Lãng phí từ các công trình nước sạch bị bỏ hoang

Có không ít công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được đầu tư số tiền lớn để xây dựng, rồi bỏ hoang gây lãng phí, trong khi người dân lại gặp nhiều khó khăn về nguồn nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt.

Ngày nắng hạn, chúng tôi về thôn Quảng Huệ, xã Đại Minh (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Từ sáng tinh mơ, người dân nơi đây phải ra giếng làng xếp hàng chờ lấy nước, chẳng khác nào mua hàng thời bao cấp.

Bà Nguyễn Thị Tư (57 tuổi) cho biết, thôn Quảng Huệ có hơn chục cái giếng nhưng hầu hết đều bị cạn nước, nhiễm phèn nặng và đục ngầu. Hiện tại chỉ có duy nhất một cái giếng làng còn dùng được. Nhưng vì chỉ một cái giếng mà phục vụ cho hơn 100 hộ dân nên các hộ gia đình mỗi ngày phải đi lấy nước từ rất sớm.

“Mùa mưa thì người dân còn có thể hứng nước mưa dùng đỡ chứ mùa nắng thì chỉ phụ thuộc vào một cái giếng làng này thôi. Ai muốn có nước thì phải đi từ sáng sớm, rồi gánh về cho vào chum lọc lại sử dụng trong sinh hoạt, còn uống hay nấu ăn thì mua nước bình về dùng”, bà Tư nói.

Tuy không khô hạn, thiếu nước hoàn toàn như thôn Quảng Huệ nhưng nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân thôn Phú Mỹ (xã Đại Minh) lại bị nhiễm phèn rất nặng. Các gia đình ở đây đều sử dụng máy lọc nước, nhưng chất lượng nước vẫn không được cải thiện nên đành chấp nhận dùng nước nhiễm phèn để tắm giặt, còn ăn uống thì mua nước bình.

Người dân ở vùng thiếu nước sạch, phải đi mua nước bình về dùng.

Dẫn chúng tôi ra vị trí bơm nước từ giếng đều bị ố vàng do nhiễm phèn, ông Nguyễn Văn Bình (65 tuổi, trú thôn Phú Mỹ) nói rằng, trước đây trên địa bàn cũng có xây dựng nhà máy nước sạch nhưng xây rồi bỏ hoang, người dân chưa bao giờ có nước sạch để sinh hoạt.

Trao đổi với ông Phan Năm, Chủ tịch UBND xã Đại Minh thì mới hay, năm 2013, trên địa bàn xã triển khai dự án xây dựng công trình nước sạch, với số vốn đầu tư gần nửa tỷ đồng. Trước khi đi vào triển khai, ban quản lý dự án đã cho kiểm tra mẫu nước và thấy đạt, tuy nhiên lúc hoàn thành đưa đường ống vào và bơm nước lên thì nguồn nước đó lại không đảm bảo, không sử dụng được nên công trình đành phải dừng lại, bỏ hoang đến nay.

“Xã Đại Minh có 8 thôn, trong đó, nguồn nước bị nhiễm phèn nặng nhất tập trung ở 3 thôn, gồm: Quảng Huệ, Tây Gia và Phú Mỹ. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất cấp trên về nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là nguồn kinh phí còn hạn chế nên chưa được thực hiện”, ông Năm bày tỏ.

Chung cảnh ngộ, nắng hạn đã khiến người dân nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Như các xã Phú Thọ, Quế Thuận (huyện Quế Sơn); Quế Lâm, Quế Phước, Phước Ninh (huyện Nông Sơn); Chà Vàl, Đắc Pre, Đắc Pring, La Êê, Chơ Chun (huyện Nam Giang); Bình Lãnh, Bình Định Nam, Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình)...

Theo thống kê của Chi cục Thủy lợi Quảng Nam, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 545 công trình cấp nước sạch nằm rải rác ở 18 huyện, thị, thành phố.

Trong đó, 472 công trình do cộng đồng quản lý, khai thác dưới sự quản lý của UBND xã; hợp tác xã dịch vụ quản lý 40 công trình; tư nhân quản lý 12 công trình; Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Nam quản lý 8 công trình, doanh nghiệp quản lý 10 công trình và 3 công trình được quản lý theo hình thức khác.

Điều đáng nói, trong 545 công trình cấp nước sạch này chỉ có 85 công trình hiệu quả sử dụng bền vững; 238 công trình hiệu quả sử dụng trung bình; 150 công trình hiệu quả sử dụng thấp; còn 72 công trình không hoạt động.

Ông Trương Xuân Tý, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Nam cho rằng, qua khảo sát, đa số các công trình cấp nước tập trung thuộc các huyện miền núi là hoạt động không bền vững, một số khu vực có tỷ lệ công trình bền vững thấp. Nguyên nhân chủ yếu là công tác quản lý sau đầu tư chưa phù hợp; quy chế quản lý, sử dụng, bảo vệ, duy tu sửa chữa, nâng cấp công trình chưa đặt ra, hiệu suất hoạt động của công trình cấp nước tập trung thấp, không thu phí sử dụng, tỷ lệ thất thoát nước cao.

Ngoài ra, còn ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt tác động dẫn đến công trình nhanh hư hỏng xuống cấp. Nhiều công trình không phát huy hiệu quả, trong đó đa số là các công trình được đầu tư từ nguồn vốn các tổ chức phi chính phủ (NGO). Nguyên nhân là do tính bền vững của các công trình sau đầu tư không cao; việc quản lý, vận hành, khai thác chưa được kiểm soát chặt chẽ; công nghệ xử lý chưa phù hợp; nguồn nước kém chất lượng, việc khảo sát đánh giá nguồn nước chưa được chặt chẽ, không đủ nước để xử lý...

“Đối với các công trình bị ô nhiễm nguồn nước, chúng tôi sẽ xem xét mức độ ô nhiễm, nguồn gốc gây ô nhiễm, đánh giá quy mô công trình. Nếu công trình còn hoạt động hiệu quả thì nghiên cứu đầu tư giải pháp công nghệ mới để xử lý và sử dụng. Nếu công trình bị ô nhiễm nặng, không còn khả năng vận hành thì chuyển sang thanh lý và tìm giải pháp công trình khác để thay thế.

Còn đối với những công trình hư hỏng nhẹ, người dân vẫn có nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt thì có kế hoạch sửa chữa, xây dựng quy chế quản lý, vận hành. Với các công trình hư hỏng nặng, không hoạt động, hoặc người dân không có nhu cầu sử dụng, thì lập báo cáo trình cấp thẩm quyền xem xét, cho thanh lý, tháo dỡ”, ông Tý cho biết thêm.

Từ thực tế cho thấy, có không ít công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được đầu tư số tiền lớn để xây dựng, rồi bỏ hoang gây lãng phí, trong khi người dân lại gặp nhiều khó khăn về nguồn nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt. Đề nghị, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam cần sớm có biện pháp thiết thực khắc phục tình trạng này.

Hà Vy – Linh Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/lang-phi-tu-cac-cong-trinh-nuoc-sach-bi-bo-hoang-501690/