Lãng phí nguồn lực đất đai

Trong khi thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu vốn, thiếu quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng thì nhiều khu đất công, có vị trí đắc địa lại bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích, không hiệu quả, gây lãng phí. Tuy vậy, việc thu hồi các mặt bằng này vẫn là hành trình gian nan...

 Khu đất công rộng 60 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè bỏ hoang nhiều năm nay.

Khu đất công rộng 60 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè bỏ hoang nhiều năm nay.

Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) đang quản lý, sử dụng 42 mặt bằng nhà, đất công sản. Trên thực tế, đơn vị này chỉ sử dụng 20 mặt bằng cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, còn 22 mặt bằng bị sử dụng lãng phí, sai mục đích. Đơn vị này đã nhiều lần xin trả lại các mặt bằng nêu trên cho Nhà nước nhưng đến nay mới chỉ có hai mặt bằng có quyết định thu hồi.

Tổng Giám đốc SAGRI Phạm Thiết Hòa cho biết, các khu đất không sử dụng đúng mục đích là những khu đất có quy hoạch không còn phù hợp ngành nghề kinh doanh của SAGRI. Đồng thời, hợp đồng thuê đất của những mặt bằng này cũng đã hết hạn nên công ty cũng không thể xây dựng, sửa chữa gì được, trong khi hằng năm vẫn phải trả tiền thuê đất cho thành phố. Mong muốn của SAGRI là trả lại các mặt bằng này cho thành phố càng sớm càng tốt để SAGRI không phải đóng tiền thuê đất và Nhà nước có thêm quỹ đất để tạo nguồn ngân sách.

Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Đinh Khắc Huy cho biết, lãng phí nguồn lực đất đai công sản trên địa bàn quận hiện rất lớn. Vì dôi dư các mặt bằng nên các đơn vị trên địa bàn quận muốn sử dụng mặt bằng công vào mục đích cho thuê. Tuy nhiên, trong 34 đề án được các đơn vị lập để xin cho thuê, liên doanh, liên kết thì chỉ có một đề án được duyệt để báo cáo cho cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Nhiều năm qua, quận Bình Thạnh cũng đã kiến nghị UBND thành phố Hồ Chí Minh thu hồi các mặt bằng công sản lãng phí giao cho địa phương xây dựng các công trình công ích phục vụ người dân, tuy nhiên, quá trình xử lý diễn ra rất chậm.

Chủ tịch UBND quận 12 Nguyễn Văn Đức cũng phản ánh, trên địa bàn quận đang tồn tại tình trạng nhiều doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty, bộ, ngành Trung ương sử dụng đất rất lãng phí, chỉ cho thuê lại để lấy tiền hằng năm, trong khi đó quận rất cần quỹ đất để xây dựng trường học, các công trình công cộng khác trước áp lực gia tăng dân số. Thậm chí, có khu đất như vườn dược liệu quý hiếm do Bộ Y tế quản lý tại phường Tân Thới Nhất có diện tích 10.000 m2, thành phố đã có quyết định thu hồi để quận xây dựng trường học, nhưng cơ quan chủ quản không bàn giao mà chỉ để trồng cây...

Đất công sản không chỉ bị sử dụng lãng phí, sai mục đích rải rác tại các địa phương, các tổng công ty mà ngay trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp-khu chế xuất thành phố Hồ Chí Minh, tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, Công ty cổ phần Hùng Vương để lãng phí 41.767 m2; tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam để lãng phí 7.273 m2; tại Khu công nghiệp Tân Bình, Công ty TNHH Nga Băng Cốc để lãng phí 4.000 m2; tại Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn để lãng phí 250.000 m2...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có khoảng 13 nghìn địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (do cả Trung ương và thành phố quản lý). Trong số này có khoảng 320 địa chỉ sử dụng lãng phí, sai mục đích phải thu hồi với tổng diện tích đất là 1.076.060 m2; trong đó, các cơ quan Trung ương quản lý 123 địa chỉ, thành phố Hồ Chí Minh quản lý 197 địa chỉ. Đến nay, thành phố đã thu hồi, kiến nghị thu hồi được 279 địa chỉ với diện tích 859.023 m2, còn 41 địa chỉ đang tiếp tục thu hồi...

Theo Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND thành phố Hồ Chí Minh Cao Thanh Bình, có một nghịch lý là nhiều mặt bằng hiện để trống, gây lãng phí lớn nhưng các đơn vị quản lý không thể cho thuê cũng chưa bàn giao được cho Nhà nước. Đơn cử như tại Công ty Bò sữa (công ty thành viên của SAGRI) có 590 ha nhà, đất không sử dụng, có chủ trương bàn giao cho các chủ thể khác nhưng từ năm 2016 đến nay vẫn chưa bàn giao được, trong khi đó công ty vẫn phải quản lý, đóng thuế.

Bí thư Quận ủy quận 1 Trần Kim Yến nêu một bất cập: Một trường học không thể không có căng-tin; nếu thầy, cô giáo đứng ra làm căng-tin thì sai mà nhà trường liên doanh, liên kết thì cũng không được, dẫn đến nhu cầu thì thiếu mà mặt bằng thì bỏ trống.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được Viện trưởng Viện Quản lý và Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Thắng cho rằng, bắt nguồn từ quy hoạch và thực hiện quy hoạch quá chậm trễ. Bên cạnh đó, có sự bất cập trong cơ chế chính sách, sự chồng chéo trong quản lý của các bộ, ngành, địa phương.

Để sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất công sản, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng kiến nghị cần có sự vào cuộc của các sở, ban, ngành và các cấp; tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm, thu hồi những trường hợp sử dụng nhà, đất không hiệu quả.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân, thành phố cần quyết liệt kiểm kê, đánh giá lại tất cả tài sản công hiện nay trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đấu giá hoặc phân bổ cho các đơn vị có nhu cầu xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, tránh tình trạng nhiều mặt bằng thu hồi xong lại tiếp tục để trống...

Bài, ảnh: Tùng Quang

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/lang-phi-nguon-luc-dat-dai-690518/