Làng nghề Việt Nam và nỗi lo hàng ngoại

Làng nghề Việt đang đứng trước nhiều khó khăn khi sản phẩm Trung Quốc tràn ngập Việt Nam với mẫu mã đẹp hơn, giá lại rẻ hơn. Trong khi đó hàng Thái Lan và Nhật Bản cũng đang thâm nhập thị trường Việt Nam. Trước thực trạng này, làng nghề và các nghệ nhân phải làm gì?

Sáng nay (30/11), tại Hà Nội, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức Hội nghị Phát triển Ngành nghề nông thôn các tỉnh khu vực phía Bắc.

Nét đẹp làng nghề mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ, Hà Nội)

Với hơn 5.410 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ và sự đa dạng các loại ngành nghề khác nhau thì sự phát triển của các làng nghề góp phần giải quyết vấn đề việc làm cho một số lượng lớn lao động.

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam – cho hay: Sức sống của làng nghề truyền thống đang trỗi dậy. Nhất là tại Hà Nội với nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề mây, tre, đan Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội), lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng nghề gốm Bát Tràng với việc hiện đại hóa công nghệ truyền thống, nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhờ đó sản phẩm tìm được đầu ra. Đời sống của người lao động tại các làng nghề này ổn định, thu nhập từ làng nghề cao hơn từ 3-5 lần so với làm nông nghiệp. Tạo ra sức sống mới và bộ mặt nông thôn mới rõ nét.

Bên cạnh những mặt tích cực, theo ông Dần, khả năng tiếp thị và nắm bắt thị trường của các làng nghề chưa tốt. Cạnh đó, việc chuyển giao công nghệ và cải tiến mẫu mã còn chậm. Sản phẩm của làng nghề truyền thống có giá thành cao, mẫu mã chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đây là một thực tế khiến cho hàng Việt truyền thống chưa thể đến với nhiều thị trường khó tính và đầy tiềm năng như: Anh, Pháp, Mỹ…

Không chỉ khó vươn xa ra thị trường quốc tế, ngay tại thị trường trong nước, sản phẩm làng nghề đang chịu sự cạnh tranh trực tiếp do hàng Trung Quốc tràn sang ngay tại chính làng nghề đó.

Ông Lưu Duy Dần nhấn mạnh: "Chúng ta cần phải đề phòng việc Trung Quốc đưa tràn ngập 3 mặt hàng gồm gốm sứ, lụa và thổ cẩmsang Việt Nam".

Ông Dần dẫn chứng, có những đêm hàng chục container gốm Trung Quốc về Bát Tràng và Bát Tràng thực sự bị cuốn hút bởi sản phẩm gốm của Trung Quốc. “Về thổ cẩm, bản thân tôi đi thực tế ở Mai Châu (Hòa Bình), thổ cẩm còn rất ít, người Mường, người Dao ở đây thừa nhận thổ cẩm Trung Quốc đẹp hơn của chúng ta rất nhiều về màu sắc và được làm rất kỹ, trong khi đó sản phẩm của chúng ta làm rất đơn điệu”, ông Dần nói.

Thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu, vấn đề truyền dạy nghề, thiếu những những chính sách thích hợp đối với nghệ nhân, đào tạo nghề là những yếu điểm của làng nghề Việt. Và lợi dụng những điểm yếu này, sản phẩm Trung Quốc tràn sang Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm làng nghề Việt với mẫu mã đẹp hơn, giá lại rẻ hơn. Tất nhiên, không phải tất cả các sản phẩm, nhưng chính điều này khiến sản phẩm làng nghề Việt thua ở sân nhà.

Cạnh đó, hàng Thái Lan và Nhật Bản cũng đang thâm nhập thị trường Việt Nam. Trước thực trạng này, làng nghề và các nghệ nhân phải làm gì?

Ông Dần cho rằng, nhà nước cần thống nhất quan điểm trong việc coi trọng kinh tế làng nghề với tư cách như một cơ sở văn hóa – kinh tế; xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm quy hoạch, phân loại làng nghề ở các mức độ, cấp độ khác nhau, theo những tiêu chí khác nhau để có được chính sách đầu tư và tác động phù hợp, từng bước giúp làng nghề thoát khỏi phát triển tự phát như hiện nay.

LÊ HẬU

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/lang-nghe-viet-nam-va-noi-lo-hang-ngoai-19264.html