Làng nghề tạc đá 300 tuổi trước nguy cơ mai một

Ra đời cách đây khoảng 300 năm, làng nghề đá truyền thống Bửu Long (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) với những nghệ nhân có tay nghề điêu luyện, sử dụng loại đá xanh đặc trưng của vùng đất này, tạo nên những sản phẩm đạt tới tầm nghệ thuật không phải ở đâu cũng có được đang đứng trước nguy cơ mai một.

Chế tác đá tại làng nghề Bửu Long (Nguồn: Lao Động Đồng Nai)

Tới thăm Câu lạc bộ Chế tác đá Trấn Biên, những nghệ nhân đã luống tuổi kể lại lịch sử của làng nghề với đầy hoài niệm, nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Bửu Long hình thành từ năm 1679, khi những di thần người Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên đến cư trú tại vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai. Trong số đó có 8 gia đình thuộc các họ Lưu, Đặng, Phạm về làng Tân Lại mở hầm khai thác để phát triển nghề đá của cố hương và hình thành nên làng nghề điêu khắc đá truyền thống Bửu Long duy nhất tại Đồng Nai tồn tại cho đến ngày nay.

Công cụ làm đá khi xưa chỉ có búa tạ, xà beng, chét lớn để khai thác đá, búa trung, búa nhỏ và đục lớn nhỏ các loại để chế tác đá thành các sản phẩm mỹ thuật. Hiện, ở ấp Tân Lại, phường Bửu Long còn miếu thờ ông tổ của nghề đá, gọi là Tổ sư miếu. Hàng năm, vào ngày 13/6 âm lịch giỗ tổ, các gia đình và nghệ nhân nghề chế tác đá tham dự rất đông. Miếu Tổ sư còn gọi là chùa Bà Thiên Hậu đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh từ năm 2008.

Trải qua ngót 3 thế kỷ, các nghệ nhân ở làng Tân Lại đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo có tính mỹ thuật cao, mang đậm nét văn hóa của địa phương gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa, Đồng Nai. Nơi đây, đã sản sinh ra nhiều thế hệ nghệ nhân nổi tiếng về điêu khắc đá như Đặng Văn Lợi, Lưu Chí Dũng, Nguyễn Thành Tiên, Phạm Văn Sơn, Lưu Ngọc Lan... Sản phẩm điêu khắc từ làng nghề đá Bửu Long khá phong phú từ vật dụng, đồ dùng sinh hoạt như cối đá, ly, chén, bình đựng, bộ cờ, đến các kiến trúc trong nhà ở, chùa chiền, đình miếu như tán cột, kèo ngang hay tượng các loại linh thú, tượng danh nhân, tượng thờ tín ngưỡng tôn giáo…

Cụ Trương Ứng Tân, 85 tuổi, cư trú tại phường Bửu Long, người đã hơn 60 năm trong nghề chạm trổ đá cho biết, sở dĩ nghề đá ở Bửu Long nổi tiếng hơn các khu vực khác là vì chất liệu đá ở đây rất đặc biệt. Đó là loại đá xanh, rất mịn, rất cứng, không bị phai mờ, hoen ố theo thời gian... Vì vậy việc chạm trổ cũng khó hơn, chỉ những người trong nghề, học tập thật kỹ mới chạm trổ được những tác phẩm đẹp. Ngày trước dùng tay, các nghệ nhân phải có mẹo của riêng mình thì mới làm tốt được. Chính vì điều này, nghề chạm trổ đá chủ yếu được truyền lại chỉ trong gia đình. Việc truyền lại cho người ngoài cũng có, nhưng khá hạn chế, và chỉ là những kỹ thuật cơ bản, việc học các kỹ thuật cơ bản này, nếu muốn thành nghề cũng phải mất 2 năm.

Cách đây khoảng gần 30 năm là thời kỳ hoàng kim của nghề chế tác đá Bửu Long. Cả làng có hàng chục cơ sở với hàng trăm lao động từ nhiều địa phương trong cả nước đổ về đây. Sản phẩm của làng không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất sang Pháp, Mỹ, Canada... Tuy nhiên, hiện làng chỉ còn khoảng hơn chục hộ còn giữ được nghề. Theo người dân ở đây, do thiếu nguồn nguyên liệu, lớp người trẻ không còn đam mê với nghề, thị trường đá cạnh tranh khốc liệt, tình trạng ô nhiễm môi trường do chế tác đá gây ra... khiến làng nghề tạc đá 300 năm tuổi này đang đứng trước nguy cơ mai một.

Bà Lê Thị Tâm, chủ cơ sở đá Nhật Thành, phường Bửu Long (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết, trước đây, tại làng đá Bửu Long, hầu hết các nghệ nhân đều tạc bằng các dụng cụ thô sơ như đục, mài và hoàn toàn làm bằng tay. Những năm gần đây, trong quá trình tạc đá, người dân đã tìm kiếm những công cụ hỗ trợ tốt hơn và cái đục, cái búa đã dân dần được thay thế bằng các loại máy móc như máy cưa điện, máy mài, máy đánh bóng,… do đó sản phẩm từ đá được thực hiện nhanh chóng hơn. Nhưng mặt trái là tạo ra tiếng ồn và gây ô nhiễm môi trường trong khu vực. Thêm vào đó, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã có quyết định cấm khai thác đá xanh ở khu vực hồ Long Ẩn, một nơi được cho là có nguyên liệu đá tốt nhất của nước ta phục vụ cho việc chế tác các công trình bằng đá. Không có nguyên liệu, đơn vị sản xuất trong làng nghề lại phải đi tìm nguồn đá ở những nơi xa hơn, và cũng vì thế mà công vận chuyển nguyên liệu cũng cao lên. Khó khăn lại tiếp tục đè nặng lên vai bà con làng nghề tạc đá Bửu Long.

Do đó từ cuối năm 2008, Ủy ban nhân dân TP.Biên Hòa đã ra văn bản yêu cầu di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Mặc dù chủ trương của Thành phố thì đã được ban hành, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa tìm đuợc địa điểm để di dời làng nghề, vì chưa có quỹ đất.

Việc quy hoạch di dời làng đá mỹ nghệ Bửu Long qua một nơi khác để không gây ô nhiễm và tiếng ồn cho khu dân cư, hoặc đưa ra khỏi phạm vi quản lý của khu du lịch Bửu Long cũng đã khiến các nghệ nhân gắn bó với nghề rất lo lắng. Nghệ nhân Phạm Duy Luân, người thừa kế nghề đời thứ ba của một gia đình tại làng nghề truyền thống này cho hay, việc duy trì nghề không chỉ là đam mê, sự mặn mà với các thành phẩm từ đá, mà còn là cả trách nhiệm của thế hệ sau đối với văn hóa làng nghề đã tồn tại và phát triển qua hàng trăm năm. Cũng như các nghệ nhân làng đá Bửu Long, Nghệ nhân Phạm Duy Luân lo lắng bởi đã gọi là làng đá Bửu Long thì phải cho hoạt động trong địa bàn cũ, nếu di dời sang khu vực khác, địa danh khác thì còn đâu làng nghề cổ truyền.

Khu du lịch Bửu Long, nơi có nguồn nguyên liệu đá xanh nổi tiếng (Nguồn: Báo Đồng Nai)

Trước tình hình trên, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có cuộc họp bàn tìm biện pháp để di dời, duy trì và phát triển làng nghề đá Bửu Long theo hướng gắn với sự phát triển du lịch trong vùng. Lãnh đạo Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, nghề đá là một bộ phận của khu du lịch, có truyền thống lâu đời, gắn liền sự hình thành và phát triển Biên Hòa nên việc bảo tồn là rất cần thiết. TP.Biên Hòa cũng đã xin quy hoạch khu đất có diện tích 1,1 ha tại phường Bửu Long, dọc đường Huỳnh Văn Nghệ để di dời các cơ sở chế tác đá về đây. Tuy nhiên, có một vấn đề băn khoăn là liệu cần phải xác định việc sản xuất của các cơ sở này có gây ô nhiễm hay không bởi theo quy định thì trong khu du lịch không được tồn tại các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Nai cho rằng, khi quy hoạch cũng cần tính toán đến đầu ra sản phẩm cho làng nghề, tạo không gian sản xuất nhưng phải thấy được sự phát triển so với trước, nếu không đầu tư sẽ đạt hiệu quả không cao.

Để có thể thống nhất mục tiêu cũng như các biện pháp hỗ trợ người làm nghề chế tác đá mỹ nghệ, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Xây dựng và TP. Biên Hòa rà soát lại nguyện vọng của các cơ sở; đồng thời xác định mức độ gây ô nhiễm môi trường của làng nghề làm cơ sở xây dựng phương án di dời, bảo tồn và phát triển. Phải làm sao để người làm nghề có mặt bằng sản xuất, đồng thời có nơi trưng bày sản phẩm để người dân có thể yên tâm gắn bó với nghề, chế tác ra những sản phẩm của chính mình chứ không phải là nơi kinh doanh sản phẩm từ các làng nghề khác, đây cũng là yêu cầu của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đối với giải pháp bảo tồn làng nghề truyền thống của tỉnh này./.

K.V

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/lang-nghe-tac-da-300-tuoi-truoc-nguy-co-mai-mot-479206.html