưng không có tai nạn lao động ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, vẫn có tai nạn nhỏ gây thương tích khi lao động thủ công do những tình huống bất ngờ.
Mong có khu sản xuất riêng biệt
Đặc điểm chung ở làng rèn Đa Sỹ là không ít hộ gia đình dùng nơi ở làm chỗ sản xuất. Nghệ nhân Nguyễn Văn Tý, tổ 8, phường Kiến Hưng vừa là ông chủ nhưng trực tiếp đứng máy, cho biết: "Để đỡ sức người và đảm bảo ATVSLĐ, tôi đã đầu tư mua gần 20 máy móc, thuê thêm 8 – 10 thợ, trả công 200.000 – 400.000 đồng/ngày, bao ăn, ở.

Tôi luôn nhắc nhở công nhân phải đeo khẩu trang, găng tay; khi hàn điện, cắt sản phẩm bằng máy phải đeo thêm kính. Những người làm nghề rèn tiếp xúc với sắt thép nhiều, có lúc va chạm chảy máu chân tay nhưng đó chỉ là vết thương nhỏ hiếm khi phải đi viện".

Nhiều năm làm nghề, ông Tý cũng thừa nhận, việc tận dụng tầng 1 của ngôi nhà đang ở để tập kết nguyên liệu và vận hành máy cắt sắt gây ảnh hưởng trực tiếp đến các thành viên trong gia đình. Để giảm tiếng ồn và bụi bặm, ông Tý làm cửa kính ngăn ở lối vào tầng 2 – nơi sinh hoạt của cả gia đình.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Mộc ở kế bên cũng chia sẻ về việc làm sao không để xảy ra tai nạn. Theo ông Mộc, mặc dù, khi làm nghề, gia đình ông đều dùng đồ bảo hộ, đeo kính, có chắn nhưng tai nạn đôi khi vẫn bất ngờ xảy ra.

Bà Hiếu – vợ ông Mộc chia sẻ thêm: "Để giữ gìn sức khỏe, ngoài việc dùng đồ bảo hộ khi làm hàng, hàng ngày chúng tôi phải vệ sinh mắt bằng cách tra nước muối loại nhẹ, rửa tay chân bằng xà phòng cho sạch dầu mỡ, buổi tối phải ngậm, súc nước muối để bảo quản họng do buổi ngày tiếp xúc với hơi than rất độc".
Những gia đình có điều kiện đầu tư mua máy móc để làm nghề rèn Đa Sỹ đều khẳng định, va quệt gây ra vết thương giảm đi rất nhiều so với trước đây. Nhưng hiện nay, phường Kiến Hưng mới có 87 gia đình có điều kiện mua máy móc đầu tư sản xuất, số hộ còn lại vẫn làm thủ công bởi không có đất để mở xưởng. Vì thế, bà con làng nghề rèn Đa Sỹ mong mỏi TP Hà Nội triển khai cụm điểm công nghiệp làng nghề để có thể chuyển sang khu sản xuất riêng biệt, bảo đảm ATVSLĐ và môi trường.

Oanh Trần

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/lang-nghe-ren-da-sy-tim-giai-phap-bao-dam-an-toan-lao-dong-400006.html