Lắng nghe và thấu hiểu

Tại buổi gặp mặt với các đại biểu Việt kiều tài năng trong lĩnh vực khoa học công nghệ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Chính phủ luôn muốn được lắng nghe mọi ý kiến tâm huyết của trí thức người Việt trên khắp thế giới (dù trong hay ngoài nước) đóng góp giúp đất nước phát triển vượt bậc trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Không có khoa học công nghệ (KHCN) thì đất nước không thể phát triển. Bởi vậy, Chính phủ luôn quan tâm thúc đẩy phát triển KHCN, coi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn mà nếu không nắm bắt thì sẽ tiếp tục bị tụt hậu.

Theo đó, chủ trương của Chính phủ là tranh thủ tối đa mọi nguồn lực, chất xám của trí thức Việt ở khắp nơi trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu suất của nền kinh tế, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đưa Việt Nam thành nước phát triển, hiện đại.

Hiện, Chính phủ đang xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm sánh vai với các cường quốc về công nghệ trên thế giới, trong đó xác định rõ việc xây dựng nguồn nhân lực 4.0, hệ sinh thái 4.0 và quan tâm cả... văn hóa 4.0.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cảnh báo, công nghiệp 4.0 không chỉ là cơ hội mà còn là các thách thức lớn về mặt xã hội như giải quyết việc làm, bảo vệ trẻ em, bảo mật thông tin, an ninh mạng... Dù là cơ hội hay thách thức thì cũng rất cần sự đóng góp tâm huyết, quý báu của trí thức Việt để xây dựng phát triển, đồng thời cũng là để quản trị, bịt những lỗ hổng.

Chính vì thế vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân trong và ngoài nước là rất quan trọng trong thời đại công nghiệp 4.0 đối với việc phát triển đất nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết, Chính phủ sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức Việt trên toàn thế giới có điều kiện phát huy kiến thức, đóng góp kinh nghiệm để phát triển đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ mong muốn các chuyên gia, trí thức tiếp tục đóng góp xây dựng thành công Chính phủ điện tử để công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ hiệu quả hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã lường được những khó khăn, rào cản khi trí thức Việt đóng góp ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước, bởi vậy ông yêu cầu các bộ trưởng cần biết lắng nghe, tạo mọi điều kiện để các trí thức Việt tham gia trực tiếp vào các dự án, chương trình KHCN. Một Chính phủ kiến tạo luôn biết trân trọng tiếp thu những đề xuất tâm huyết, quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học và sẽ chuyển những gì có thể thành chính sách để đất nước không bỏ lỡ cơ hội phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cần phải biết đặt câu hỏi và trả lời cho những vấn đề như, tại sao nhiều nhà khoa học giỏi lại đến Mỹ, tại sao ở Singapore lại có nhiều nhà khoa học người Việt tài ba và tại sao lại không có thêm nhiều nhà máy có nhiều robot như Vinfast hay Thaco...

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, để trả lời được các câu hỏi này thì không chỉ Thủ tướng mà các bộ trưởng cũng phải biết lắng nghe và thực thi hiệu quả những đóng góp, đề xuất hợp lý của các tầng lớp nhân dân, trong đó có trí thức Việt trong và ngoài nước.

Với mong muốn thay đổi suy nghĩ của các tư lệnh ngành trong việc lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, trăn trở của trí thức và doanh nghiệp, Thủ tướng tái khẳng định, trí tuệ người Việt không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới, vì thế cần tạo môi trường tốt nhất cho trí thức Việt trong và ngoài nước phát huy kiến thức, kinh nghiệm trong việc đóng góp ý kiến, trực tiếp tham gia vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời đại công nghiệp 4.0. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành cần tạo môi trường kết hợp các trí thức trong và ngoài nước, tuy hai mà một thì mới thành công.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ ra các ví dụ sinh động về cách “chiêu hiền, đãi sĩ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các trí thức người Việt ở nước ngoài khiến họ đồng lòng hướng về đất nước như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ... Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh rằng, lịch sử cho thấy Việt Nam chỉ thực sự hưng thịnh khi khơi dậy lòng yêu nước, quy tụ được những người tài đức dốc lòng vì nước, vì dân, dám xả thân vì nghĩa lớn, đất nước mà không có người hiền tài thì không thể hưng thịnh.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, giờ là thời đại công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ của công nghệ số, mạng internet phát triển nên các trí thức Việt ở nước ngoài không nhất thiết phải về nước làm việc mà có thể vẫn ở tại nơi họ định cư để đóng góp kiến thức, kinh nghiệm cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng một lần nữa nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam không chỉ diễn ra trong một hôm, một tuần mà phải thường xuyên, liên tục, nếu các đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học mà các bộ trưởng không chuyển hóa thành chính sách và hành động được thì phải tập hợp lại báo cáo Thủ tướng quyết định.

Với sự cầu thị, lắng nghe và thấu hiểu như vậy, tin rằng tới đây sẽ có nhiều đề xuất, đóng góp ý kiến tâm huyết, quý báu của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp sẽ được các bộ, ngành, địa phương chuyển hóa thành chính sách, hành động phục vụ các tầng lớp nhân dân, đưa Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới có thể sánh vai với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Một Chính phủ kiến tạo không chỉ nói suông mà thể hiện bằng hành động, luôn trân trọng lắng nghe, tiếp thu đóng góp quý báu của các tầng lớp nhân dân trong đó có trí thức Việt trên toàn thế giới.

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/lang-nghe-va-thau-hieu-tintuc413245