Lãng phí lớn trong xây dựng, quản lý nhà tái định cư

Trong khi rất nhiều người dân tại các đô thị lớn đang có nhu cầu cấp bách về nhà ở, thì hiện vẫn có tới hàng nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ không hoặc để hoang hóa, ngày một xuống cấp, gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Thực trạng này đã bộc lộ rõ hàng loạt bất cập trong công tác xây dựng, quản lý nhà tái định cư từ phía cơ quan quản lý cũng như đơn vị thực hiện dự án, cần nhanh chóng có giải pháp xử lý, chấn chỉnh.

Thống kê gần đây của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết: tính từ năm 2004 đến ngày 31-3-2017, tổng số quỹ nhà, đất đã hoàn thành phục vụ công tác tái định cư (TĐC) là 39.991 căn nhà, nền đất (trong đó có 25.506 căn nhà, 14.485 nền đất). Số căn nhà, nền đất đã hoàn tất việc phân bổ các hộ dân đến TĐC là 26.625 căn nhà, nền đất.

Liên quan hiệu quả của các dự án TĐC tại TP Hồ Chí Minh, vừa qua Kiểm toán Nhà nước công bố “Báo cáo kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016 - 2020 của TP Hồ Chí Minh”, trong đó khẳng định TP Hồ Chí Minh đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng với hơn một nửa số lượng quỹ nhà đất TĐC dôi dư, một số dự án có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí TĐC chậm (thậm chí một số dự án không bố trí được), chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.

Đáng chú ý là việc dự báo, xác định nhu cầu TĐC ở một số nơi còn thiếu thông tin nên khi xác lập phương án đầu tư xây dựng không phù hợp với thực tế. Còn tại Hà Nội, theo số liệu của Công ty Quản lý và phát triển nhà Hà Nội hiện đang có hơn một nghìn căn hộ TĐC bị bỏ trống, trong đó 724 căn đã có quyết định của UBND thành phố song người dân chưa đến làm thủ tục, 376 căn hộ chưa bố trí TĐC thuộc các khu chung cư được tiếp nhận từ năm 2003 trở lại đây…

Tháng 10-2017, dư luận hết sức bất ngờ trước sự việc một chủ đầu tư tại Hà Nội có văn bản gửi UBND thành phố đề nghị được phá dỡ cụm công trình gồm ba tòa nhà với 150 căn hộ TĐC để xây dựng nhà thương mại. Lý do được đơn vị này đưa ra là bởi công trình được xây dựng từ hơn mười năm trước, nay đã xuống cấp, không còn phù hợp với nhu cầu hiện tại của người dân. Đây có thể coi là một thí dụ điển hình về những bất cập trong việc xây dựng và quản lý nhà TĐC.

Trong khi không ít người dân bị giải phóng mặt bằng phục vụ cho hoạt động xây dựng, phát triển đô thị đang rất cần nhà ở, hàng loạt dự án phải án binh bất động vì chưa kịp triển khai chỗ TĐC thì lại mọc lên những tòa nhà xây xong để không, mặc cho cỏ dại xâm lấn. Lại thiếu duy tu, bảo dưỡng, những công trình này ngày càng hư hỏng, xuống cấp, nên khi được đem ra sử dụng đều bị người dân từ chối hoặc phản ứng gay gắt. Một thí dụ điển hình là chung cư 4A phố Tạ Quang Bửu cao 20 tầng với gần 160 căn hộ, nằm sát đường Đại Cồ Việt (thuộc phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) được xây dựng hơn 10 năm và dù được đánh giá là thuộc “khu đất vàng” của Hà Nội nhưng vẫn đóng cửa im ỉm nhiều năm qua, chưa bàn giao cho dân.

Cũng chung cảnh ngộ công trình xây xong phải “đắp chiếu” là khu TĐC Bình Khánh (nằm trong khu đô thị Thủ Thiêm, phường Bình Khánh, quận 2, TP Hồ Chí Minh). Dù có vị trí tương đối đắc địa, giáp với quận 1, tuy nhiên đến nay, dự án có diện tích 38,4 ha này vẫn chỉ lác đác người về ở, trong khi trên thị trường đã xuất hiện những thông tin rao bán như nhà thương mại với giá bán lên đến 30-40 triệu đồng/m2. Ngoài thiệt hại về vật chất ở các công trình bị bỏ hoang nhiều năm là điều dễ dàng nhìn thấy, những thiệt hại liên quan vấn đề an sinh xã hội và trật tự đô thị chắc chắn còn lớn hơn...

Nhiều bất cập trong các dự án TĐC đã được phản ánh trên báo chí thời gian qua. Trong đó, điểm chung lớn nhất mà nhiều khu nhà TĐC thường vấp phải là thiếu phù hợp với điều kiện sinh hoạt và hoàn cảnh sống của người dân, chất lượng xây dựng chưa thật sự bảo đảm, nhà vừa xây xong đã có dấu hiệu xuống cấp như tường nhà rạn nứt, sàn nhà bong tróc, thiết bị vệ sinh hỏng hóc, hệ thống điện nước không ổn định, chất lượng dịch vụ không bảo đảm. Thậm chí có ý kiến cho rằng, tại một số khu nhà TĐC, người dân đang phải sống trong sợ hãi khi thường xuyên chứng kiến cảnh chập điện, rò rỉ ống nước, thang máy bị trôi tầng…

Đến nay nhiều người dân tại khu nhà TĐC Vĩnh Phúc (quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn còn rùng mình khi nhớ lại sự cố xảy ra cách đây ít năm khi một mảng trần nhà có diện tích khoảng 1,5 m2 tại phòng 304M, nhà D1 rơi trúng giường ngủ. Khu TĐC Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng “nổi tiếng” không kém vì tình trạng nền nhà sụt lún nghiêm trọng, thậm chí bên trong các tòa nhà xuất hiện hố lớn do sụt nền.

Sống trong điều kiện nhà xuống cấp, gần 200 hộ dân đang sinh sống tại khu TĐC 4F, đô thị Trung Yên (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại thêm cảm giác là đang bị bỏ rơi khi ngày ngày phải đối mặt với sự xuống cấp, hư hỏng của tòa nhà và dù đã kiên trì gửi đơn kêu cứu nhiều nơi nhưng vẫn không có ai nhận trách nhiệm đứng ra giải quyết. Tình cảnh tương tự cũng có thể bắt gặp tại khu TĐC Vĩnh Lộc B (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Do khu nhà ngày càng hư hỏng nên không ít hộ dân tại đây đã phải chọn cách “bỏ của chạy lấy người”.

Dù muốn hay không cũng phải thừa nhận một thực tế là chất lượng xây dựng tại nhiều công trình TĐC hiện đang ở mức thấp, công tác quản lý ở các khu TĐC bị thả nổi; điều kiện hạ tầng phục vụ các khu TĐC như hệ thống đường, trường học, chợ... thiếu hoặc không bảo đảm gây không ít khó khăn cho người dân trong sinh hoạt. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến người dân trong diện được nhận nhà do đền bù giải tỏa mặt bằng luôn phải đắn đo, cân nhắc khi quyết định dọn về sinh sống trong các căn hộ TĐC. Người xưa vẫn nói “an cư mới lạc nghiệp”, việc ổn định nơi ăn chốn ở có vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi gia đình. Trực tiếp sinh sống trong những khu TĐC chất lượng thấp, ẩn chứa nhiều hiểm họa, người dân sao có thể “an cư” để “lạc nghiệp”?

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của thực trạng trên xuất phát từ việc các nhà TĐC đang sống bằng “bầu sữa ngân sách”. Cụ thể trung bình mỗi năm Hà Nội cần từ 1.500-2.000 căn hộ TĐC, tương đương với hơn 2.000 tỷ đồng, số tiền trên được trích từ ngân sách dành cho đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư nhận công trình, hoàn thiện xong và bàn giao cho Nhà nước, trách nhiệm quản lý và vận hành công trình sau đầu tư chưa được đặt ra. Vì vậy không ít chủ đầu tư đã thiếu trách nhiệm với công trình sau khi bàn giao. Nhà TĐC vì vậy cũng vô hình trung bị mang tiếng xấu, người dân không yên tâm khi dọn đến ở, tỷ lệ nhận nhà chỉ đạt mức thấp. Chỉ những người không có điều kiện chuyển đi nơi khác, đành chấp nhận “sống chung với lũ”. Và điệp khúc thiếu nhà TĐC nhưng lại tồn tại hàng nghìn căn hộ bỏ hoang tiếp tục khiến dư luận phải đặt câu hỏi về hiệu quả của các dự án này.

Thời gian tới, việc thu hút đầu tư, tiến hành các dự án được Nhà nước phê duyệt cũng như việc mở mang, chỉnh trang đô thị tiếp tục được triển khai ở nhiều địa phương. Theo đó, nhiều khu dân cư cần phải giải tỏa để ưu tiên xây dựng các công trình công cộng và phát triển đô thị. Các dự án TĐC cần phải tiếp tục để bảo đảm chỗ ở cho người dân. Tuy nhiên, để các dự án này thật sự phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết tốt an sinh xã hội đòi hỏi cần thay đổi mạnh mẽ cách vận hành, quản lý trong thực hiện chính sách TĐC. Chất lượng xây dựng nhà ở TĐC cần được nâng cao, để từng bước xóa bỏ quan niệm nhà TĐC là nhà chất lượng thấp, khiến người dân hoang mang, lo lắng.

Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm về công trình trước, trong và sau khi bàn giao. Nghiêm khắc xử lý những chủ đầu tư bàn giao công trình không đạt yêu cầu, vô trách nhiệm khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, cần loại bỏ tư duy bao cấp, tâm lý xin - cho trong quá trình thực hiện chính sách thu hồi đất, và phân bổ nhà TĐC tới người dân. Cần xem người có đất và tài sản bị thu hồi trong khi thực hiện các dự án của Nhà nước là đối tượng có đóng góp ý nghĩa cho quá trình phát triển xã hội, họ cần được hưởng sự đền bù xứng đáng để tiếp tục ổn định cuộc sống. Nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân cần được lắng nghe, để trên cơ sở đó có phương án xây dựng, bố trí chỗ ở phù hợp với điều kiện sống và làm việc.

Đồng thời, để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc phải đầu tư một nguồn lực khá lớn để xây dựng nhà TĐC, cần tính đến phương án xã hội hóa trong việc thực hiện các dự án nhà TĐC. Nhà nước có thể xem xét, giao quỹ đất dùng để phục vụ dự án TĐC cho chủ đầu tư xây dựng có đủ năng lực. Chủ đầu tư có quyền khai thác một tỷ lệ nhất định trong số nhà được xây để kinh doanh, thu hồi vốn. Như vậy, nếu chủ đầu tư muốn khai thác hiệu quả dự án, chất lượng nhà TĐC phải tương đương với nhà ở xã hội hiện nay. Làm tốt được điều này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng lãng phí ngân sách nhà nước, đồng thời giúp người dân ổn định cuộc sống.

SONG GIANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35970402-lang-phi-lon-trong-xay-dung-quan-ly-nha-tai-dinh-cu.html