Lãng phí trong công tác đào tạo nghề ở Bình Phước

Khoảng mười năm trở lại đây, Bình Phước xây dựng hàng chục trung tâm đào tạo nghề ở cấp tỉnh và cấp huyện. Các ngành dọc cũng tổ chức đào tạo nghề riêng với nhiều ngành nghề khác nhau. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng hoạt động chồng chéo, thiếu hiệu quả. Sau một thời gian hoạt động không hiệu quả, nhiều cơ sở đào tạo nghề phải đóng cửa, giải thể. Ðây là một bài học trong việc quy hoạch, xây dựng cơ sở đào tạo nghề công lập mà không xem xét đến nhu cầu thực tế.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bù Ðăng được đầu tư cơ sở khang trang nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bù Ðăng được đầu tư cơ sở khang trang nhưng hoạt động kém hiệu quả.

Hoạt động cầm chừng

Tỉnh Bình Phước có hơn mười cơ sở dạy nghề. Ngoài các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên (GDTX), nhiều đơn vị khác hoặc trực tiếp, hoặc liên kết cùng thực hiện chức năng này, như: Trường cao đẳng nghề Bình Phước, Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bình Phước, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh... Vì thế, số học viên được thu hút về các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện rất ít. Chưa kể, thực trạng trên khiến tình trạng các cơ sở đào tạo "giẫm chân nhau" trong quá trình thu hút học viên là không thể tránh.

Ông Trần Ðức Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bù Ðăng cho biết: Chúng tôi có thể đào tạo được hàng chục ngành, nghề khác nhau, kể cả nông nghiệp và phi nông nghiệp. Tuy nhiên, những năm gần đây, trung tâm chỉ nhận được hồ sơ đăng ký học nghề cạo mủ cao-su. Các ngành nghề phi nông nghiệp thường không có học viên đăng ký, hoặc rất ít. Trong năm 2018 và ba tháng đầu năm 2019, trung tâm chỉ thực hiện được chức năng GDTX với hơn 60 học sinh.

Thành lập từ tháng 7-2011, trong điều kiện mới chia tách huyện, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hớn Quản gặp không ít khó khăn. Hiện trung tâm đang đầu tư xây dựng trụ sở, khu phòng học lý thuyết và thực hành trên diện tích 0,7 ha với tổng nguồn vốn khoảng sáu tỷ đồng. Ngoài chức năng GDTX, trung tâm đăng ký chiêu sinh 20 ngành nghề, như: Kỹ thuật sản xuất cá nước ngọt, kỹ thuật trồng nấm, nuôi heo, cắt tóc và chăm sóc da, điện dân dụng, bảo trì điện công nghiệp, kỹ nghệ sắt, mộc dân dụng... Tuy nhiên, khi chúng tôi liên hệ với lãnh đạo trung tâm này thì nhận được câu trả lời: Thời gian qua, trung tâm không hoạt động cho nên không có thông tin để cung cấp cho báo chí.

Năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước được phân bổ ba tỷ đồng để đào tạo hơn 1.600 lao động nông thôn. Dự kiến, phải mở 48 lớp đào tạo ở các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, trong năm 2018, ngành này chỉ đào tạo được hai lớp với 70 học viên. Theo ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước: Nguyên nhân là do ngành sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cho nên công tác triển khai đào tạo nghề bị chậm. Mặt khác, do nguồn kinh phí phân bổ chậm, tháng 11-2018, UBND tỉnh Bình Phước mới phê duyệt chủ trương đào tạo lao động nông thôn, vì vậy ngành triển khai không kịp. Ðiều này cũng ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp tại các trung tâm GDNN-GDTX.

"Ðắp chiếu" nhiều tỷ đồng

Quý I thường là thời điểm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là ngành nghề cạo mủ cao-su, bởi sau Tết Nguyên đán khoảng hai tháng là vụ khai thác mủ bắt đầu. Tuy nhiên, hiện nay các trung tâm GDNN và đơn vị đào tạo nghề chưa nhận được một đơn đặt hàng đào tạo nghề nào. Chúng tôi đến Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Bình Long vào một ngày giữa tuần. Cổng cơ sở khóa chặt, không một bóng người. Các phòng học lý thuyết, thực hành cửa đóng then cài, chung quanh cỏ mọc um tùm, ẩm mốc. Nhìn qua lớp kính, trong các lớp học, bàn ghế xộc xệch, mạng nhện giăng phủ.

Ông Hồ Xuân Báo, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thị xã Bình Long cho biết: Năm 2015, Bình Phước thực hiện Thông tư liên tịch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Nội vụ về việc sáp nhập Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên thành Trung tâm GDNN-GDTX. Khi sáp nhập, cán bộ trung tâm GDNN, người thì về hưu, người thì chấm dứt hợp đồng, người thì chuyển công tác nên không có nhân lực để hoạt động. Năm 2017 thực hiện Nghị quyết 18, 19, Hội nghị lần thứ sáu, BCH Trung ương khóa XII đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thị xã Bình Long giải thể luôn Trung tâm GDNN-GDTX. Sau giải thể, phần GDNN giao cho Phòng Lao động, GDTX giao về các trường THPT. Trong quá trình thực hiện chủ trương của Thị ủy Bình Long, phần vì thiếu nhân lực cho nên mảng GDNN tạm ngưng hoạt động vài năm trở lại đây.

Trung tâm GDNN của thị xã Bình Long được xây dựng khá kiên cố, đầy đủ máy móc, thiết bị. Sau khi sáp nhập, cơ sở vật chất ở hai nơi nhưng chỉ có một bảo vệ nên bên GDNN đành khóa kín. Ðối với những tài sản có giá trị, dễ vận chuyển thì di chuyển về bên GDTX, phần còn lại đành "đắp chiếu" chờ ngày giải thể. Trang thiết bị dạy nghề tại trung tâm có giá trị hàng tỷ đồng đang xuống cấp, nếu không có kế hoạch sử dụng hợp lý, hiệu quả sớm muộn cũng trở thành phế liệu.

Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bù Ðăng được xem là mô hình tiêu biểu, điển hình đào tạo nghề nông thôn. Từ khi thành lập đến nay, trung tâm được đầu tư máy móc thực hành nghề mộc, hàn, tiện, cắt gọt kim loại, cơ khí ô-tô, may công nghiệp… với số tiền hơn ba tỷ đồng. Ngoài ra, trung tâm còn được đầu tư khoảng 11 tỷ đồng xây dựng hệ thống cơ sở vật chất khá hoành tráng trên diện tích 0,85 ha, trong đó có hai nhà xưởng: Cơ khí sửa chữa ô-tô và hàn, cắt gọt kim loại. Ông Trần Ðức Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm là một người tâm huyết về đào tạo nghề nhưng cũng đành bất lực nhìn số tài sản, trang thiết bị hiện đại, đang dần xuống cấp do không có học viên. Ông Hùng cho rằng: Ðể các trung tâm GDNN-GDTX hoạt động hiệu quả phải có kinh phí và cơ chế tốt. Nhiều năm nay, đơn vị xin tự chủ về tài chính và xin cơ chế mở để đưa trung tâm phát triển, phát huy khối tài sản mà Nhà nước đã đầu tư nhưng huyện chưa cho chủ trương cho nên đành phải hoạt động cầm chừng.

Hiện nay, các huyện, thị xã thuộc tỉnh Bình Phước đang thực hiện chủ trương giải thể các trung tâm GDNN-GDTX để tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động. Ðây là việc làm cần thiết vì nhiều năm nay các trung tâm này được đầu tư rất nhiều nhưng hoạt động thiếu hiệu quả.

Bài và ảnh: NHẤT SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/39683602-lang-phi-trong-cong-tac-dao-tao-nghe-o-binh-phuoc.html